Du học nhưng chỉ đi làm, một nước châu Âu thắt chặt quy định về bằng cấp

Trước tình trạng visa du học bị lạm dụng thành công cụ để đi làm hoặc định cư, Ba Lan bắt đầu thắt chặt quy định bằng cấp từ tháng 8 và dự kiến 'siết' ở một số khía cạnh khác trong thời gian tới.

Du học nhưng chỉ đi làm, một nước châu Âu thắt chặt quy định về bằng cấp

Sinh viên trong lễ tốt nghiệp ở ĐH Vistula (Ba Lan) hồi tháng 6. Đây là ngôi trường có đông sinh viên quốc tế, chiếm 56,5% tổng số sinh viên vào năm 2022. GRUPA UCZELNI VISTULA

Bắt buộc có bằng tốt nghiệp THPT đã xác minh

Theo thông tin từ chính phủ Ba Lan hôm 12.8, Bộ Ngoại giao nước này từ cuối tháng 7 đã ban hành hướng dẫn mới về quá trình xử lý hồ sơ xin visa (thị thực), nhất là visa du học. Cụ thể, cơ quan này yêu cầu các trường ĐH phải kiểm tra kỹ bằng tốt nghiệp THPT của du học sinh thay vì bỏ qua như trước đây. Đồng nghĩa, du học sinh bắt buộc có bằng tốt nghiệp THPT được xác minh là có giá trị nếu muốn xin visa du học Ba Lan.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều cơ sở giáo dục ĐH, nhất là các trường tư đã không kiểm tra bằng cấp của sinh viên quốc tế, khiến nhóm này dễ nhập học hơn so với sinh viên bản địa. Điều này dẫn đến việc tỷ lệ du học sinh tại các trường tư đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, thường chiếm 60-70%. Chưa kể nhóm này còn có tỷ lệ bỏ học sau năm nhất cao hơn so với sinh viên bản địa, Bộ Ngoại giao Ba Lan lưu ý.

Một chi tiết khác, theo tờ Dziennik Gazeta Prawna, một số người nước ngoài nhận được visa du học Ba Lan dù không đủ điều kiện nhập học ngay tại chính quốc gia của họ. Các cá nhân này thường dùng visa du học để đi làm trong khối Schengen vì được cấp quyền làm việc trong 1 năm. "Họ không bao giờ đến trường ĐH đã tạo điều kiện cho họ nhập cảnh", Bộ trưởng Ngoại giao Radosław Sikorski nói với đài TVN 24.

Theo ông Sikorski, quy định mới nhằm đảm bảo chỉ sinh viên chân chính mới được cấp visa du học và giúp hệ thống visa không bị người nước ngoài lợi dụng để lách luật Lao động. Ông Sikorski lưu ý thêm rằng các trường ĐH trước đây gặp khó trong việc tự giải quyết vấn đề xác minh bằng cấp nên thời gian tới sẽ có thêm sự can thiệp từ chính phủ. Tuy nhiên, một số bên liên quan bày tỏ lo ngại về quá trình xác minh.

Du học nhưng chỉ đi làm, một nước châu Âu thắt chặt quy định về bằng cấp

Xác minh bằng tốt nghiệp THPT gây khó cho du học sinh do các quy định của Ba Lan, theo chuyên gia du học. PEXELS

Bởi, theo các quy định hiện hành, ứng viên làm hồ sơ xin visa du học có thể nộp các tài liệu cần thiết để xác minh bằng cấp qua đường bưu điện hoặc người đại diện. "Nhưng điều này nói dễ hơn làm", ông Krzysztof Szymanski, Giám đốc vận hành của Marhaba Poland, một công ty tư vấn du học chuyên làm thị trường Ba Lan, nói với trang The PIE News.

Đó là vì du học sinh và các công ty du học phải xác minh bằng cấp qua một công ty môi giới được cấp phép tại Ba Lan chứ không thể chủ động chuẩn bị hồ sơ như trước. Bên cạnh đó, việc xác minh sẽ trở thành thử thách với các văn phòng lãnh sự Ba Lan ở nước ngoài bởi "chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào". "Số du học sinh nhập học sẽ giảm trong kỳ này nhưng tình hình có thể sáng sủa hơn vào kỳ tới", ông Szymanski dự đoán.

