Học ĐH bằng tiếng Anh, không yêu cầu điểm IELTS
Hoàng Anh (ở Hà Nội) vẫn trăn trở với ước mơ du học từ hồi còn là học sinh mà chưa thực hiện được. Ngặt nỗi không động đến môn toán đã rất lâu, nghĩ đến chuyện để được nhận vào chương trình đại học phải thi môn toán hay có điểm SAT là Hoàng Anh thấy khá lo lắng. Cộng thêm công việc quá nhiều, bạn chưa có thời gian để ôn luyện thi IELTS.
Dù học vượt trước chương trình rất nhiều nhưng Phương Thanh vẫn có nhiều thời gian đi du lịch khám phá Phần Lan cùng gia đình. ẢNH: NVCC
Qua tìm hiểu trên website chính thức về tuyển sinh cho tất cả các bậc học của Phần Lan https://opintopolku.fi, Hoàng Anh đã tìm ra được một cách giải quyết được tất cả các "điểm khó" trong trường hợp của mình, đó là ứng tuyển cuốn chiếu. Ở vòng 1 là nộp học bạ THPT, vòng 2 sẽ thảo luận nhóm trực tuyến. Tại vòng 2 có 2 thầy cô giáo và 4 thí sinh đến từ các nước khác nhau. Thầy giáo đưa ra 1 đề tài bất kỳ cho 4 thí sinh thảo luận, kết quả sẽ được thông báo sau 2 tuần. Hoàng Anh nộp hồ sơ từ tháng 4.2024, tháng 5 nhận kết quả trúng tuyển và tháng 8 sang Phần Lan nhập học. Rất nhanh gọn và hoàn toàn không cần điểm IELTS hay SAT.
"Tại vòng thi thảo luận nhóm, bạn phải "đấu" với những người có thể đến từ các nước sử dụng rộng rãi tiếng Anh như: SriLanka, Pakistan, Ấn Độ... Tuy nhiên, ở vòng thi này không phải cứ nói giỏi, áp đảo các thí sinh khác là thắng, vì tiêu chí chấm rất toàn diện, bao gồm cả tính lãnh đạo, tính hợp tác, thái độ lịch sự… Thế nên dù không đòi hỏi chứng chỉ IELTS, bạn phải có trình độ tiếng Anh vững vàng thì mới vượt qua được", Hoàng Anh cho biết.
Phần Lan có nhiều cách tuyển sinh đại học như: Kỳ thi chung giữa các trường, kỳ thi riêng của từng trường, hầu hết đều yêu cầu điểm IELTS từ 6 hoặc 6.5, thi toán hoặc nộp điểm SAT. Tuy nhiên, vẫn có một số trường áp dụng kiểu ứng tuyển cuốn chiếu nêu trên.
Học nhanh, bớt học phí
Chương trình cử nhân của Lê Phương Thanh, Trường ĐH Khoa học ứng dụng LAB (Phần Lan), kéo dài 3 năm rưỡi nhưng Thanh cho biết chỉ cần 2 năm là có thể học hết chương trình. Khi đó 1 năm rưỡi cuối Thanh sẽ không phải đóng học phí, do trường thu học phí theo từng kỳ học chứ không thu theo tín chỉ. Trong khi trường chỉ yêu cầu sinh viên hoàn thành 60 tín chỉ/năm là được học bổng giảm 50% học phí thì Thanh đạt tới 125 tín chỉ trong năm học đầu tiên.
Phương Thanh giải thích: "Do trong chương trình học có nhiều môn tự chọn, có thể học trực tuyến, chấm điểm bằng cách làm bài tập trực tuyến, nên cứ thấy rảnh là mình lấy thêm môn để học. Túc tắc như vậy thôi là tiết kiệm được kha khá tiền học phí rồi". Các môn học trực tuyến này Phương Thanh học trên trang https://campusonline.fi/en/, được chấp nhận bởi 24 trường ĐH Khoa học ứng dụng trên toàn Phần Lan.
Tăng yêu cầu chứng minh tài chính với du học sinh kể từ 1.11.2024
Mới đây, Sở Di trú Phần Lan đã ra quyết định tăng mức chứng minh tài chính đối với du học sinh. Mức chứng minh tài chính cho 1 năm học của 1 du học sinh trước đây là 560 euro/tháng (6.720 euro/năm) sẽ tăng lên 800 euro/tháng (9.600 euro/năm, tương đương khoảng 264 triệu đồng), tăng gần 43%. Mức chứng minh tài chính cho 1 gia đình du học sinh 4 người (gồm 2 vợ chồng và 2 con) tăng từ 25.920 lên 30.000 euro/năm (tương đương 824 triệu đồng/năm), tăng gần 16%.
Điều kiện để trở thành thường trú nhân của Phần Lan dự kiến cũng được thắt chặt hơn. Theo các đề xuất mới nhất của Bộ Nội vụ Phần Lan sẽ trình lên Quốc hội vào kỳ họp mùa xuân 2025, để được cấp tư cách thường trú nhân, một người cần có thời gian cư trú liên tục đủ 6 năm (trước kia là 4 năm). Đối với đối tượng có thu nhập cao (từ 40.000 euro/năm trở lên) hoặc có bằng thạc sĩ được hoàn thành tại Phần Lan, thời gian cư trú tối thiểu chỉ cần 4 năm. Như vậy, với mục đích lấy thường trú nhân, việc đi học cử nhân tại Phần Lan (3 năm rưỡi) có ưu thế hơn học thạc sĩ (2 năm), thì trong tương lai gần sẽ ngược lại, học thạc sĩ có thể giúp lấy tư cách thường trú nhân nhanh hơn.
Mặc dù hiện tại tỷ lệ thất nghiệp ở Phần Lan đang có xu hướng tăng, tìm việc khó khăn hơn, và chính phủ đang có nhiều chính sách thắt chặt hơn đối với điều kiện xin thường trú nhân và nhập tịch, nhưng Phần Lan vẫn là nước có nhiều chính sách thuận lợi cho việc du học cùng gia đình. Ví dụ nếu người vợ đi học bậc đại học hoặc cao học, cả chồng và con đều được đi cùng. Người chồng được học ngôn ngữ Phần Lan 1 năm và học nghề 2 năm (miễn phí), trong thời gian đi học có thể xin trợ cấp thất nghiệp. Người chồng cũng có quyền đi làm toàn thời gian. Con được đi học miễn phí, ăn trưa miễn phí ở trường và được chính phủ phát tiền tiêu vặt mỗi tháng.
Theo Phương Nguyên/ Thanh niên