Tuyển sinh ĐH 2022: Có trường chỉ tuyển được 1/4 chỉ tiêu

Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã kết thúc giai đoạn nhận hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều ngành học dù xét nhiều đợt vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Khối ngành y cũng nhiều lần tuyển bổ sung

Xét tuyển bổ sung là việc bình thường mỗi năm tuyển sinh. Tuy nhiên, việc nhiều ĐH công lập phải xét tuyển bổ sung các ngành khoa học sức khỏe là một trong những điểm đáng chú ý của mùa tuyển sinh năm nay.

Ngay sau khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã công bố xét tuyển bổ sung 2 ngành. Trong đó, ngành y học cổ truyền xét tuyển từ 16 - 20 chỉ tiêu, ngành điều dưỡng tuyển bổ sung tới 160 - 170 chỉ tiêu. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Phó trưởng Khoa Y, cho biết kết thúc đợt bổ sung ngành y học cổ truyền tuyển còn thiếu 5 chỉ tiêu. Riêng ngành điều dưỡng, khoa mới chỉ tuyển được khoảng 20% so với chỉ tiêu nhưng không xét tiếp do thời điểm này không còn thí sinh (TS).

Nhiều trường ĐH công lập khác cũng thông báo bổ sung nhiều ngành đào tạo khối ngành này. Chẳng hạn, Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định thông báo xét tuyển bổ sung số lượng lớn chỉ tiêu ngành điều dưỡng và hộ sinh (420 chỉ tiêu 2 ngành). Trường ĐH Tây Nguyên thông báo tuyển bổ sung đợt 3 hơn 500 chỉ tiêu bằng cả phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Đáng chú ý, trong số hơn 43 ngành phải xét bổ sung của trường này có cả ngành thuộc khối khoa học sức khỏe như: điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học.

Thí sinh trúng tuyển nộp hồ sơ làm thủ tục nhập học năm học 2022 - 2023. ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều ngành không thí sinh nào trúng tuyển

Với các nhóm ngành khác, tình trạng khó tuyển còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Ngay tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), tính cả các ngành chương trình do trường ĐH nước ngoài cấp bằng thì trường thông báo xét tuyển bổ sung khoảng 1.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, kết thúc đợt bổ sung trường chỉ tuyển thêm được 40 TS.

Sau đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên, Trường ĐH Tây Nguyên có 4 ngành không có TS nào trúng tuyển, gồm: sinh học, công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ sau thu hoạch, quản lý tài nguyên rừng. Nhiều ngành khác có số TS trúng tuyển đợt 1 rất ít như lâm sinh, kinh tế nông nghiệp, khoa học cây trồng, chăn nuôi… Nhiều trường ĐH địa phương khác cũng có những ngành rất ít TS trúng tuyển như: Quảng Nam, Quảng Bình, Phú Yên, Kiên Giang, Khánh Hòa… Trường ĐH Quy Nhơn có ngành khoa học vật liệu chỉ 2 TS trúng tuyển.

Tình trạng này càng thấy rõ ở nhóm các trường ĐH ngoài công lập. Chẳng hạn, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM hiện đã xét tuyển bổ sung 2 đợt nhưng số TS nhập học chính thức mới chỉ đạt khoảng 1/4 so với tổng chỉ tiêu cần tuyển (tổng chỉ tiêu hơn 2.000). Trường này vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đợt 3 nhưng TS nộp hồ sơ chỉ lác đác.

Dù không tuyển đủ chỉ tiêu nhưng đại diện nhiều trường cho biết vẫn mở lớp dù TS trúng tuyển chỉ dưới 10 người. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Phó trưởng phòng phụ trách đào tạo và công tác sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cho biết ngành có TS trúng tuyển thấp nhất năm nay là quản lý bệnh viện với 9 sinh viên. Tuy nhiên, tất cả các ngành của trường đều mở lớp đào tạo. “Với quy chế đào tạo tín chỉ hiện nay, sinh viên các ngành có thể cùng học các môn chung nên không quá khó khăn trong quá trình tổ chức đào tạo”, thạc sĩ Bình cho hay.