Dự kiến thay đổi nhiều quy định khác

Theo các hãng truyền thông địa phương, yêu cầu bắt buộc về bằng tốt nghiệp THPT là "phát súng" đầu tiên nhưng không phải duy nhất của chính phủ Ba Lan nhằm "siết" quy định cấp visa du học trong thời gian tói. Theo tờ Rzeczpospolita, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Ba Lan đang đề xuất các chính sách mới, như yêu cầu cấm nhận du học sinh nếu họ không đáp ứng các tiêu chí tuyển sinh tối thiểu về bằng cấp và ngôn ngữ.

Cụ thể, các bộ này đang xem xét tập trung hóa quá trình xét tuyển du học sinh, để cho duy nhất Cơ quan trao đổi học thuật quốc gia (NAWA) chịu trách nhiệm xác minh bằng tốt nghiệp THPT, trình độ ngoại ngữ của ứng viên cũng như các tiêu chí tối thiểu khác nhằm đảm bảo du học sinh có thể theo kịp chương trình học ở các trường ĐH Ba Lan.

Ngoài ra, các bộ trên cũng đang "cân nhắc hạn chế sinh viên quốc tế" tiếp cận thị trường lao động Ba Lan, cũng như tăng yêu cầu về tài chính khi xin visa và thẻ cư trú. Họ cũng dự định tăng số tiền tối thiểu trong tài khoản ngân hàng mà sinh viên phải có. Hiện con số này là 1.270 PLN (8,3 triệu đồng) cho 2 tháng đầu tiên dự định ở lại.

Du học nhưng chỉ đi làm, một nước châu Âu thắt chặt quy định về bằng cấp

Ba Lan có thể triển khai nhiều quy định thắt chặt khác với du học sinh trong thời gian tới. PEXELS

Trước đó, một nước châu Âu khác là Đức tăng yêu cầu chứng minh tài chính bắt đầu từ năm học 2024-2025. Cụ thể, du học sinh cần có 11.904 euro (332 triệu đồng) trong sổ đóng băng để nộp đơn xin visa du học, tăng khoảng 10% (696 euro) so với mức trước đó. Và để hạn chế tình trạng du học trá hình, nhiều quốc gia như Úc, Canada cũng thắt chặt quy định cấp visa du học, như tăng yêu cầu về tài chính, ngoại ngữ.

Theo dữ liệu từ Bộ Khoa học và giáo dục ĐH Ba Lan, năm học 2023-2024 ghi nhận có 103.147 sinh viên quốc tế, song con số này giảm hơn 5.000, chỉ còn 98.056 người vào cuối năm học. Và trong thập kỷ qua, 321.000 sinh viên quốc tế đến Ba Lan từ gần 200 quốc gia nhưng cho đến nay chỉ có 118.371 người tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ khoảng 37%.

Theo Ngọc Long/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Xét tuyển học sinh Việt Nam bằng điểm bài thi chuẩn hóa là động thái mới từ ĐH Quốc gia Úc (ANU), sau nhiều năm chỉ nhận ứng viên học ở 92 trường chuyên, trường điểm.
Chính phủ Hungary sẽ cấp tối đa 200 suất học bổng cho công dân Việt Nam để theo học tại Hungary ở các lĩnh vực: Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học, Bán dẫn, Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Giáo dục, Kinh tế, Khoa học y tế và sức khỏe, Nông nghiệp, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Khoa học xã hội và Nhân văn, Luật, Kiến trúc, Thú y và Khoa học thể thao.
Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD -ĐT cho biết năm 2025 Chính phủ Trung Quốc sẽ cấp 34 chỉ tiêu học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trung Quốc theo diện Hiệp định.
Châu Âu đang trở thành điểm đến hấp dẫn sinh viên Việt Nam nhờ hệ thống giáo dục chất lượng cao, chi phí học tập hợp lý, đặc biệt là cơ hội miễn hoặc giảm học phí. Với chương trình đào tạo nghề tại nhiều quốc gia, người học không chỉ được miễn học phí mà còn được trả lương từ 800-1.200 euro/tháng.
Du học sinh Việt ngoài được miễn học phí và nhận trợ cấp 1.000 euro/tháng khi học nghề Điều dưỡng, còn có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp vì lĩnh vực này đang thiếu lao động.
Hơn 10.000 thư mời nhập học của sinh viên quốc tế từ các trường cao đẳng và đại học Canada đã bị phát hiện là có khả năng giả mạo trong năm nay, theo thông tin từ quan chức di trú phụ trách sinh viên quốc tế ở nước này.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.