Việt Nam có lợi thế về tốc độ tiếp cận công nghệ và sự năng động của thị trường, hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm tài chính dựa trên Blockchain trong khu vực.
Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và giáo dục Việt Nam. Ảnh: HUB
Đó là nhận định của ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Ứng dụng Fintech (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) tại chương trình ABAII Unitour với chủ đề “Khám phá sức mạnh Blockchain & AI trong Fintech: Làn sóng công nghệ tương lai”.
Chương trình do trường Đại học Ngân hàng TP.HCM phối hợp với Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức vào sáng 26/12.
Theo báo cáo năm 2024 của Chainalysis, Việt Nam đang xếp thứ 5 toàn cầu về chỉ số chấp nhận tài sản tiền mã hóa. Đồng thời, với hơn 17 triệu người sở hữu tài sản tiền mã hóa và dòng vốn từ thị trường Blockchain đạt hơn 105 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2024, Việt Nam đang định vị là một trong những quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng Blockchain.
Bên cạnh đó, ông Dinh chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Lugano (Thụy Sĩ), thành phố đầu tiên trên thế giới công nhận Bitcoin, USDT và LVGA là phương tiện thanh toán chính thức. Lugano là minh chứng điển hình cho tiềm năng ứng dụng Blockchain trong việc tái định hình tài chính truyền thống, tăng cường minh bạch và đảm bảo an toàn giao dịch.
Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế về tốc độ tiếp cận công nghệ và sự năng động của thị trường, hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm tài chính dựa trên Blockchain trong khu vực. “Sự tích hợp công nghệ này không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí giao dịch mà còn tạo động lực thu hút nguồn vốn quốc tế, mở ra cơ hội phát triển vượt bậc cho nền kinh tế số của Việt Nam”, ông Dinh chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, chia sẻ quan điểm về mối quan hệ giữa tài chính phi tập trung (DeFi) và tài chính truyền thống. Ông cho rằng Blockchain là nền tảng cốt lõi, tài chính phi tập trung có tiềm năng định hình lại ngành tài chính trong tương lai. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tài chính phi tập trung sẽ không thể thay thế tài chính truyền thống mà sẽ song hành cùng nhau.
“Dù tài chính phi tập trung có thể chiếm ưu thế và lấn át tài chính truyền thống trong tương lai, nhưng không thể phủ nhận sự cần thiết của hệ thống tài chính truyền thống trong nhiều lĩnh vực. Tại trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, mặc dù chú trọng đến đào tạo các công nghệ mới, trường vẫn duy trì chương trình đào tạo về tài chính truyền thống, giúp sinh viên nắm vững nền tảng vững chắc trong lĩnh vực này”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung khẳng định.
Đối với tiềm năng ứng dụng Blockchain trong thanh toán xuyên biên giới, bà Lê Vũ Hương Quỳnh, Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Tether có nhiều chia sẻ. Theo bà, công nghệ này giúp giảm chi phí giao dịch, với mức phí chỉ từ $0.1 đến $1, thấp hơn nhiều so với các dịch vụ truyền thống như Western Union.
Bên cạnh đó, các giao dịch được xử lý nhanh chóng trong vài phút và hoạt động 24/7 mang lại sự thuận tiện và hiệu quả cho các doanh nghiệp và người lao động di cư. Bà Quỳnh cũng chỉ ra rằng Blockchain giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá và tăng tính minh bạch trong thanh toán quốc tế, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý việc triển khai Blockchain trong thanh toán xuyên biên giới còn đối mặt với các thách thức về quy định pháp lý, nhận thức và an ninh mạng, đòi hỏi sự cải thiện trong hạ tầng và giáo dục.
Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đang là một trong những trường đi đầu trong quá trình chuyển đổi số, với đội ngũ 36 giáo sư, tiến sĩ về AI cùng nhiều chuyên gia Blockchain. Điều này giúp sinh viên có nền tảng vững chắc để làm chủ các công nghệ mới. PGS.TS Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức và kỹ năng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.
Việt Sử/ Nguồn: HUB