Xét tuyển sớm là gì và điều kiện nào để trúng tuyển chính thức?

Mấy ngày qua, thông tin về xét tuyển sớm được dư luận quan tâm do Bộ GD-ĐT dự kiến có một số thay đổi về chỉ tiêu và điểm trúng tuyển của hình thức xét tuyển này. Vậy xét tuyển sớm là gì và thí sinh cần làm gì để trúng tuyển chính thức sau khi tham gia xét tuyển sớm?

Thời gian của xét tuyển sớm là khi nào?

Trao đổi với phóng viên ngày 27.11bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT, giải thích xét tuyển sớm là thời gian các trường xét tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là cụm từ được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.

Bà Thủy còn nói rõ thêm: "Xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển là 2 thứ khác nhau. Trong đó, xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào. Chỉ có điều về mặt thời gian của xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà thôi".

Như vậy, trừ phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, các phương thức xét tuyển sớm hiện nay có thể gồm có xét tuyển thẳng, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực...

Xét tuyển sớm là gì và điều kiện nào để trúng tuyển chính thức?

Phụ huynh và thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển sớm tại một trường ĐH năm 2024. ẢNH: X.D

Căn cứ Điều 18 Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư 08 năm 2022 (đang còn hiệu lực tới thời điểm này), thì quy định về tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm như sau:

Cơ sở đào tạo có kế hoạch xét tuyển sớm đối với một số phương thức tuyển sinh, tổ chức cho thí sinh đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo.

Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.

Bên cạnh đó, các trường phải công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống.

Phải tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng lên hệ thống

Cũng theo quy định, thí sinh đã dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.

Trường hợp thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển một nguyện vọng nhất định (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT, nghĩa là phải đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT nếu thí sinh chưa tốt nghiệp THPT), thí sinh tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống.

Có nghĩa nếu như thí sinh muốn trúng tuyển chính thức nguyện vọng đó thì phải đăng ký làm ưu tiên số 1. Trong trường hợp muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác, chẳng hạn muốn xét một ngành mới bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp, thì có thể đặt nguyện vọng bằng điểm thi trước, sau đó đến nguyện vọng đã trúng tuyển sớm.

Nếu thí sinh đã có tên trong danh sách trúng tuyển sớm mà không đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển lên hệ thống coi như từ chối trúng tuyển nguyện vọng này.

Trường hợp không đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành đào tạo theo nguyện vọng ở đợt xét tuyển sớm, thí sinh vẫn có thể tiếp tục đăng ký ngành đào tạo đó theo phương thức tuyển sinh khác trên hệ thống.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT ở năm học 2023-2024 có 214 trong tổng số 322 cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển sớm. Tuy nhiên, trong tổng số trên 375.500 thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm, chỉ có trên 147.000 trường hợp đăng ký nguyện vọng 1 trúng tuyển sau lọc ảo. Có nghĩa là chưa đến 40% trường hợp quyết định nhập học bằng phương thức này.

Những dự kiến thay đổi về xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non.

Theo đó, Bộ GD-ĐT dự kiến sửa đổi, bổ sung 2 khoản trong Điều 18 quy chế hiện hành về tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm. Cụ thể, cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.

Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Trường bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, công bố công khai danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển; số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển không vượt chỉ tiêu xét tuyển sớm đã công bố của mỗi ngành, nhóm ngành đào tạo; không được yêu cầu thí sinh cam kết, xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung theo bất cứ hình thức nào.

Cơ sở đào tạo công bố và đưa danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung.

Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Theo các nhà giáo, hiện nay học sinh đang “chạy” theo nhiều kỳ thi riêng, ôn thi các loại chứng chỉ rất vất vả, áp lực, tốn kém... Mặt khác, điều này cũng khiến học sinh vùng khó khăn thiệt thòi vì giảm cơ hội tuyển sinh vào các trường mong muốn.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc thiết kế phương án thi, trong đó các môn thi lựa chọn đều thi trong thời gian 50 phút sẽ khó đánh giá được đúng năng lực của người học.
Với những dự kiến thay đổi lớn về phương thức xét tuyển, quy đổi điểm về một thang điểm chung trong đợt xét tuyển chung với điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn khối ngành sức khỏe và sư phạm..., nhiều trường đã lên kịch bản điều chỉnh các phương án xét tuyển để không bị động nếu như những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm 2025 được áp dụng trong năm nay.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ xét tuyển sớm để tạo công bằng cho thí sinh nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ cân nhắc việc này
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực (HSA) từ tháng 3-6/2025 và phục vụ 85.000 lượt thi; thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt thi mỗi năm.
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt xét tuyển cho các ngành đào tạo. Trường sử dụng điểm thi môn nào để xét tuyển vào từng ngành cụ thể?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.