Trường đại học xét tuyển học bạ ngóng… quy chế tuyển sinh

Cuối tháng 5, hầu hết các trường đại học có xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT sẽ kết thúc nhận hồ sơ đợt 1. Thế nhưng, quy chế tuyển sinh chính thức vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Hồ sơ nộp nhiều…

Hiện tại, các trường THPT đã hoàn tất học kỳ II. Từ khi có điểm tổng kết năm học, lượng hồ sơ đăng ký xét điểm học bạ gửi về các trường đại học (ĐH) tăng cao. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM - thông tin: Trường đã nhận được hơn 1.200 hồ sơ đăng ký xét tuyển và đang có xu hướng tăng lên cho đến khi kết thúc đợt 1. Trong quá trình tư vấn và nhận hồ sơ xét tuyển, đa phần thí sinh dứt khoát và tự tin khi chọn một ngành học hoặc một trường nào đó, không quá chờ đợi vào các phương thức khác. Nhiều phụ huynh, thí sinh đều hiểu sự bình đẳng giữa các phương thức xét tuyển nên tranh thủ cơ hội để trúng tuyển. 

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM có ba phương thức xét tuyển đang nhận hồ sơ. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh của trường - cho biết: Phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT đợt 1 nhận được khoảng 5.000 hồ sơ và sẽ nhận đến ngày 30/5, đợt 2 đến hết 15/6. Phương thức xét tuyển thẳng có khoảng 200 hồ sơ. Còn phương thức xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) dự kiến khoảng ngày 5/6 sẽ công bố kết quả trúng tuyển dự kiến. Năm nay, xét tuyển thẳng, xét điểm ĐGNL đông thí sinh trong khi trường chỉ dành chỉ tiêu cho các phương thức này khoảng 10%, nên nhiều khả năng điểm chuẩn phương thức xét bằng ĐGNL sẽ khá cao. 

Trường đại học xét tuyển học bạ ngóng… quy chế tuyển sinh

Nhiều thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển đại học theo phương thức xét học bạ nhưng vẫn phải chờ quy chế tuyển sinh (trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân (tỉnh Quảng Nam) tham gia buổi tư vấn tuyển sinh) - Ảnh: Trương Mẫn

Còn tiến sĩ Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Gia Định - cho hay, bên cạnh tiêu chí tổng điểm ba học kỳ lớp 11 và 12 như trước đây, trường vừa bổ sung hình thức xét tuyển đối với phương thức xét kết quả học bạ bằng cách tính điểm trung bình ba học kỳ I ba năm học THPT các môn tổ hợp xét tuyển (học kỳ I lớp 10 + học kỳ I lớp 11 + học kỳ I lớp 12) đạt từ 16,5 điểm trở lên đối với chương trình đại trà và 18 điểm đối với chương trình tài năng. Trường cũng vừa đưa ra điểm sàn xét tuyển từ kỳ thi ĐGNL là 600 điểm trở lên đối với chương trình đại trà, 700 điểm đối với chương trình tài năng.

… nhưng vẫn phải chờ quy chế 

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM - cho biết: “Đến nay, với phương thức xét tuyển bằng học bạ, trường đã nhận khoảng 1.000 hồ sơ. Tuy nhiên, trường đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành quy chế hướng dẫn để thực hiện các bước xét tuyển tiếp theo”. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cũng cho biết, tất cả vẫn đang chờ quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để xét tuyển. 

Trong khi đó, nội dung mới trong dự thảo quy chế khiến nhiều trường băn khoăn, nhất là quy định đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung, thay vì chỉ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT như trước đây. Về việc này, các trường cho rằng, với dự kiến của bộ sẽ xét tuyển nhiều phương thức cùng một đợt, chạy lọc ảo chung chắc chắn sẽ gây khó cho trường và cả thí sinh. Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TPHCM nêu, nếu trường tuyển ngành A theo nhiều phương thức, cùng đợt xét, để phần mềm nhận diện thì mỗi phương thức phải có một mã xét tuyển riêng, mỗi ngành sẽ có nhiều mã xét tuyển và khả năng thí sinh chưa quen khi xét tuyển, nhầm lẫn mã ngành sẽ khó tránh khỏi gây sai lệch kết quả của các em. 

Mặt khác, theo thạc sĩ Phùng Quán - chuyên gia hướng nghiệp tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM - thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức như học bạ, ĐGNL… được các trường công bố kết quả xét tuyển sớm vẫn sẽ phải đăng ký nguyện vọng này lên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và chờ dù đã trúng tuyển.

Đó là chưa kể, quy định xét tuyển chung các phương thức xét tuyển cùng một đợt và lọc ảo chung dễ dẫn đến những bất cập về kỹ thuật bởi mỗi phương thức ở mỗi trường có nhiều tiêu chí khác nhau. Khi đó, với số lượng nguyện vọng cực lớn thì liệu khả năng xử lý của công cụ lọc ảo và xác định nguyện vọng trúng tuyển duy nhất cho mỗi thí sinh sẽ ra sao?

Theo Thanh Thanh/PNO

Tin cùng chuyên mục

PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định năm 2024, Đại học này sẽ công bố Đề án tuyển sinh sớm hơn mọi năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh trong định hướng ôn tập, lựa chọn ngành/nghề vào học.
Năm 2024, dù cách thức tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH cơ bản giữ ổn định nhưng vẫn có nhiều điểm mới thí sinh cần lưu ý. Đáng chú ý là việc mở thêm các ngành đào tạo mới thích ứng với nhu cầu xã hội.
“Với phương thức thi 2+2, quan niệm về khối thi truyền thống không còn nữa. Cho nên các trường đại học nếu tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ phải chọn các tổ hợp khác”- GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nói.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT),
Bộ GD-ĐT đã công bố phương án chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn được lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).
Hôm qua, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, (chương trình giáo dục phổ thông 2018). Đại diện các trường đại học (ĐH) khẳng định những thay đổi của kì thi tốt nghiệp không ảnh hưởng đến tuyển sinh. Vì hiện nay các trường đều đa dạng hóa các phương thức xét tuyển.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề