Tuyển sinh đại học năm 2025: Nhiều trường thay đổi đề án tuyển sinh

Để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường đại học (ĐH) đang xây dựng đề án tuyển sinh để công bố sớm cho thí sinh. Điều đặc biệt là phương thức xét tuyển học bạ ở nhiều trường ĐH lớn không được sử dụng hoặc giảm chỉ tiêu so với năm 2024... Hiện các trường đang chờ quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025 của Bộ GD-ĐT để điều chỉnh và chính thức công bố đề án tuyển sinh mới.

Nhiều điều chỉnh

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia - ĐHQG TPHCM), cấu trúc và nội dung đề thi đánh giá năng lực (ĐGNL) từ năm 2025 có nhiều điều chỉnh và có nét tương đồng với các đề thi chuẩn hóa quốc tế như kỳ thi Scholastic Assessment Test (SAT) của Hoa Kỳ, Psychometric Entrance Test (PET) của Israel, General Aptitude Test (GAT) của Thái Lan…

Tuyển sinh đại học năm 2025: Nhiều trường thay đổi đề án tuyển sinh

Hướng dẫn tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Công thương TPHCM. Ảnh: Thanh Hùng

Việc thay đổi này nhằm mục đích đánh giá đúng năng lực tổng quát của học sinh, giúp các trường ĐH, cao đẳng tuyển được thí sinh phù hợp; đồng thời đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH cho tất cả thí sinh, ngay cả khi các em chọn những môn học khác nhau ở bậc THPT. Cách tiếp cận với đề thi này còn phù hợp với định hướng tuyển sinh theo phương thức kết hợp của các đơn vị thành viên ĐHQG TPHCM.

Trước đó, ĐHQG TPHCM cũng thông tin bỏ ưu tiên xét tuyển và các phương thức xét tuyển riêng của trường thành viên, đồng thời thống nhất còn 3 phương thức xét tuyển trong năm 2025, gồm: xét tuyển thẳng (theo quy chế của Bộ GD-ĐT); xét điểm thi ĐGNL do ĐH này tổ chức; xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Các trường thành viên được khuyến khích xét tuyển kết hợp. Cùng với đó, việc công bố kết quả xét tuyển ĐH thực hiện sau khi có điểm thi tốt nghiệp, sử dụng chung một mức điểm sàn cho các trường thành viên.

Theo đề án tuyển sinh năm 2025 mà Trường ĐH Sư phạm TPHCM vừa công bố, có nhiều thay đổi quan trọng. Th.S Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết, những thay đổi trong tuyển sinh năm học tới của nhà trường nhằm đáp ứng đối với học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những điều chỉnh trong đề án tuyển sinh của trường gồm: không sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) để xét tuyển, chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; trường định hướng phương thức sử dụng kỳ thi ĐGNL chuyên biệt trở thành phương thức chủ đạo (chiếm 40%-50% chỉ tiêu)...

Bỏ hoặc giảm chỉ tiêu xét điểm học bạ

Tính đến nay, 8 trường thành viên của ĐHQG TPHCM gồm Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH An Giang cho biết, năm 2025 chỉ có 3 phương thức tuyển sinh là xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi ĐGNL do ĐHQG TPHCM tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Tuyển sinh đại học năm 2025: Nhiều trường thay đổi đề án tuyển sinh

Cán bộ tuyển sinh Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hướng dẫn thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung năm 2024

Theo TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TPHCM, trường dự kiến có nhiều điều chỉnh trong đề án tuyển sinh năm 2025. Trường dự kiến dành 50%-60% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đáng chú ý, trường giảm chỉ tiêu xét kết quả học tập THPT theo 5 học kỳ xuống còn 15%-20% và tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, điểm kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

6 trường ĐH lớn ở TPHCM gồm: Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Mở TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Văn Lang sẽ phối hợp 4 đơn vị khác gồm Trường ĐH Thái Nguyên, Học viện Ngân hàng, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Trà Vinh sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT) để xét tuyển. Kỳ thi này có 8 môn thi độc lập, gồm: Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn. Ngoài ra, các trường cũng sẽ dùng thêm các phương thức tuyển sinh khác.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho hay, với việc có thêm các môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và khi học sinh có thể tùy chọn 2 môn bất kỳ trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT thì việc xây dựng tổ hợp môn trong xét tuyển phải vừa đảm bảo kiến thức nền của học sinh khi vào học ĐH ở từng ngành cụ thể, vừa tương thích và phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của học sinh. Trường cũng đang tiến hành xây dựng và có một số điều chỉnh trong đề án tuyển sinh năm 2025, sớm công bố để thí sinh nắm rõ.

Trong khi đó, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2025 điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành như: Y học cổ truyền tăng 20% so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024; Điều dưỡng tăng 10%; Dược học tăng 30%. Về phương thức tuyển sinh, nhà trường thực hiện 6 phương thức xét tuyển trong năm 2025 (năm 2014 chỉ có 3 phương thức là xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển).

