Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng bộ môn kiến trúc Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết bộ môn kiến trúc đang tính toán để đề xuất với trường về một trong những phương thức tuyển chọn đầu vào ngành kiến trúc là thí sinh (TS) có thể nộp một bộ sản phẩm bao gồm tranh, hình ảnh, đồ họa... thể hiện được năng khiếu vẽ, bố cục, tư duy thẩm mỹ, tư duy logic... Nếu được như vậy, TS học tốt môn mỹ thuật ở bậc phổ thông và có năng khiếu vẽ hoàn toàn có thể sử dụng cách này để xét tuyển vào ngành kiến trúc của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Thí sinh dự thi năng khiếu vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 2024. ẢNH: MỸ QUYÊN
Được biết, nhiều năm qua, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM không tổ chức thi năng khiếu để xét tuyển ngành kiến trúc mà sử dụng 2 tổ hợp A1 (toán, lý, tiếng Anh) và C1 (toán, lý, ngữ văn) dành cho cả điểm học bạ lẫn điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo tiến sĩ Vinh, rất nhiều trường ĐH ở nước ngoài cũng không thi tuyển môn năng khiếu vẽ cho ngành kiến trúc.
"Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã tham khảo nhiều chương trình quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo. Theo đó, sinh viên đậu ngành kiến trúc của trường sẽ được đào tạo kiến thức và kỹ năng vẽ trong 2 năm đầu với tổ hợp 3 môn gồm hình họa, ký họa cơ bản và ký họa nâng cao. Sau đó, các em phải trải qua kỳ thi để đảm bảo đủ kiến thức, kỹ năng học thiết kế chuyên ngành. Việc đánh giá đầu vào không dùng điểm năng khiếu sẽ giúp các em có đam mê, có khả năng nhưng chưa có thời gian ôn thi năng khiếu để thi, sẽ có cơ hội trúng tuyển", tiến sĩ Vinh nhận định.
Tiến sĩ Vinh cho rằng sử dụng điểm môn mỹ thuật ở bậc THPT để xét ngành kiến trúc cũng là một phương án mà bộ môn kiến trúc sẽ đề xuất lên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM để có thể thực hiện năm 2025. "Tuy nhiên, đây mới chỉ là mong muốn của bộ môn, còn phải chờ sự xem xét và quyết định của trường", tiến sĩ Vinh chia sẻ.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho hay năm 2025, trường dự kiến sẽ thay đổi tổ hợp các ngành có môn năng khiếu vẽ gồm kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế mỹ thuật số, công nghệ điện ảnh - truyền hình.
"Như các năm trước, trường sẽ vẫn xét điểm năng khiếu kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng nếu TS nào không có điểm năng khiếu thì có thể sử dụng phương thức học bạ trong đó có môn mỹ thuật. Điều này cũng tương tự với ngành thanh nhạc của trường. Bên cạnh đó, trường vẫn tổ chức thi môn năng khiếu âm nhạc", tiến sĩ Tuấn thông tin.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng chia sẻ các ngành kiến trúc, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang của trường dự kiến sẽ đưa môn mỹ thuật vào tổ hợp môn xét tuyển ở phương thức học bạ. "Bên cạnh đó, trường vẫn xét tuyển kết hợp môn năng khiếu với điểm thi tốt nghiệp THPT các môn với nhiều tổ hợp khác nhau như năm 2024", tiến sĩ Hải cho hay.
Trường đặc thù vẫn bắt buộc thi năng khiếu
PGS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng với đặc thù đào tạo của trường, 6 ngành học gồm hội họa; đồ họa; điêu khắc; lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật; thiết kế đồ họa và sư phạm mỹ thuật, bắt buộc phải xét điểm môn năng khiếu để có thể tuyển chọn được TS phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của những ngành đòi hỏi phải có năng khiếu hội họa thực sự.
Trước khi thí sinh bước vào bài thi năng khiếu tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. ẢNH: MỸ QUYÊN
"Tổ hợp môn xét tuyển gồm điểm thi tốt nghiệp THPT môn văn và điểm thi 2 môn năng khiếu. Trong trường hợp TS có điểm năng khiếu cao nhưng môn văn lại thấp hơn 5, trường sẽ cho phép TS sử dụng điểm học bạ môn văn của 3 năm THPT để xét. Điều này nhằm tạo cơ hội cho những em giỏi năng khiếu thực sự có thể trúng tuyển vào trường", PGS-TS Minh cho biết.
Tương tự, là một trường có truyền thống đào tạo lĩnh vực kiến trúc và thiết kế, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM nhiều năm qua vẫn tổ chức kỳ thi năng khiếu để tuyển chọn TS vào các ngành kiến trúc, quy hoạch vùng và đô thị, kiến trúc cảnh quan, thiết kế nội thất, mỹ thuật đô thị, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp, thiết kế thời trang và thiết kế đô thị.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, thông tin: "Năm 2025, trường chưa có định hướng sẽ sử dụng môn mỹ thuật thay thế hoặc thêm vào tổ hợp môn xét tuyển các ngành cần yếu tố năng khiếu vẽ ở trên. Lý do vì môn mỹ thuật tại Chương trình giáo dục 2018 cấp THPT là một môn tự chọn, chất lượng dạy và học môn này có thể chưa được đảm bảo do giáo viên ở các nơi có thể chưa đồng bộ. Vì thế tại trường, kỳ thi năng khiếu vẫn là cách quan trọng để đánh giá năng lực người học một cách công bằng khi xét tuyển các ngành năng khiếu".
Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên