Vì sao điểm chuẩn ngành sư phạm lịch sử tăng vọt?

Các trường ĐH khu vực miền Trung cũng như nhiều tỉnh, thành khác có điểm chuẩn ngành sư phạm lịch sử tăng vọt, dẫn đầu các trường ĐH thành viên. Đây là tín hiệu vui cho ngành sư phạm lịch sử, nhất là trong bối cảnh Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ cho đào tạo sư phạm.

Hôm qua (22.8), một số trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển theo kết quả thi THPT 2023. Trong đó, tại các trường ĐH khu vực miền Trung, ngành sư phạm lịch sử có điểm chuẩn tăng vọt và dẫn đầu các ngành đào tạo.

Tại ĐH Huế, các ngành có điểm chuẩn cao nhất thuộc Trường ĐH Sư phạm, với ngành sư phạm lịch sử lấy 27,6 điểm. Mức điểm này cao hơn nhiều so với các năm trước, khiến thí sinh và phụ huynh bất ngờ.

Sáng 23.8, trả lời PV, TS Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo – Công tác sinh viên (ĐH Huế), cho biết có nhiều yếu tố khiến ngành này lấy điểm chuẩn cao, trong đó yếu tố quyết định là việc chỉ tiêu giảm nhưng số lượng đăng ký tăng.

"Thông thường điểm không cao lắm, như năm 2022 Bộ GD-ĐT giao ĐH Huế lấy 2.800 chỉ tiêu cho ngành sư phạm lịch sử, tuy nhiên năm nay chỉ tiêu chỉ còn 1.044. Chỉ tiêu giảm nhưng số lượng thí sinh đăng ký tăng nên điểm chuẩn cũng tăng lên", ông Hào lý giải.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. LÊ HOÀI NHÂN

Cơ hội việc làm lớn hơn cho sinh viên ngành sư phạm lịch sử

Lãnh đạo Ban Đào tạo - Công tác sinh viên (ĐH Huế) cho rằng, đây là một tín hiệu vui cho ngành sư phạm lịch sử, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho việc đào tạo sư phạm như hiện nay.

TS Nguyễn Công Hào nhận định, ngành sư phạm lịch sử lấy điểm chuẩn cao cũng như để khẳng định sự quan trọng của môn lịch sử trong giáo dục, đặc biệt khi lịch sử là môn bắt buộc trong hệ đào tạo THPT. Điều này cũng khiến cơ hội việc làm lớn hơn cho sinh viên ngành sư phạm lịch sử khi ra trường.

Tương tự, tại ĐH Đà Nẵng, điểm chuẩn ngành sư phạm lịch sử của Trường ĐH Sư phạm năm nay dẫn đầu tất cả các ngành với 27,58 điểm, tăng 2,58 điểm so với năm 2022.

Nói về tín hiệu tích cực này, thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, cho biết nhìn chung điểm chuẩn của các ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm năm nay đều tăng so với năm trước. Trong đó, ngành sư phạm lịch sử tăng mạnh nhất và dẫn đầu về điểm chuẩn ở hầu hết các trường sư phạm trong khu vực.

Sinh viên Khoa lịch sử, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, chụp ảnh kỷ niệm tại trường. H.Đ

Theo thạc sĩ Nguyễn Vinh San, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm chuẩn đầu vào của ngành sư phạm lịch sử tăng cao, đầu tiên vẫn phải kể đến tác động của Nghị định 116 (về hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên ngành sư phạm) đã giúp cho các ngành sư phạm nói chung thu hút được học sinh giỏi quan tâm và xét tuyển. 

Lý do thứ hai là chỉ tiêu xét tuyển của ngành sư phạm lịch sử năm nay các trường được giao không nhiều, dẫn đến tính cạnh tranh cao. 

Bên cạnh đó, thạc sĩ Nguyễn Vinh San đưa ra lý do quan trọng nhất là sự quan tâm, yêu thích của chính thí sinh dành cho ngành lịch sử. "Với điểm số trên 27,58, các em có rất nhiều sự lựa chọn ngành nghề khác nhưng các em đã chọn sư phạm và môn lịch sử. Đây có lẽ là lý do quan trọng và đáng vui mừng của những người làm giáo dục", thạc sĩ Nguyễn Vinh San nói.

Ngành sư phạm lịch sử, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã được kiểm định và đạt chuẩn chất lượng giáo dục mở ra cơ hội việc làm tốt cho sinh viên sau này. H.Đ

Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng thông tin thêm, bên cạnh ngành sư phạm lịch sử có điểm chuẩn đầu vào tăng cao thì ngành cử nhân lịch sử (chuyên ngành hợp tác quốc tế) của Trường ĐH Sư phạm cũng có sự tăng vọt lên 22,5 điểm (tăng 6 điểm so với điểm chuẩn năm 2022 và tuyển đủ chỉ tiêu được giao).

"Điểm chuẩn cao chứng tỏ thí sinh có chất lượng tốt hơn, điều này tạo ra rất nhiều thuận lợi cho quá trình dạy và học trong trường ĐH. Ý thức, thái độ và nền tảng kiến thức đầu vào tốt sẽ giúp người học phát huy hết năng lực khi có sự đồng hành của đội ngũ giảng viên chất lượng cao của nhà trường. Sinh viên sẽ có cơ hội học lên thạc sĩ, tiến sĩ ngay tại trường cũng là một điểm mạnh của chúng tôi", thạc sĩ Nguyễn Vinh San nhấn mạnh.

Theo Lê Hoài Nhân - Huy Đạt/Thanh niên

 

Tin cùng chuyên mục

Từ năm 2025, kì thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi khi thí sinh chỉ thi 4 môn bắt buộc thay vì 6 môn như hiện nay. Chính vì vậy, việc tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng sẽ có những thay đổi cho phù hợp với thực tế.
ĐH Mở TP.HCM thông báo tuyển sinh đại học chính quy bổ sung năm 2024 cho 6 ngành học với 150 chỉ tiêu.
Nhiều trường đại học xét tuyển bổ sung các ngành Sư phạm dù điểm chuẩn ngành này năm nay cao vọt. Trong đó có trường nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung trên 28 điểm.
Hiện tại, có khá nhiều trường đại học (ĐH) công lập phía Nam ra thông báo xét tuyển bổ sung các ngành đào tạo đại học chính quy năm 2024, cơ hội còn rộng mở cho các thí sinh.
Mở thêm nhiều ngành mới, tăng chỉ tiêu là nguyên nhân dẫn đến quy mô tuyển sinh hằng năm tăng. Chỉ tiêu “phình” nhanh nhưng số lượng thí sinh ổn định, nhu cầu học đại học của thí sinh giảm, dẫn đến thực trạng nhiều trường đại học “khát” thí sinh.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện vẫn còn thí sinh khi nhập học trực tiếp tại trường đại học mới phát hiện ra sơ suất, chưa thực hiện việc xác nhận nhập học trên hệ thống.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.