Công ty Capstone Vietnam ngày 29.9 tổ chức triển lãm du học mùa thu 2024 ở TP.HCM với sự tham gia của hàng chục ĐH Mỹ. Trao đổi với Thanh Niên bên lề sự kiện, tiến sĩ Mark A. Ashwill, Giám đốc điều hành Công ty Capstone Vietnam, nhận định trong bối cảnh nhiều quốc gia du học thay đổi chính sách, Mỹ vẫn giữ ổn định ở cấp quốc gia còn ở cấp trường thì đang trao nhiều học bổng hơn trước.
"Các chương trình trải dài từ học bổng dựa trên học lực (merit-based) hoặc dựa trên khả năng tài chính của gia đình (need-based), với giá trị lên đến toàn phần. Mặt khác, nhiều phụ huynh, học sinh đang dành sự quan tâm nhiều hơn vào các trường ĐH thay vì CĐ cộng đồng, bởi tổng chi phí không quá chênh lệch trong một số trường hợp. Đây là một thay đổi lớn trong hơn một thập kỷ qua", tiến sĩ Ashwill nhận xét.
Về việc Úc hay Canada cắt giảm số lượng du học sinh, ông Ashwill lưu ý hiện chưa thể đánh giá tác động của sự thay đổi chính sách đến mối quan tâm của phụ huynh, học sinh Việt Nam. Song, có một điều chắc chắn là người Việt đang ngày càng có nhiều lựa chọn hơn trước và các trường trên thế giới đang ngày càng cạnh tranh với nhau để tuyển sinh. "Đây là thời điểm thị trường thuộc về phụ huynh, học sinh", vị tiến sĩ nhấn mạnh.
Riêng ở Mỹ, ông Ashwill lưu ý một số trường ĐH hàng đầu đang yêu cầu điểm SAT trở lại trong khâu tuyển sinh. Bởi, các trường này có tính chọn lọc (selective) cao với hàng chục nghìn đơn đăng ký mỗi năm. "Họ là thương hiệu toàn cầu, không cần đến đâu để tuyển sinh nên ứng viên phải xuất sắc, thậm chí là may mắn. Nhưng phần lớn các trường Mỹ không hoặc chỉ có tính chọn lọc vừa phải, chỉ trừ một số ngành", ông Ashwill nói.
Học sinh tìm hiểu cơ hội du học Mỹ bậc phổ thông. ẢNH: NGỌC LONG
Tại Mỹ, học phí của các trường tư thục thường đắt đỏ, song họ cũng hào phóng khi trao học bổng. Điều này trái ngược với nhóm trường công lập vốn có mức học phí thấp hơn. Tuy nhiên, vào năm học này, một số ĐH công lập đã quyết định rộng rãi hơn trong khâu cấp học bổng, trong đó có ĐH Wisconsin (UW) tại Eau Claire, theo chị Kerryn Johnson, cố vấn tuyển sinh quốc tế của trường.
Cụ thể, UW đang có gói học bổng từ 3.000 - 8.000 USD/năm cho sinh viên quốc tế, xét duyệt dựa trên điểm học bạ. Nếu đậu mốc cao nhất, người học chỉ cần đóng 11.750 USD (289 triệu đồng) mỗi năm chưa tính tiền nhà ở, ăn uống, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, các bạn cũng cần duy trì điểm học bạ trên giảng đường từ 3.0 trở lên (thang điểm tối đa 4.0) để được xét học bổng cho năm kế tiếp.
"Sau khi nhập học, chúng tôi cũng có nhiều loại học bổng khác dựa trên những tiêu chí khác nhau và các học bổng có thể cộng dồn nhằm giúp học sinh tập trung vào việc học thay vì lo lắng vấn đề tài chính. Về chính sách tuyển sinh, chúng tôi đánh giá toàn diện ứng viên từ năng lực học tập đến hoạt động ngoại khóa, như tham gia câu lạc bộ, đi làm thêm hay thực tập, đi kèm đó là một bài luận 500 chữ", chị Johnson chia sẻ.
