Xem xét xử lý hình sự người nhập cảnh trái phép

Vấn đề này được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác phòng, chống Covid-19 vào sáng 28-4.


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác phòng, chống Covid-19 vào sáng 28-4 (Ảnh: TTBC)

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các nước láng giềng với số người mắc, người tử vong gia tăng, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu TP.HCM quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các phương châm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện “mục tiêu kép” hiệu quả. Cùng với đó, xây dựng các phương án, kịch bản sẵn sàng cho mọi tình huống; đẩy mạnh kiểm tra việc tự đánh giá và chấp hành yêu cầu 5K, các tiêu chí an toàn về phòng chống dịch tại tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của ngành y tế; không để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng và lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh. Đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép và ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch của TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung cần xem xét các yếu tố hình sự để kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật. “Mặc dù đã có vắc xin nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến xấu tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tạo  áp lực lớn cho Việt Nam khi số lượng người nhập cảnh ngày càng tăng. Nếu không kiểm soát tốt nhập cảnh trái phép thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại luôn hiện hữu”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Ngoài ra, ông yêu cầu TP.HCM đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống Covid-19 trong tình hình mới đến từng người dân để có sự chủ động, tự giác bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, phòng chống dịch bệnh hiệu quả; hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động không cần thiết, tập trung đông người. “TP.HCM là trung tâm kinh tế - xã hội, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại tại đây sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với cả nước. Vìu thế, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh phải được xác định là trọng tâm và đặt lên hàng đầu, coi đây là điều kiện tiên quyết để ổn định và phục hồi kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đến nay có 254 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP.HCM, trong đó có 68 trường hợp nhiễm trong cộng đồng chiếm tỷ lệ 26,98%. TP đang điều trị 27 trường hợp đều là người nhập cảnh, sức khỏe ổn định. Kể từ ngày 10-2 đã 75 ngày qua TP không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng.

Về các hoạt động phòng chống dịch Covid-19, TP tổ chức quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh tại cửa khẩu, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế điện tử, kiểm dịch y tế cửa khẩu hàng không, hàng hải; tổ chức quy trình tiếp nhận và vận chuyển người nhập cảnh về cơ sở cách ly tập trung đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Từ đầu năm 2021 đến nay, TP.HCM phát hiện 66 trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn. TP đã tiến hành truy vết và cách ly tập trung đúng quy định ngay khi phát hiện, trong đó có 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Riêng ngày 27-4, TP phát hiện 2 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào điều trị Bệnh viện Từ Dũ, đã thực hiện cách ly tập trung, xét nghiệm kiểm tra lần 1 có kết quả âm tính, đồng thời cách ly tập trung 40 người có tiếp xúc với 2 trường hợp này, đã xét nghiệm kiểm tra âm tính với SARS-CoV-2.

Bệnh cạnh đó, TP cũng đảm bảo an toàn các cơ sở cách ly tập trung, xây dựng các tiêu chí cụ thể về an toàn phòng chống dịch Covid-19 và công cụ đánh giá mức độ an toàn đối với các cơ sở cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. TP đã tăng cường xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 và giám sát đối với các nhóm nguy cơ trong bệnh viện, nhân viên sân bay, chuyên gia nhập cảnh, tiểu thương ở chợ, nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn, bến xe, nhà ga, khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ giải trí… và cả những người đến từ vùng dịch, người có liên quan đến các ca bệnh, ca nghi nhiễm.

Liên quan đến công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đợt 1, TP.HCM đã tiếp nhận 9.050 liều vắc xin và tổ chức tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch gồm nhân viên y tế, nhân viên khu cách ly tập trung, hỗ trợ tiêm vắc xin cho cán bộ công an tham gia phòng chống dịch.

Đợt 2, TP tiếp nhận thêm 57.750 liều vắc xin cấp về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP và 1.500 liều cấp cho BV Chợ Rẫy. TP tiếp tục tiêm vắc xin cho toàn bộ nhân viên y tế, người làm việc ở các bộ phận trọng yếu hoặc thường xuyên tiếp xúc với nhiều người của các cơ sở y tế; tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm đợt 1; tiêm cho nhân viên ở cảng hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. Chiến dịch tiêm vắc xin đợt 2 từ 19-4 đến 30-4 và tổ chức tiêm vét đến 5-5, đảm bảo đúng tiến độ của Bộ Y tế.

N.Trinh

Tin cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú của các gian tư vấn tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2024 dành cho thí sinh.
Nằm trong chuỗi Chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2024 do tạp chí Giáo dục TP.HCM kết hợp với Sở GD – ĐT và Đài Phát thanh - truyền hình..
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh sự ra đời Câu lạc bộ (CLB) là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.
Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng DN kinh doanh dịch vụ tư vấn du học (TVDH) lớn nhất cả nước. Để các DN hoạt động lành mạnh và phát triển bền vững, ngành giáo dục Thủ đô đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp; đồng thời lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Phát triển dựa vào khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số, phát triển ngành bán dẫn là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Sáng 15/12, trường đại học Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến lần thứ 8, trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tầm nhìn 2045.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề