Ngành Kỹ thuật Hóa học

Mã ngành: 7520301

Ngành Kỹ thuật hóa học là gì?

Ngành Kỹ thuật Hóa học  là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ chuyên nghiên cứu và ứng dụng những kiến thức hóa học và kỹ thuật vào quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm hóa học phục vụ công nghiệp và đời sống xã hội.

Ngành này đóng vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như dầu khí, dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón, vật liệu hàng không, môi trường, chế biến thực phẩm, đồ uống. Những Kỹ sư ngành Kỹ thuật Hóa học đảm nhiệm vai trò thiết kế, chế tạo, vận hành, đánh giá, điều chỉnh và quản lý các quá trình sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.

Học ngành Kỹ thuật hóa học là học gì?

Chương trình sẽ đào tạo thành những Kỹ sư Hóa học có tay nghề cao, có thể thiết kế các giải pháp kỹ thuật về quy trình công nghệ, tính toán kỹ thuật, nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực công nghiệp liên quan (lọc - hóa dầu, hóa dược, sản xuất sản phẩm hóa hữu cơ, hóa vô cơ, kỹ thuật phân tích, công nghệ điện hóa- chống ăn mòn,...).

Theo học ngành này, sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng và chế tạo sản phẩm như: Chưng cất các loại tinh dầu, thực hành sản xuất các loại mỹ phẩm. Bên cạnh đó, còn được thực hành trong phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, đảm bảo môi trường học tập và nghiên cứu thuận lợi cho sinh viên.

Học ngành Kỹ thuật hóa học ra trường làm gì?

Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hóa học, Kỹ sư có khả năng làm việc tại các vị trí việc làm tiêu biểu như sau:

  • Kỹ sư nghiên cứu: tham gia nghiên cứu và phát triển các sản phẩm và quy trình mới, làm việc ở phòng lab tại các viện nghiên cứu như: Viện Công nghệ Hóa học, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Dầu khí Việt Nam; các công ty dược phẩm: SPM, Rohto, Dược Hậu Giang; các công ty hóa mỹ phẩm: Unilever, P&G; công ty thực phẩm: Vissan, Nestle, Vinamilk; các công ty kiểm định, giám định và cấp giấy chứng nhận: SGS, TUV, Intertek, VietnamControl, UL. Ngoài ra, các kỹ sư còn có thể nghiên cứu về việc phát triển và thiết kế, tối ưu hóa các loại máy móc để sản xuất ra các sản phẩm mới đó.
  • Kỹ sư vận hành: làm việc tại các nhà máy sản xuất, chịu trách nhiệm về việc vận hành và điều khiển máy móc trong quá trình sản xuất (máy đóng gói, các loại dây chuyền tự động trong ngành dược, hóa mỹ phẩm và thực phẩm; các loại máy phân tích – HPLC, GC, FTIR, AAS trong ngành môi trường; các loại thiết bị trong ngành lọc hóa dầu.
  • Kỹ sư quản lý: tham gia vào quản lý quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm trong các xí nghiệp, nhà máy sản xuất thực phẩm (Nestle, Acecook, Cholimex, Vinamilk,…), dược phẩm (Rohto, Dược Hậu Giang, OPC, Nanogen, …), hoá – mỹ phẩm (P&G, Unilever, LG Vina,…), vật liệu (xi măng Hà Tiên và INSEE, nhựa Chợ Lớn,…).
  • Kỹ sư kinh doanh: các kỹ sư tốt nghiệp với kiến thức và sự am hiểu về lĩnh vực hoá học có thể mở công ty mua bán hoặc sản xuất các loại máy móc hoặc sản phẩm liên quan đến ngành này. Các sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hoá học cũng có thể làm nhân viên kinh doanh (sales) cho các công ty với nhiệm vụ tư vấn các loại sản phẩm và máy móc cho khách hàng để đạt được sự thỏa mãn về chất lượng và thông số kỹ thuật trong khung giá cả mà khách hàng đề ra. Các kỹ sư Hóa học sẽ có cơ hội việc làm trong các công ty như: 3M, BASF, DKSH, Nippon, Blacktrace, Agilent, Hoá chất Bách Khoa, SBC Scientific, Hóa chất Hợp Nhất,…

Những tố chất phù hợp để theo học ngành Kỹ thuật hóa học

Để theo đuổi ngành Kỹ thuật hóa học, bên cạnh niềm đam mê, yêu thích, bạn cũng có những tố chất sau đây để học tốt hơn, chẳng hạn như: 

  • Đam mê với ngành Kỹ thuật Hóa học;
  • Có khả năng về thiết kế, sản xuất và vận hành máy móc;
  • Tư duy sáng tạo;
  • Khả năng phân tích, tổng hợp;
  • Kỹ năng phát hiện xử lý vấn đề;
  • Kỹ năng thực hành;
  • Kỹ năng làm việc nhóm;
  • Kỹ năng quản lý điều hành;
CÁC TRƯỜNG TUYỂN SINH NGÀNH Kỹ thuật Hóa học