Tuyển sinh ĐH 2022: Có trường chỉ tuyển được 1/4 chỉ tiêu

Sinh viên ngành y tham gia chống dịch Covid-19. T.Y

Vì sao khối ngành sức khỏe “chật vật” ?

Từ thực tế của Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng có 2 nguyên nhân chính tác động tới hiện tượng trên. Thứ nhất, điều dưỡng và y học cổ truyền là 2 ngành mới bắt đầu được tuyển sinh tại Khoa Y trong năm 2022. Do quyết định mở ngành khá muộn nên phần nào hạn chế thông tin tới người học. Thứ hai có thể do người học phần nào bị tác động tâm lý từ ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đến việc lựa chọn ngành nghề. Do đó, dù nhu cầu tuyển dụng ngành điều dưỡng nhiều, chỉ tiêu các trường cũng lớn nhưng người học không lựa chọn nhiều.

“Thực tế người học ngành điều dưỡng có cơ hội việc làm rất lớn không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu lao động. Với quy định 1 bác sĩ có 3 điều dưỡng, tỷ lệ điều dưỡng trong nước hiện chưa đủ đáp ứng. Trong khi so với các ngành đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe, điều dưỡng thuộc nhóm ngành cử nhân nên có thời gian học ngắn hơn trong vòng 4 năm”, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng nhận định thêm.

Còn PGS-TS Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, cho rằng việc xét tuyển bổ sung các ngành khối ngành sức khỏe không phải hiện tượng đặc biệt năm nay. Chẳng hạn, trong số 3 ngành thuộc khối khoa học sức khỏe của Trường ĐH Tây Nguyên, y khoa luôn tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1. Hai ngành còn lại gồm điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học, việc trồi sụt số lượng tuyển diễn ra tùy năm.

“Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy việc xét bổ sung các ngành này một phần do đặc thù hạn chế về khu vực tuyển sinh của trường, trường chủ yếu thu hút TS khu vực Tây nguyên và đặc biệt tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, với đặc thù kỹ thuật xét tuyển năm nay TS biết điểm trước khi lựa chọn ngành học cũng có những tác động đến nguyện vọng của học sinh”, ông Nam phân tích thêm.

Với ngành nghề khác, PGS-TS Nguyễn Văn Nam cho biết TS có xu hướng quan tâm nhiều đến các ngành thuộc khối kinh tế và đào tạo giáo viên. Những ngành liên quan “nông nghiệp” thường không được TS lựa chọn nhiều dù nhu cầu tuyển dụng lớn, sinh viên ra trường có việc làm ngay.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Nhiều ý kiến xung quanh việc tuyển sinh đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ; thậm chí có phụ huynh lo ngại sẽ bỏ xét tuyển đại học bằng IELTS như tuyển sinh lớp 10. Theo các chuyên gia, xu hướng chung thì sẽ không trường đại học nào bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Trong năm 2024, có hơn 100 trường đại học công bố tuyển sinh bằng học bạ. Trong đó, nhiều trường đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe tiếp tục tuyển sinh bằng học bạ, áp dụng ở một số ngành.
Qua nhiều mùa tuyển sinh đại học (ĐH), các chuyên gia cho biết do đăng kí trực tuyến nên thí sinh rất dễ mất cơ hội vì những sai sót nhỏ khi đăng kí xét tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Ngày 22.3, Bộ GD-ĐT công bố một loạt văn bản quan trọng về thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong đó có hướng dẫn tổ chức kỳ thi, lịch thi; đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Ban Tuyển sinh Quân sự, Bộ Quốc phòng vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự năm 2024.
Bộ GD-ĐT vừa công bố 15 đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 làm tài liệu cho giáo viên và học sinh tổ chức ôn tập.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề