Ưu tiên xét tuyển cũng có… điểm chuẩn

Ưu tiên xét tuyển đang ngày càng trở thành một phương thức được nhiều trường ĐH lớn sử dụng trong tuyển sinh đầu vào. Dù được ưu tiên nhưng học sinh xét tuyển bằng phương thức này cũng cần đạt các mức điểm chuẩn khác nhau theo quy định từng trường ĐH.

Học sinh những trường THPT nào được ưu tiên ?

Dù có nhiều cách thức xét khác nhau, nhưng một tiêu chí được nhiều trường lấy làm căn cứ là học sinh (HS) của các trường THPT chuyên, năng khiếu và trường đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp các năm gần đây.

Một trong các phương thức tuyển sinh chính của ĐH Quốc gia TP.HCM nhiều năm nay là ưu tiên xét tuyển áp dụng cho tối đa 25% chỉ tiêu các ngành. Trong đó, diện ưu tiên xét tuyển thẳng áp dụng với HS giỏi nhất trường THPT được ban giám hiệu giới thiệu. HS này cần tốt nghiệp THPT 2023; là một trong nhóm 3 HS có điểm trung bình cộng học lực 3 năm học lớp 10, 11 và 12 cao nhất trường THPT và được ban giám hiệu giới thiệu; hạnh kiểm tốt 3 năm lớp 10, 11, 12. Diện ưu tiên xét tuyển áp dụng cho HS 149 trường THPT chuyên, năng khiếu và trường THPT thuộc nhóm trường có điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cao theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, các đơn vị thành viên dành tỷ lệ chỉ tiêu khác nhau để ưu tiên xét tuyển các HS này. Chẳng hạn, Trường ĐH Quốc tế dành 5 - 15% chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển và 1% chỉ tiêu xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng.

Học sinh 149 trường THPT chuyên, năng khiếu và trường đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT được ưu tiên xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM và một số trường khác nếu đáp ứng các điều kiện nhất định. Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên dành 5% chỉ tiêu xét tuyển thẳng và 20% ưu tiên xét tuyển. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cũng dành tối đa 25% chỉ tiêu 2 phương thức này. Ngoài ra, trường này còn dành 1 - 5% chỉ tiêu xét ưu tiên với thí sinh có thành tích trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao…

Một số trường ĐH khác cũng xây dựng phương án ưu tiên xét tuyển cho HS của 149 trường THPT được ĐH Quốc gia TP.HCM công bố.

Năm nay, Trường ĐH Luật TP.HCM dành tối đa 40% chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm, trong đó có một nhóm đối tượng xét HS học tại các trường THPT theo danh sách các trường THPT thuộc diện được ưu tiên xét tuyển năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng ưu tiên xét tuyển thẳng nhiều nhóm HS khác nhau, trong đó có HS trường chuyên, lớp chuyên theo quy định.

Trong khi đó, một phương thức xét tuyển sớm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là ưu tiên xét tuyển HS tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong 4 nhóm diện ưu tiên xét tuyển có HS giỏi trường chuyên, trường tốp 200 có ít nhất 3 học kỳ đạt HS giỏi và HS do ban giám hiệu trường liên kết giới thiệu.

Tiêu chí tính điểm chuẩn

Tuy nhiên, không phải tất cả HS thuộc 149 trường THPT có tên trong danh sách quy định đều được ưu tiên trúng tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngoài điều kiện tốt nghiệp năm 2023 và hạnh kiểm tốt, HS còn cần đạt kết quả xếp loại HS giỏi 3 năm học lớp 10, 11 và 12. Nếu xếp loại học tập từ loại khá thì HS phải có thêm một trong các điều kiện liên quan các kỳ thi HS giỏi khác.

Khi nộp hồ sơ, HS cần kèm theo bài luận được viết trên giấy A4, trình bày lý do muốn học tại trường, mối quan tâm đến ngành học, mục tiêu học tập, nghề nghiệp, đóng góp cho xã hội của bản thân. Trên cơ sở các điều kiện trên, hội đồng tuyển sinh các trường sẽ xét tuyển theo nguyên tắc điểm trung bình 3 năm THPT các môn tương ứng tổ hợp xét tuyển. Những thí sinh đoạt các giải thưởng sẽ được cộng điểm ưu tiên vào tổng điểm xét tuyển. Khi các thí sinh có điểm bằng nhau sẽ được phân loại dựa trên chất lượng của bài luận.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), một trong 149 trường THPT mà ĐH Quốc gia TP.HCM và nhiều trường khác áp dụng chế độ ưu tiên xét tuyển. Ảnh: LÊ TRÚC PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Năm 2025, nhà trường dự kiến tăng 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024 và tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở một số ngành như Y học cổ truyền, Điều dưỡng và Dược học
Từ năm 2025, một số môn học mới xuất hiện trong kì thi tốt nghiệp THPT. Trường đại học (ĐH) điều chỉnh số lượng tổ hợp tuyển sinh sẽ tác động tới việc thí sinh lựa chọn 2 môn thi tốt nghiệp THPT tự chọn trong tổng số 4 môn thi. Từ năm 2025, số tổ hợp giảm, song những tổ hợp chính vẫn tồn tại, nên không ảnh hưởng quá lớn tới thí sinh và các trường ĐH xét tuyển.
Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) đã tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng 2024 và phương hướng từ năm 2025” vào ngày 6/10/2024, tại Trường ĐH An Giang.
Hiện nay, mỗi ngành có tối đa 4 tổ hợp môn xét tuyển và mỗi tổ hợp gồm 3 môn. Nhưng từ năm 2025, để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới và định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH đang xây dựng tổ hợp xét tuyển theo hướng mới.
Kết thúc xét tuyển đợt 1 (ngày 27/8), nhiều trường đại học (ĐH) thông báo xét tuyển bổ sung. Nhóm ngành sư phạm dù điểm chuẩn ở mức tốp đầu nhưng vẫn phải xét tuyển bổ sung và điểm chuẩn xét tuyển bổ sung vẫn ở mức rất cao.
Hiện vẫn còn trường đại học xét tuyển bổ sung. Đây gần như là cơ hội cuối cùng dành cho thí sinh trong mùa tuyển sinh 2024.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.