Bất cập
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học (ĐH), tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non ( gọi tắt là dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH). Điểm mới đáng chú ý là những quy định được đưa ra nhằm quản lí chặt chẽ việc xét tuyển sớm của các trường.
Thí sinh cũng nín thở chờ quy chế tuyển sinh mới. Ảnh: Trọng Quân
Theo dự thảo Thông tư, việc tổ chức xét tuyển sớm vào ĐH (thông qua xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, kì thi riêng...) vẫn được áp dụng trong kì tuyển sinh năm 2025. Cụ thể, Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự xác định chỉ tiêu, nhưng khống chế về tỉ lệ nhằm hạn chế việc các trường dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức này, khiến cho điểm chuẩn trúng tuyển ở phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp bị đẩy lên quá cao, làm giảm cơ hội của thí sinh.
Các trường chỉ được dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm, không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành. Các trường cũng phải bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng, dự thảo có nhiều điểm được đánh giá tác động tích cực đến học sinh trong việc tập trung học tập, đảm bảo chương trình THPT. Tuy nhiên, dự thảo có điểm thay đổi tác động lớn tới số thí sinh dự định tuyển sinh sớm (khống chế chỉ tiêu không quá 20%) gây tâm lí bất ngờ, lo lắng cho các em. Do vậy, ông Đức đề nghị, Bộ cần nghiên cứu, phân tích sâu hơn nữa để đánh giá tác động của chính sách trước khi đưa ra quyết định chính thức. Bộ cần sớm công bố để các cơ sở đào tạo xây dựng, điều chỉnh phương án tuyển sinh, sớm công bố để thí sinh chủ động trong việc học tập, thi cử.
Theo ông Đức, Bộ GD&ĐT điều chỉnh thế nào thì các trường đều có thể thích ứng để phù hợp đáp ứng yêu cầu của quy chế, có khác là chuyển trọng tâm vào nhóm đối tượng thí sinh nào.
Chị Phạm Hương ở (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết con chị quyết định lựa chọn phương thức thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào một số trường ĐH. Nhưng nếu chỉ tiêu xét tuyển sớm bị giảm, cơ hội cho con chị bị giảm và kế hoạch học tập bị đảo lộn, bởi chỉ còn 1 học kì để tập trung cho kì thi tốt nghiệp THPT.
Ghi nhận cho thấy, những năm qua, phương thức tuyển sinh sớm của các trường ĐH top trên chiếm phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh. Ví dụ, năm 2024, ĐH Kinh tế Quốc dân dành 18% chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức còn lại chiếm 82%.
Cần chính sách điều chỉnh vĩ mô
GS.TS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình Dương mong Bộ GD&ĐT có chính sách để đảm bảo sự tương đối công bằng trong tuyển sinh ĐH chính quy giữa các cơ sở đào tạo. Hiện nay, các trường ĐH top trên, với ưu thế của mình, gần như “vợt” thí sinh đến tận đáy. Ông Đông phân tích, nguồn nhân lực của mỗi quốc gia phải được dựa trên những dự báo mang tính chu kì. Nhưng ở Việt Nam, chỉ có ngành sư phạm hiện nay mới bắt đầu có những dự báo bước đầu. Còn lại, đều vừa chạy vừa xếp hàng.
Ông Đông ví dụ có thời gian đổ xô đào tạo ngành Công nghệ thông tin, sinh viên tốt nghiệp “ế”, lại chuyển hướng đào tạo ngành khác. Đến khi bước vào cuộc cách mạng 4.0, thiếu trước hụt sau, thì bắt buộc phải đưa ra chính sách áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên. Tình trạng tương tự diễn ra hiện nay liên quan đến đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, chip điện tử và sắp tới là nhân lực phục vụ đường sắt cao tốc Bắc Nam. Tất cả nhu cầu nhân lực của Việt Nam ở các nhóm ngành trong thời gian trung hạn, dài hạn đều không có bất kì dự báo nào, đến khi cần nhân lực mới bắt đầu đào tạo.
“Tôi cho rằng Bộ KH&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH phải có được dự báo nhân lực để Bộ GD&ĐT có được chiến lược đào tạo cho các cơ sở giáo dục. Hiện nay, các trường đều dựa vào năng lực tự có để đào tạo, hoặc nắm bắt xu hướng của người học để mở ngành. Như thế sẽ luôn bị động trước mọi nhu cầu của thực tế của thị trường lao động”, GS. Đào Văn Đông nói.
Bộ GD&ĐT khẳng định, Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025 được xây dựng bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh. Thí sinh được xét tuyển công bằng theo các phương thức xét tuyển, được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và được quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những chương trình, ngành đào tạo đủ điều kiện trúng tuyển. Không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan đến trình độ, năng lực.