Từ năm 2024 này, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM bắt đầu tuyển sinh 4 chuyên ngành mới thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thông minh.
Theo kế hoạch tuyển sinh của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, từ năm 2024, trường sẽ mở thêm bốn chuyên ngành mới.
Đáng chú ý, đây đều là những chuyên ngành "hot’ trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu cần nguồn nhân lực rất lớn hiện nay và trong tương lai.
Chuyên ngành Smart logistics
Mã xét tuyển: 748020105A (chương trình tiên tiến). Tổ hợp môn xét tuyển gồm A00, A01, D01, D07.
Theo Trường, đây là lĩnh vực đang ngày càng phát triển và cần nguồn nhân lực lớn. Bởi theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), đến năm 2030, ngành logistics Việt Nam dự kiến sẽ thiếu đến 2 triệu lao động.
Chuyên ngành Smart logistics là một bước tiến đột phá trong lĩnh vực Logistics, nơi công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo gặp gỡ với các quy trình vận chuyển và quản lý hàng hóa. Chuyên ngành này nhằm giải quyết sự phức tạp và khối lượng công việc ngày càng lớn của các dịch vụ logistics toàn cầu cả trực tuyến và trực tiếp
Khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được tạo điều kiện thực tập tại các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước.
Được biết, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM là trường ĐH đầu tiên đào tạo về logistics từ năm 2007 và bắt đầu tuyển sinh chuyên ngành Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức từ năm 2008 trình độ ĐH chính quy.
Sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM
Chuyên ngành Kỹ thuật Thiết kế vi mạch và Trí tuệ nhân tạo (AI)
Mã xét tuyển: 7480102A (chương trình tiên tiến). Tổ hợp môn xét tuyển gồm A00, A01, D01, D07.
Đây là chuyên ngành kết hợp kỹ thuật thiết kế vi mạch với trí tuệ nhân tạo để tạo ra các hệ thống điện tử thông minh và tiên tiến, có khả năng tự học, tự điều chỉnh và tự động hóa các quy trình.
Các ứng dụng chuyên ngành này rất đa dạng, từ các thiết bị di động thông minh, hệ thống nhúng, máy tính cá nhân đến các hệ thống tự động hóa trong công nghiệp và y tế.
Chuyên ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đang ngày càng phát triển hiện nay.
Cụ thể, theo Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư phục vụ các công đoạn khác của quá trình sản xuất chip bán dẫn.
Thầy trò Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM trong một giờ thực hành
Chuyên ngành công nghệ ô tô số
Mã xét tuyển: 748020106A (chương trình tiên tiến). Tổ hợp môn xét tuyển gồm A00, A01, D01, D07.
Công nghệ ô tô số đang trở thành một xu hướng mới và có tiềm năng lớn trong ngành công nghiệp ô tô hiện đại. Bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các nhà sản xuất ô tô đặt mục tiêu chính là tạo ra các phương tiện giao thông an toàn, thông minh và tiện ích.
Việc áp dụng công nghệ ô tô số vào sản xuất và vận hành các loại xe đã mang lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp ô tô, từ giảm chi phí sản xuất đến tăng tính an toàn và hiệu suất của các loại xe.
Công nghệ ô tô số là một lĩnh vực kết hợp giữa công nghệ thông tin và ngành công nghiệp ô tô. Nó bao gồm việc sử dụng các phần mềm và thiết bị điện tử để cải thiện hiệu suất và tính năng của các loại xe, từ xe hơi đến xe tải và xe buýt. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các loại xe tự lái và xe điện, ô tô kết nối và ô tô thông minh.
Điều này đòi hỏi chuyên gia cần phải có kiến thức sâu rộng về cả ngành công nghiệp ô tô và công nghệ thông tin. Họ phải hiểu rõ về cấu trúc và hoạt động của các hệ thống ô tô, cũng như làm chủ các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, mạng lưới cảm biến.
Chuyên ngành Khoa học dữ liệu và AI (trí tuệ nhân tạo)
Mã xét tuyển: 748020104A (chương trình tiên tiến). Tổ hợp môn xét tuyển gồm A00, A01, D01, D07.
Theo trường, chuyên ngành này kết hợp giữa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo nhằm mang lại nhiều ứng dụng quan trọng trong thế giới thực. Từ tự động hóa công việc đơn giản đến phát triển các ứng dụng phức tạp như xe tự lái, hệ thống y tế thông minh và dự đoán thị trường tài chính.
Các chuyên gia trong ngành này cần có kiến thức sâu rộng về khoa học máy tính, toán học, thống kê và cả về lĩnh vực mà họ áp dụng kiến thức của mình.
Trong tương lai, lĩnh vực này dự kiến sẽ tiếp tục phát triển và có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ kinh tế đến y tế, từ giáo dục đến giải trí. Đó là một lĩnh vực đầy tiềm năng và hứa hẹn cho những ai muốn đóng góp vào việc tạo ra một tương lai thông minh và tiện ích hơn cho xã hội.
Năm 2024, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM xét tuyển theo năm phương thức cho tất cả các ngành/chuyên ngành. Gồm:
- Xét kết quả học tập THPT (học bạ).
- Tuyển thẳng theo đề án của trường.
- Xét kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2024, thí sinh đăng ký trực tuyến theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM.
- Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
- Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo Phạm Anh/ Pháp luật TP.HCM