Trường nghề muốn được sửa luật để được dạy và cấp giấy chứng nhận chương trình THPT

Được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THCS vừa học nghề vừa học văn hoá ngay tại trường mình, là điều mà nhiều trường CĐ, trung cấp mong muốn lâu nay.

Trường nghề muốn được sửa luật để được dạy và cấp giấy chứng nhận chương trình THPT

Quy định về việc dạy các môn văn hoá THPT trong trường nghề vẫn khiến nhiều trường cảm thấy "chưa thoả đáng". V.Đ

Luật quy định trường nghề không cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên

Mới đây, Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hoá THPT tại các trường nghề. Ở dự thảo này, đối với đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề, các trường nghề sẽ được tổ chức dạy 4 môn văn hoá phù hợp với từng khối ngành và cấp giấy chứng nhận cho học sinh đã hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT này, nhưng không được dạy chương trình giáo dục thường xuyên 7 môn để học sinh được thi tốt nghiệp THPT. Nếu học sinh muốn thi tốt nghiệp thì phải học tại trung tâm giáo dục thường xuyên.

Dự thảo này vẫn còn điểm bất cập là các trường nghề vẫn chưa được dạy 7 môn  THPT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vừa học nghề vừa học văn hoá ngay tại trường nghề. 

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hôm 28.5 đã gửi công văn cho Bộ GD-ĐT, đề nghị sửa đổi một số quy định tại dự thảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh THCS đi học nghề.

Tại công văn này, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị Bộ GD-ĐT quy định rõ, nếu trường nghề chỉ được dạy 4 môn thì học sinh sau khi đã hoàn thành khối lượng kiến thức này, cần học bổ sung như thế nào để đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT hoặc tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị, đối với các trường trung cấp, CĐ đã được các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trước đây thì được tiếp tục và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, đối với các trường không đủ điều kiện để tổ chức giảng dạy thì tiếp tục phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng mong Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường nghề tham gia giáo dục thường xuyên, giao thêm chức năng giáo dục thường xuyên cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm phát huy tối đa điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Ngày 11.6, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn trả lời cho Bộ LĐ-TB-XH. Cụ thể, đối với việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp để học lên trình độ CĐ, thì tại thời điểm này vẫn tiếp tục thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong lúc chờ đợi ban hành thông tư mới trong năm 2021.

Đối với việc cấp giấy chứng nhận chương trình giáo dục thường xuyên 7 môn, Bộ GD-ĐT cho biết: "Luật Giáo dục 2019 quy định người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học viên. Do đó, đối với các trường trung cấp, CĐ đang tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thì tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phải do trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện".

"Vì vậy, nếu cho phép các trường trung cấp, CĐ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thì phải sửa Luật giáo dục 2019 và Luật Giáo dục nghề nghiệp", công văn của Bộ GD-ĐT nêu.

Trường nghề muốn được sửa luật để được dạy và cấp giấy chứng nhận chương trình THPT

Học sinh tốt nghiệp THCS học các môn văn hóa tại một trường CĐ ở TP.HCM. HUYỀN TRANG
Trường nghề ủng hộ việc sửa luật

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, nhìn nhận: "Bộ GD-ĐT trả lời hợp lý ở chỗ, trường nghề muốn được dạy và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên 7 môn cho học sinh thì phải sửa luật Giáo dục và luật Giáo dục nghề nghiệp. Tôi ủng hộ việc sửa luật để các trường nghề được đào tạo 4 môn dành cho học sinh chỉ muốn học để liên thông lên CĐ và 7 môn cho học sinh muốn học để được dự thi tốt nghiệp THPT và liên thông lên ĐH".

Trong trường hợp đợi để sửa luật, ông Khoa cho rằng thông tư của Bộ cần quy định rõ nếu học xong 4 môn thì người học phải học thêm khối lượng kiến thức là bao nhiêu bên trung tâm giáo dục thường xuyên để được dự thi tốt nghiệp, hay bắt buộc phải học lại toàn bộ 7 môn. "Không thể để học sinh phải học lại vì như vậy quá thiệt thòi cho các em. Chính vì thế, phải có sự bảo lưu, liên thông giữa khối lượng kiến thức văn hoá tại trường nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên", ông Khoa chia sẻ.

Thạc sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng cho rằng nên cho phép trường nào đủ điều kiện thì được giảng dạy chương trình văn hoá 7 môn và cấp giấy chứng nhận hoàn thành cho học sinh hoặc để học sinh được dự thi tốt nghiệp THPT nếu có nhu cầu. "Đối với các trường dạy 4 môn, thì Bộ GD-ĐT cần quy định học sinh phải bổ sung thêm kiến thức các môn như thế nào. Muốn vậy, 4 môn này phải được xây dựng làm sao để trung tâm giáo dục thường xuyên công nhận và chỉ cần học một khối lượng nhất định là có thể dự thi tốt nghiệp THPT", thạc sĩ Đông nhìn nhận.

Trong khi đó, thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, mong muốn Chính phủ công nhận bằng trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT là tương đương nhau, xem bằng tốt nghiệp THPT và Giấy chứng nhận hoàn thành THPT học 5 môn trở lên là tương đương nhau. "Như vậy xã hội sẽ không còn nặng nề chuyện đi đâu, làm gì cũng cần phải có bằng tốt nghiệp THPT. Việc bây giờ là các trường nghề được hợp thức hoá việc dạy các môn văn hoá THPT đó và được cấp giấy chứng nhận để xã hội an tâm bằng trung cấp có thể thay thế bằng tốt nghiệp THPT", thạc sĩ Trần Phương nêu quan điểm.

Trước những vướng mắc về việc này, ngày 14.6, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH hội chỉ đạo các ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa học nghề vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại trường nghề, nhất là đối với con em công nhân lao động.

Theo Mỹ Quyên/TNO

Tin cùng chuyên mục

Nhóm ngành công nghệ thông tin có rất nhiều trường đại học đào tạo. Học phí các trường có sự chênh lệch rất lớn.
Từ ngày 24 - 28/4, Bộ GD-ĐT tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng kí dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng kí dự thi chính thức từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Kết quả của đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được công bố vào đúng một tuần sau khi thi, tức ngày 15-4.
Sau 17 năm thực hiện chuyển đổi từ mô hình trường ĐH dân lập sang trường ĐH tư thục, Trường ĐH dân lập công nghệ Sài Gòn đã nhận được quyết định công nhận trở thành Trường ĐH tư thục Công nghệ Sài Gòn.
Sáng 7/4, hơn 95.000 thí sinh chính thức bước vào kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM. Đây là đợt thi có số thí sinh đông nhất trong lịch sử kỳ thi này.
Bộ Y tế vừa có dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe với những nội dung về chương trình đào tạo, học phí, văn bằng...
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề