Thấy rõ nhất trong mục tiêu giúp người học có sức khỏe tốt là các hoạt động giúp sinh viên rèn luyện thể chất trong môi trường ĐH. Chủ trương này được thể hiện rõ trong thông điệp hiệu trưởng các trường ĐH khi nhắn nhủ với sinh viên.
Trong bài diễn văn khai giảng năm học mới 2024-2025, PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trường luôn cố gắng tạo môi trường làm việc vui vẻ, không gian học tập năng động cho sinh viên để tất cả hướng tới phương châm "mỗi ngày đến trường là một niềm vui". Một trong những nỗ lực của trường trong năm học là tăng cường hệ thống chăm sóc sinh viên để hỗ trợ nhiều hơn, cung cấp thêm nhiều dịch vụ, tăng cường không gian hội họa, không gian âm nhạc, sân chơi pickeball cho sinh viên.
Với người học, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng để thành công sinh viên phải đặt ra mục tiêu và đầu tư cho nó ngay và luôn. Trong đó, một vấn đề được nhấn mạnh: "Đầu tư cho sức khỏe, tập gym đều đặn và đừng thức khuya để cày game. Hãy nhớ trân trọng sức khỏe và sinh mạng mình".
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức 7 bộ môn gồm: bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, cờ vua, cờ tướng, Vovinam, bóng đá. ẢNH: KHTN
Với phương châm giáo dục con người toàn diện, Trường ĐH Tôn Đức Thắng quan tâm rèn luyện sức khỏe người học. Vì vậy, trường đã đầu tư cho rèn luyện thể thao như là giải pháp chính để sinh viên có một thể chất khỏe mạnh, giúp học tập đạt kết quả tốt hơn. Ngoài các hoạt động lớn thường niên, năm 2024 trường tiếp tục đăng cai tổ chức Giải bóng đá Thanh niên Sinh viên Việt Nam toàn quốc lần 2. Năm học 2023-2024, sinh viên trường ĐH này đã giành được nhiều giải thể thao trong nước và quốc tế.
Trong chương trình học, sinh viên bắt buộc tham gia và hoàn tất học phần thể chất. Bên cạnh các môn truyền thống, nhiều trường ĐH hiện đã đưa pickleball thành môn học lựa chọn trong học phần giáo dục thể chất như: Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Hoa Sen…
Đáng chú ý, có những trường đưa bơi lội thành môn bắt buộc của sinh viên. Chẳng hạn, từ năm 2012, Trường ĐH Tôn Đức Thắng chính thức đưa nội dung bơi lội vào chương trình học giáo dục thể chất. Theo quy định của trường này, sinh viên phải hoàn thành 3 môn thể thao, trong đó bơi lội là môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số 16 môn khác. Để đủ điều kiện xét tốt nghiệp, một trong các nội dung cần đạt được là đạt yêu cầu đợt kiểm tra bơi lội, tối thiểu 25m (với nữ) và 50m (với nam). Ở một số trường khác, bơi lội là một trong số các môn tự chọn chương trình giáo dục thể chất, như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Sinh viên được chăm sóc tốt không chỉ thể chất mà cả tinh thần thông qua không gian chữa lành. ẢNH: KHTN
Tạo "không gian chữa lành" cho sinh viên
Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết thời gian qua, trường đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường học tập và giúp sinh viên được chăm sóc tốt về mặt tinh thần cùng thể chất như: không gian chữa lành, mở cửa phòng cho sinh viên nghỉ trưa tại cơ sở khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, tổ chức các workshop chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đặc biệt, từ tháng 5 năm nay, Phòng Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần chính thức đi vào hoạt động và phục vụ miễn phí sinh viên. Qua đó, trường thiết lập được mạng lưới ghi nhận, dự báo và xử lý các trường hợp gặp khó khăn trong học tập, có dấu hiệu bệnh về tâm lý…
"Cùng với đó, ngoài các môn học theo khung chương trình đào tạo giáo dục thể chất, sinh viên được khuyến khích tham gia các CLB thể dục-thể thao trong nhà trường và tham gia thi đấu các giải bên ngoài. Trường hiện có 7 bộ môn như: bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, cờ vua, cờ tướng, Vovinam, bóng đá", thạc sĩ Tú thông tin thêm.
Đoàn Trường ĐH Tài chính-Marketing triển khai thử thách "3 ngày sống khỏe" để tạo thói quen rèn luyện sức khỏe trong sinh viên. ẢNH: K.P
Thạc sĩ Nguyễn Tiến Khôi, Bí thư đoàn Trường ĐH Tài chính-Marketing, cũng cho biết thời gian qua, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trường đã triển khai nhiều hoạt động phong trào nhằm khuyến khích và khơi gợi tinh thần sống khỏe trong đoàn viên, thanh niên - khỏe thể chất, vững tinh thần. Theo đó, Đoàn trường, Hội sinh viên trường đã tổ chức định kỳ các giải chạy bộ hưởng ứng chương trình "Mỗi thanh niên 10.000 bước chân mỗi ngày", thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Bên cạnh đó, Đoàn trường cũng đã triển khai các giải hội thao sinh viên thu hút gần 300 vận động viên tham gia với các bộ môn: bóng đá, bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền.
Đáng chú ý, thạc sĩ Khôi cho biết trường đã triển khai thử thách "3 ngày sống khỏe" để tạo thói quen rèn luyện sức khỏe trong sinh viên. Thử thách đã thu hút gần 3.000 lượt đoàn viên tham gia. Trong đó, ngày 1 sống khỏe bắt đầu từ bữa ăn dinh dưỡng (chế biến món ăn, bữa ăn đủ chất…); ngày 2 thể dục thể thao nâng cao sức khỏe (chạy bộ, đạp xe, tập gym, nhảy dây…); ngày 3 chăm sóc và phát triển bản thân (đọc sách, tham gia hoạt động tình nguyện…).
"Bên cạnh đó, với mục tiêu "khỏe thể chất, vững tinh thần" trong nhiều năm qua đoàn trường bên cạnh triển khai các hoạt động rèn luyện sức khỏe cũng đã tăng cường triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý cho sinh viên. Có thể kể đến triển lãm tâm lý với chủ đề "Người đồng hành", các buổi báo cáo chuyên đề tâm lý "Áp lực tuổi 20", postcast với chủ đề "Trạm dừng cảm xúc". Đặc biệt, nhà trường cũng đã thành lập tổ tư vấn tâm lý đặt tại cơ sở quận 7 để hỗ trợ người học trong trường hợp cần thiết", Bí thư đoàn Trường ĐH Tài chính-Marketing chia sẻ thêm.
Theo Bảo Hân/ Thanh niên