Năm 2025, Trường ĐH Nha Trang bỏ phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thay bằng phương thức xét kết hợp học bạ và điểm thi ĐGNL. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân điều chỉnh chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT xuống còn 15%, giảm 3% so với năm 2024. Với phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, trường dành 83% chỉ tiêu.

Yêu cầu quy định thời gian công bố phương án thi vào lớp 10 sớm

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Thành Long xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT.

Thời gian qua, báo chí đã phản ánh dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT đề xuất quy định thi lớp 10 thực hiện 3 môn thi gồm Toán, Ngữ văn và một môn thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD-ĐT, cơ cở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31-3 hàng năm. Nhiều phụ huynh băn khoăn về môn thi thứ 3 “bí mật” được công bố sát kỳ thi là rất gấp gáp. Phụ huynh cho rằng, Bộ GD-ĐT nên điều chỉnh thời gian công bố môn thi sớm hơn để học sinh ôn tập.

Trước thông tin phản ánh nêu trên, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát kỹ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân để hoàn thiện, ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT theo thẩm quyền, trong đó xem xét quy định thời gian công bố đối với phương án thi sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường và các em học sinh, nhất là trong việc chủ động có kế hoạch dạy và học, ôn tập phù hợp, hiệu quả.

Lâm Nguyên

Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa bài thi V-SAT để tuyển sinh đại học năm 2025

Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) vừa công bố đề minh họa 8 bài thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) năm 2025.

V-SAT là kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính, do các trường đại học tham gia chủ trì tổ chức, Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục phối hợp, hỗ trợ, cung cấp ngân hàng câu hỏi. Bài thi V-SAT năm 2025 có những điểm mới như: thêm dạng thức câu hỏi, dạng thức câu hỏi viết luận; cập nhật ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa; điều chỉnh cách tính điểm, nâng cao độ phân hóa năng lực.

Để tăng độ tin cậy của bài thi, sẽ có những ràng buộc về cách tính điểm, các loại câu hỏi theo từng môn nhằm đánh giá độ phân hóa. Trừ môn Ngữ văn, các môn thi được chấm bằng máy tính. Nếu trước đây, bài thi này chỉ có 3 dạng câu hỏi thì nay có thêm dạng câu hỏi nhóm, nghĩa là từ một vấn đề xây dựng nhóm các câu hỏi kèm theo.

Theo đó, bài thi V-SAT năm 2025 sẽ có 4 dạng thức câu hỏi trong đề thi: câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai; câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn; câu hỏi trắc nghiệm ghép hợp; câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn hoặc viết luận. Nhiều câu hỏi được biên soạn theo hướng vận dụng phương pháp của chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA).

Mỗi môn thi gồm 25 câu hỏi với khoảng 85 tiểu mục, tổng điểm toàn bài là 150. Các năm trước, thí sinh đúng ý nào được điểm ý đó, nhưng năm nay, để đạt điểm tối đa, thí sinh phải trả lời đầy đủ và đúng 85 tiểu mục câu hỏi thi. Đây được xem là điểm khác biệt và ưu điểm của định dạng bài thi V-SAT, khi mà số lượng các tiểu mục câu hỏi rất lớn. Điều này sẽ làm hạn chế tối đa việc thí sinh “đánh bừa”, góp phần làm tăng độ tin cậy của các kỳ thi.

Kỳ thi được tổ chức lần đầu vào năm 2023 với 4 trường tham gia. Đến thời điểm này, đã có 18 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT để tuyển sinh trong năm 2025.

Thanh Hùng

Theo Thanh Hùng/Sài Gòn Giải Phóng

Tin cùng chuyên mục

Theo các nhà giáo, hiện nay học sinh đang “chạy” theo nhiều kỳ thi riêng, ôn thi các loại chứng chỉ rất vất vả, áp lực, tốn kém... Mặt khác, điều này cũng khiến học sinh vùng khó khăn thiệt thòi vì giảm cơ hội tuyển sinh vào các trường mong muốn.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc thiết kế phương án thi, trong đó các môn thi lựa chọn đều thi trong thời gian 50 phút sẽ khó đánh giá được đúng năng lực của người học.
Với những dự kiến thay đổi lớn về phương thức xét tuyển, quy đổi điểm về một thang điểm chung trong đợt xét tuyển chung với điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn khối ngành sức khỏe và sư phạm..., nhiều trường đã lên kịch bản điều chỉnh các phương án xét tuyển để không bị động nếu như những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm 2025 được áp dụng trong năm nay.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ xét tuyển sớm để tạo công bằng cho thí sinh nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ cân nhắc việc này
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực (HSA) từ tháng 3-6/2025 và phục vụ 85.000 lượt thi; thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt thi mỗi năm.
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt xét tuyển cho các ngành đào tạo. Trường sử dụng điểm thi môn nào để xét tuyển vào từng ngành cụ thể?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.