Tích cực tuyển sinh, cấp học bổng đến toàn phần
Chị Cathy Knudson, Giám đốc tuyển sinh và hợp tác quốc tế ĐH Đông Carolina (ECU), nói Việt Nam là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á mà trường đang tích cực tuyển sinh. Điều này mở ra nhiều cơ hội, như từ năm ngoái, ECU đã mở chương trình học bổng cho sinh viên từ các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, với giá trị 2.000 USD/năm. Mức này tương đương 10% học phí và sẽ duy trì trong 4 năm.
Chị Cathy Knudson, Giám đốc tuyển sinh và hợp tác quốc tế ECU, nói trường đang tập trung tuyển sinh tại Việt Nam với nhiều học bổng dù là trường công lập. ẢNH: NGỌC LONG
Ngoài ra, ECU còn có 20 suất học bổng toàn phần, gồm 100% học phí, sinh hoạt phí và nhiều loại phí khác, cho cả sinh viên nội địa lẫn quốc tế. Để được xét duyệt, các bạn cần ứng tuyển trước tháng 12, vượt qua vòng đơn và sau đó là vòng phỏng vấn. "Ngoài ra, ECU còn có hơn 900 suất học bổng với giá trị trung bình là 20% học phí", chị Knudson nhấn mạnh.
Nữ giám đốc cho biết thêm, những năm qua số đơn xin nhập học ở trường đã tăng đáng kể, lên đến 40%. Theo chị Knudson, khó khăn lớn nhất với sinh viên quốc tế vẫn là vấn đề tài chính và visa du học. "Nhìn chung, các bạn nên nộp đơn sớm nhất có thể để tranh thủ được nhiều cơ hội học bổng nhất có thể. Học sinh Việt cũng có thể trao đổi trực tiếp với đại diện trường để được hướng dẫn chi tiết nhất", chị Knudson khuyên.
Chị Nguyễn Thanh Thảo, điều phối tuyển sinh khu vực Đông Nam Á ở Cottey College, cho biết trường bắt đầu tuyển sinh tại Việt Nam từ năm nay. Đây là ngôi trường khá đặc biệt khi chỉ tuyển mỗi nữ sinh với mục tiêu hỗ trợ các bạn có cơ hội lãnh đạo, tự do thể hiện bản thân. "Vì thế, trường không yêu cầu khắt khe, chỉ cần các bạn có điểm học bạ THPT từ 7 trở lên, trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 hoặc tương đương", chị Thảo chia sẻ.
Về cơ hội học bổng, chị Thảo cho biết trường sẽ đánh giá dựa trên điểm học bạ của ứng viên, với giá trị từ 10.000 lên đến 14.000 USD (với các bạn đạt điểm từ 9 tới 10). Ngoài ra, các bạn cũng có thể nhận nhiều học bổng khác sau khi nhập học. "Chúng tôi còn có chương trình đài thọ vé máy bay, khách sạn và phí tham quan cho các bạn đến một quốc gia bất kỳ để giao lưu, chỉ cần đáp ứng một số yêu cầu về tín chỉ", chị Thảo thông tin.
Là trường tư thục dành cho nữ giới thuộc tổ chức từ thiện P.E.O. Sisterhood, Cottey College có nhiều chương trình hỗ trợ nữ sinh chinh phục giấc mơ lãnh đạo, theo chị Nguyễn Thanh Thảo. ẢNH: NGỌC LONG
Việc đẩy mạnh tuyển sinh diễn ra tương tự ở bậc phổ thông, theo ông Chip Audett, Giám đốc tuyển sinh và hỗ trợ tài chính của Cardigan Moutain School - một trường THCS nội trú dành cho nam sinh. Ông Audett nói trước đây từng tiếp nhận học sinh Việt nhưng từ sau Covid-19 thì không còn học sinh nào đến từ Việt Nam. Đó là lý do năm nay trường đến nước ta tuyển sinh trở lại.
"Tương tự các trường THPT, chúng tôi cũng yêu cầu ứng viên nhí cung cấp một số giấy tờ như bảng điểm, trình độ tiếng Anh, thư giới thiệu từ giáo viên cũ, cam kết của người giám hộ và học sinh, đồng thời có cuộc trò chuyện với từng bạn nhỏ. Chúng tôi còn có học bổng dựa trên khả năng tài chính của gia đình, giá trị lên đến 50% học phí và có thể tăng thêm dựa trên hồ sơ tổng thể của ứng viên", ông Audett lưu ý.