Trường đại học không nên chỉ xét tuyển dựa vào học bạ

Bộ GD-ĐT công bố kết quả đối sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và trung bình điểm học bạ lớp 12 từng môn ở từng địa phương. Ở tất cả các môn, điểm thi đều thấp hơn so với điểm học bạ.

Số liệu này một lần nữa cho thấy các trường đại học (ĐH) cần có sự điều chỉnh hợp lý hơn trong phương thức tuyển sinh dựa vào học bạ THPT.

Năm nay số ngành có điểm chuẩn học bạ từ 27 điểm trở lên (trung bình 9 điểm/môn) chiếm áp đảo trong bảng điểm nhiều trường. Số ngành học lấy điểm chuẩn từ mức 29 trở lên cũng không hiếm, nhiều ngành điểm chuẩn tăng từ 3 - 5 điểm so với năm trước đó… Trong 3 năm trở lại đây, các trường ĐH có xu hướng dành nhiều chỉ tiêu hơn cho xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT.

Vì sao “nói không” với xét học bạ ?

Ngược lại với xu hướng số đông, đến thời điểm này vẫn có những trường ĐH “nói không” với xét điểm học bạ hoặc điểm học bạ đơn thuần. Đặc thù nhất phải kể đến khối trường đào tạo y dược, chẳng hạn Trường ĐH Y dược TP.HCM. Theo đề án tuyển sinh, trường này vẫn nêu rõ chỉ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo 2 hình thức: điểm thi, điểm thi kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Một số trường ĐH khác hiện cũng không sử dụng điểm học bạ để tuyển sinh như: Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn, Nha Trang…

Trường đại học không nên chỉ xét tuyển dựa vào học bạ

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào một trường ĐH tại TP.HCM. ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết năm 2018 trường này có sử dụng điểm học bạ THPT để xét tuyển. “Sau khi phân tích, đánh giá tổng thể thông qua đối sánh dữ liệu điểm người học cho thấy có những sinh viên điểm học bạ rất cao nhưng điểm thi tốt nghiệp thấp và kết quả học tập bậc ĐH cũng không tốt”, ông Phương cho biết.

“Trong quá trình phân tích, trường rút ra rằng do đặc trưng từng vùng miền, trường học mà việc đánh giá, cho điểm trong học bạ sẽ có mức độ chủ quan khác nhau. Do vậy, nếu quá lệ thuộc vào điểm học bạ, chất lượng đầu vào của trường sẽ bị ảnh hưởng. Trường đã dừng phương thức xét tuyển này, chuyển sang xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Với kết quả người học được đánh giá trên 70% điểm thi các môn trong kỳ thi tốt nghiệp và 30% của điểm trung bình học bạ lớp 12, phương thức này vẫn ưu việt hơn tính đến thời điểm hiện nay”, tiến sĩ Phương phân tích.

PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho biết trường này chưa từng sử dụng điểm học bạ đơn thuần để xét tuyển. Thay vào đó, với phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, trường ưu tiên xét các học sinh giỏi quốc gia hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc điểm thi SAT và kết quả học tập THPT chỉ là tiêu chí cần.

Xét tuyển học bạ nên theo hướng nào ?

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết trường chưa sử dụng phương thức điểm học bạ để xét tuyển trực tiếp đầu vào và cũng không có dự định trong thời gian tới. Trong số các phương thức xét tuyển hiện nay của trường, kết quả học tập THPT chỉ là một trong các tiêu chí.

Trường đại học không nên chỉ xét tuyển dựa vào học bạ

Nhiều chuyên gia cho rằng các trường nên kết hợp đồng thời nhiều tiêu chí mà trong đó điểm học bạ chỉ là một điều kiện. ĐÀO NGỌC THẠCH

Lý giải chủ trương trên, ông Hạ nói: “Điểm học bạ ngoài năng lực học sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như suy nghĩ chủ quan của thầy cô, quan điểm trường học. Do vậy, với thực tế có môn điểm học bạ cao hơn điểm thi hơn 2 điểm như hiện nay, có thể thấy kết quả học bạ chưa thể mang lại sự công bằng cho tất cả thí sinh, khó để đánh giá người học trên thang đo chung”.

Nhìn nhận về phương thức xét học bạ hiện nay, tiến sĩ Hạ cho hay: “Các trường nên kết hợp đồng thời nhiều tiêu chí mà trong đó điểm học bạ chỉ là một điều kiện. Việc này cần thiết để đảm bảo chất lượng đầu vào và tạo sự công bằng cho tất cả người học”. Theo phó hiệu trưởng này, sự thay đổi cách thức xét tuyển của trường ĐH sẽ tác động trở lại cách thức học tập và đánh giá của trường phổ thông.

PGS-TS Trần Hoàng Hải cũng cho biết cùng với điểm thi tốt nghiệp, trường dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển thẳng mà trong đó ngoại ngữ là điều kiện quan trọng. Bên cạnh ngoại ngữ, trường vẫn yêu cầu học sinh có kết quả học tập THPT tốt để tránh tình trạng học lệch. “Cách trường ĐH xét tuyển sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập bậc phổ thông”, ông Hải phân tích thêm.

Cùng quan điểm, tiến sĩ Tô Văn Phương ý kiến: “Việc điểm chuẩn học bạ nhiều ngành gần tuyệt đối đang cho thấy chính cách thức tuyển sinh của trường ĐH đang tác động ngược lại điều chỉnh cách đánh giá bậc THPT. Do vậy, phương thức xét tuyển này nên được kết hợp thêm nhiều tiêu chí đánh giá khác để tăng độ tin cậy và công bằng”.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Năm học 2023 - 2024, Nghệ An tăng 7.226 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, áp lực với học sinh thi vào lớp 10 cũng khốc liệt khi có đến 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua vào trường công”.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tuyển sinh 2024, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Phú Yên có hai năm liên tiếp nằm trong top 10 tỷ lệ vào ĐH trên tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023.
Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 2 áp dụng mức học phí theo Nghị định 97 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lí học phí. Học phí trở thành nỗi lo của thí sinh khi tham gia xét tuyển sinh năm nay, nhất là nhóm trường Y Dược gần như đã tự chủ.
Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc mà trở thành môn lựa chọn. Theo các chuyên gia, dù chọn thi ngoại ngữ hay không thì những thí sinh có nguyện vọng học đại học cũng không nên bỏ bê, sao nhãng môn này.
Trường ĐH Công Thương TP.HCM công khai kết quả tốt nghiệp của sinh viên được xét tuyển từ học bạ khiến nhiều người bất ngờ.
Hai năm trước, 3 trường ĐH bách khoa và 10 trường ĐH về kinh tế đã có những ký kết hợp tác về việc trao đổi sinh viên trong nước, nhưng đến nay số lượng tham gia còn rất ít, thậm chí có nơi chưa tổ chức được khóa học do chưa có sinh viên nào đăng ký.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề