Với học sinh (HS) lớp 12, những em thực sự có ý thức về nghề không nhiều. Vì thế, khi tuyển sinh đầu vào đối tượng này, việc HS tập trung học tốt khối B khi thi y là một chỉ dấu tạm thời có thể tin tưởng là các em yêu thích ngành y, muốn thi y. Kết quả thi khối B cho thấy khả năng hiện thực hóa mong muốn của các em đến đâu. Do đó, việc dùng các tổ hợp "lạ" để tuyển sinh ngành y của một số trường cho thấy những trường này bỏ ngoài yếu tố yêu thích ngành nghề của TS khi tuyển sinh. Đó là chưa xét đến yếu tố chất lượng đào tạo sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi đầu vào tuyển sinh được đánh giá trên các căn cứ "lạc lõng", hoặc không có tính cốt lõi trong tuyển sinh ngành y.
"Đâu đó người ta vẫn nói, để có chất lượng thì quan trọng là quá trình đào tạo, còn đầu vào chỉ cần HS tốt nghiệp THPT. Nhưng tôi khẳng định, riêng với đào tạo bác sĩ thì đầu vào rất quan trọng, rất ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, nên phải rất thận trọng trong tuyển sinh", GS Lê Ngọc Thành chia sẻ.
Đánh giá toàn diện, nhưng không thể thiếu điều cốt lõi
PGS Lê Cự Linh, Phó viện trưởng Viện Khoa học sức khỏe (Trường ĐH VinUni), cho biết VinUni xét tuyển kết hợp phỏng vấn đánh giá năng lực, chứ không chỉ dựa vào kết quả học tập các môn học của TS. Quy trình tuyển sinh của trường sẽ diễn ra theo thứ tự các bước như sau: sàng lọc hồ sơ, dựa trên nhiều yếu tố, trong đó kết quả học tập chỉ là một yếu tố; sau bước sàng lọc hồ sơ, hội đồng tuyển sinh sẽ chọn ra danh sách những TS xứng đáng được vào vòng phỏng vấn; bước tiếp theo là phỏng vấn, đánh giá năng lực cá nhân, quá trình này sẽ bao gồm một cuộc phỏng vấn giữa TS với giảng viên, kéo dài trong thời gian 45 phút và có thể có thêm một số hoạt động khác.