Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng kí xét tuyển. Đáng chú ý, nhóm ngành đào tạo giáo viên có số lượng thí sinh đăng kí rất đông, tăng 85% so với năm 2023. Tính về số lượng tuyệt đối, lĩnh vực này cũng tăng mạnh nhất với 200.000 nguyện vọng so với năm 2023. Trong đó, tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, số lượng thí sinh đăng kí nguyện vọng xét tuyển vào trường năm 2024 là trên 31 nghìn thí sinh. Mức này tăng gấp đôi so với năm 2023. Về số lượng nguyện vọng đăng kí xét tuyển vào trường lên tới gần 52 nghìn, tăng 120% so với năm ngoái (trên 23 nghìn nguyện vọng).
Lí giải về hiện tượng này, các chuyên gia đưa ra 3 nguyên nhân cơ bản. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên học sư phạm. Chính sách này ban đầu triển khai còn lúng túng nhưng hiện nay, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 116 với những điều kiện khả quan, thuận tiện cho người học nên thu hút được thí sinh, đặc biệt là trong bối cảnh học phí các trường ĐH ngày càng tăng do tự chủ. Cơ hội việc làm đối với nhóm ngành sư phạm rộng mở từ những thông tin thiếu giáo viên được Bộ GD&ĐT thống kê cũng là động lực để thí sinh lựa chọn học sư phạm. Nguyên nhân nữa là tăng lương cơ sở từ ngày 1/7 đối với người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có giáo viên.
Tính đến hết năm học 2023 - 2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là trên 1,2 triệu người (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022 - 2023) và 99.412 cán bộ quản lí (giảm 723 người so với năm học 2022 - 2023).
Số lượng thí sinh đăng kí lớn nhưng chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành sư phạm đang có xu hướng giảm hoặc chững lại khiến các dự báo về điểm chuẩn tăng trong mùa tuyển sinh năm nay. Ghi nhận từ mấy năm qua cho thấy, từ khi Nghị định 116 về hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên ngành sư phạm có hiệu lực (2020), điểm chuẩn vào các ngành sư phạm tăng lên rõ rệt. Từ mức điểm chuẩn chỉ thuộc top 2, top 3 trong các nhóm ngành đào tạo, nhóm ngành sư phạm đã vươn lên top đầu như ngành Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 năm: 2023 là 28,4/30 điểm ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa); năm 2022 là 38,6/40.
Thừa vẫn thừa – thiếu vẫn thiếu
Kết thúc năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT cho biết cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỉ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD&ĐT.
Nguyên nhân chủ yếu, theo Bộ GD&ĐT là sức hút vào ngành còn hạn chế; tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu. Việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.
Số lớp học tăng do lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên cao; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật...
Thực tế đang tồn tại mâu thuẫn giữa việc thiếu giáo viên nhưng giáo sinh ra trường vẫn “ế”. Cô N.T.T.H ở Hà Nội chia sẻ 2 lần tham gia kì thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục Thủ đô nhưng vẫn chưa được vào biên chế. Sau 5 năm ra trường, cô H chưa thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo có trong biên chế của ngành Giáo dục. Hiện, cô dạy hợp đồng cho một trường nghề ở Đông Anh (Hà Nội) và nhận làm gia sư cho học sinh. Cô H cho biết thêm, khi cô thi viên chức, chỉ tiêu chỉ có 1, 2 giáo viên dạy Toán nhưng số người dự thi tới vài chục nên tỉ lệ chọi khá cao, cô không may mắn trúng tuyển. Bạn bè học cùng lớp ĐH với cô có nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội giáo dục Nghề nghiệp TPHCM , Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực cho rằng, ở lĩnh vực liên quan đến giáo dục đào tạo do đặc thù của ngành, nếu chỉ nhìn con số nhu cầu nhân lực thì thấy không tăng lớn (khoảng 3% trong tổng nhu cầu nhân lực hàng năm) nhưng nếu nhìn xa hơn trong khoảng từ 5 - 7 năm nữa thì lại đặt ra nhiều vấn đề. “Đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó, đòi hỏi người thầy phải gắn liền với công nghệ, phải có kiến thức về công nghệ, am hiểu công nghệ, có kỹ năng, ngoại ngữ và đặc biệt là phải có đạo đức”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Viết Tiến ở Thái Bình cho biết, tốt nghiệp sư phạm bằng giỏi ra trường cách đây 13 năm. Ông Tiến xin dạy hợp đồng cho một trường tại địa phương. Công việc của giáo viên hợp đồng nhiều (dạy thay, hoạt động phong trào...) nhưng năm nào cũng bị hiệu trưởng “dọa” cho nghỉ việc vì không có kinh phí trả lương giáo viên hợp đồng (lương giáo viên hợp đồng do các trường cân đối nguồn ngân sách được cấp để tự chi trả). “Sau 4 năm yêu nghề tôi cũng phải ngậm ngùi nghỉ vì không đủ tiền nuôi con. Nói thật, năm nào chúng tôi cũng mong ngóng thi tuyển mà không có chỉ tiêu”, ông Tiến nói.
Ở góc độ quản lí ngành, Bộ GD&ĐT cho biết đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng quy định thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lí, gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non).
Theo Nghiêm Huê/ Tiền Phong