“Yêu thích - giỏi - xã hội cần” sẽ giúp học sinh chọn được nghề lý tưởng

“Nghề sẽ đi suốt cả cuộc đời một người, trong khi ngành học chỉ khoảng 4 năm. Cho nên đầu tiên phải chọn nghề. Sự giao thoa giữa 3 yếu tố “yêu thích - giỏi - xã hội cần” thì sẽ giúp học sinh tìm được nghề lý tưởng”.

Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin Truyền thông Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM  đã đưa ra lời khuyên này đến các em học sinh tại chương trình Tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2022 với chủ đề “Cùng bạn định hướng tương lai”.

Ban Tư vấn tại Đài Truyền hình Đồng Tháp

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Đồng Tháp, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp tổ chức thực hiện, với sự đồng hành của các trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), ĐH Văn Hiến…

Năm 2022, một số trường ĐH sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực

Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ

Thông tin này được Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Chuyên gia tư vấn tuyển sinh nêu ra khi nói đến kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Theo Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, những năm gần đây, Bộ GD-ĐT tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH trong việc xét tuyển thí sinh. Kỳ thi đánh giá năng lực khu vực phía Nam do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức với kết quả không chỉ sử dụng cho ĐH Quốc gia TP.HCM mà còn sử dụng ở nhiều trường ĐH khác. Như năm vừa rồi, khoảng 60 trường sử dụng kết quả bài thi này để làm một trong những phương thức xét tuyển.

Ban Tư vấn đợt 2 tại Đài Truyền hình Đồng Tháp

Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực cơ bản giữ ổn định, diễn ra 2 đợt, đợt 1 vào khoảng cuối tháng 3 và đợt 2 vào tháng 5. So với năm 2021, kỳ thi được tổ chức tại 7 tỉnh, thành thì năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự kiến tăng thêm các điểm tổ chức kỳ thi để hạn chế việc đi lại của thí sinh.

Tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ thực hiện 1 bài thi trắc nghiệm trong thời gian 150 phút. Bài trắc nghiệm gồm 3 phần chính, gồm tư duy logic, toán học; khả năng giải quyết vấn đề; và liên quan đến những kiến thức khoa học xã hội, khoa học tự nhiên.

Theo kế hoạch, năm nay ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM, một số trường khác cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhưng với hình thức khác. Đơn cử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tổ chức từng bài thi ứng với các môn thi riêng. “Việc các trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cũng là một cơ hội giúp thí sinh có thêm điều kiện để xét tuyển vào các trường, các ngành nghề bản thân mong muốn”, Tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho hay.

Các trường ĐH sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để làm một trong những phương thức xét tuyển phải kể đến như ĐH Văn Hiến, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF)…

Thạc sĩ Trần Mạnh Thái

Thạc sĩ Trần Mạnh Thái - Trưởng phòng tuyển sinh ĐH Văn Hiến cho biết, năm nay nhà trường vẫn giữ phương thức tuyển sinh như năm 2021. Ngoài sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, trường còn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; kết quả học bạ; và xét tuyển thẳng. Một số ngành như thanh nhạc, giáo dục mầm non sẽ tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh cho biết, năm 2022 trường sẽ tuyển sinh 35 ngành. Tất cả các ngành sẽ tuyển sinh theo 4 phương thức: xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển theo kết quả học bạ với các tổ hợp môn tương ứng với từng ngành; xét tuyển học bạ theo điểm trung bình học kỳ (gồm 2 học kỳ lớp 11 và 1 học kỳ lớp 12 từ 18 điểm trở lên).

“Yêu thích - giỏi - xã hội cần” sẽ giúp thí sinh chọn được nghề lý tưởng

Có thể thấy, câu chuyện chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, đam mê, cơ hội nghề nghiệp luôn là vấn đề khiến nhiều học sinh lớp 12 lúng túng trước khi tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Ở góc độ này, Tiến sĩ Tô Nhi A - Chuyên gia tâm lý khuyên học sinh nên tìm đọc danh mục nghề nghiệp Việt Nam. Danh mục đưa ra gần 800 nghề với các mô tả, định danh nghề nghiệp, nhiệm vụ nghề nghiệp cụ thể, giúp học sinh hiểu rõ, không còn lúng túng trước quyết định chọn ngành, chọn nghề. Qua đó, học sinh dễ dàng tìm được chuyên ngành học yêu thích và biết được muốn làm một nghề nào đó sẽ học chuyên ngành nào, được đào tạo tại các trường ĐH, CĐ nào, với mức học phí ra sao.

Tiến sĩ Tô Nhi A

Theo Tiến sĩ Tô Nhi A, danh mục này có đăng tải trên môi trường mạng, học sinh rất dễ tiếp cận. Bà cũng lưu ý, khi chọn một ngành học phải dựa trên các chỉ số bản thân như giỏi môn học nào, giỏi thực hành gì, đam mê lĩnh vực nào rồi đưa ra quyết định. Trong câu chuyện chọn ngành, nghề cũng phải xác định sau này có sống được bằng nghề đó không? Có niềm vui, có khả năng phát triển nghề nghiệp không?… Đây là các tiêu chí đo đếm nghề nghiệp ở cấp độ cá nhân và cấp độ xã hội.

Thạc sĩ Phùng Quán 

Về vấn đề này, Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, để chọn được nghề phù hợp phải dựa vào năng lực, niềm đam mê, nguồn nhân lực xã hội đang cần là gì. Ví dụ tỉnh Đồng Tháp đang cần nhân lực nông lâm ngư, chế biến thủy hải sản,… cũng là yếu tố để học sinh lưu ý.

“Nghề sẽ đi suốt cả cuộc đời một người, trong khi ngành học chỉ theo khoảng 4 năm học. Cho nên đầu tiên phải chọn nghề. Sự giao thoa giữa 3 yếu tố “yêu thích - giỏi - xã hội cần” thì sẽ giúp học sinh tìm được nghề lý tưởng”, Thạc sĩ Phùng Quán nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý,  chọn nghề không phải chỉ thích và đam mê là đủ. Có học sinh chỉ vì đam mê, đăng ký vào ngành “hot” nhưng sau đó chán, thất vọng rồi bỏ. Có sinh viên 6 năm ngành y rồi cũng bỏ đi học lại ngành công nghệ thông tin. Việc này vừa  mất thời gian, vừa tốn kém tiền bạc.

Cũng theo ông, bên cạnh sự giao thoa giữa 3 yếu tố, học sinh cần xem xét cả yếu tố tài chính. Hiện nay mức học phí giữa các trường không giống nhau. Học phí trường công lập khoảng hơn 10 triệu đồng/năm, trường tự chủ tài chính khoảng 30 triệu đồng/năm, trường dân lập tư thục từ 30-60 triệu đồng/năm. “Cho nên cần dựa vào cả khả năng tài chính của gia đình có theo được 4 năm không. Nếu tài chính là gánh nặng sẽ khiến người học dễ áp lực và bỏ học”, Thạc sĩ Phùng Quán lưu ý.

Thu Hà

Tin cùng chuyên mục

Điểm sàn cao nhất xét tuyển vào ĐH Kinh tế TP.HCM là 730 điểm, theo kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1 năm 2024.
Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Thí sinh muốn phúc khảo bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cần đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 17- 4.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 đợt 1, trong đó thủ khoa đạt 1.076 điểm (thang điểm 1.200).
Hôm nay (15/4), ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1. Kỳ thi có gần 100.000 thí sinh tham dự. Sau đây là cách xem điểm thi đánh giá năng lực.
Có trường đại học, có ngành, thí sinh phải đạt từ 850 điểm (thang điểm 1.200) thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM mới được nộp hồ sơ xét tuyển.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề