Trường công tự chủ: 70% sinh viên nông thôn gặp khó khăn tài chính

Tự chủ đại học, đặc biệt là tự chủ tài chính và những chính sách hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn về tài chính được đặc biệt quan tâm trong buổi làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM của Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa.

Kiến nghị cơ chế đặt hàng đào tạo ngành khoa học cơ bản

Phát biểu tại buổi làm việc sáng 3.6, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết trường bắt đầu thực hiện đề án tự chủ ĐH vào năm 2022. Trong đó, một trong những vấn đề khó khăn trường gặp phải khi triển khai đề án này là tuyển sinh các ngành khó tuyển.

Ông Hạ cho biết theo số liệu thống kê trong 3 năm gần đây của trường, số lượng người học đăng ký vào các ngành này không nhiều so với chỉ tiêu. Đây là các ngành đào tạo mang tính chất định hướng xã hội nhưng thực sự nhu cầu người học chưa cao như: triết học, tôn giáo học, ngôn ngữ Ý, ngôn ngữ Tây Ban Nha…

“Vậy làm thế nào để thu hút được người học các ngành này, làm thế nào để vẫn duy trì đào tạo các ngành này khi thực hiện tự chủ là câu hỏi lớn được đặt ra. Chúng tôi cũng đang tiến hành nhiều giải pháp khác nhau nhưng thực sự cần có giải pháp lớn cho hướng phát triển lâu dài. Trường xin đề nghị nhà nước có cơ chế ưu đãi và hỗ trợ kinh phí để khuyến khích sinh viên (SV) lựa chọn ngành học này”, ông Hạ nói.

Liên quan vấn đề này, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện nay đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực khoa học cơ bản còn khá thấp. Theo thống kê của ĐH này, năm 2020 tổng chi cho con người liên quan đến khoa học công nghệ là 142 tỉ đồng, năm 2021 là 88 tỉ và năm 2022 có 104 tỉ. Với khoảng 1.100 tiến sĩ và hơn 300 giáo sư và phó giáo sư, kinh phí chi trực tiếp cho con người để đầu tư nghiên cứu bình quân chưa đến 10 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, năm 2020 tổng chi thường xuyên tính trên đầu SV từ ngân sách nhà nước là 3,3 triệu đồng, kế đến năm 2021 có 2,4 triệu đồng và năm nay 1,3 triệu đồng/SV. Mức chi này giảm thể hiện mức độ tự chủ các trường thành viên khi không nhận ngân sách nhà nước nhưng với tình trạng như vậy học phí tăng lên gây khó khăn cho các ngành khoa học cơ bản.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 2 từ trái qua, hàng trên) làm việc tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sáng 3.6. LÝ NGUYÊN

Ông Quân kiến nghị: “Để đảm bảo hài hòa giữa việc đào tạo các ngành có nhu cầu cao của xã hội và các ngành khoa học cơ bản phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, đề nghị Ban Tuyên giáo ủng hộ chủ trương và có ý kiến với Chính phủ sớm có cơ chế đặt hàng về đào tạo và nghiên cứu đối với các ngành khoa học cơ bản, nhất là các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội”.

Đề nghị sửa đổi chính sách vay vốn cho SV

Cũng liên quan đến thực hiện tự chủ, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nói thêm: “Nhiều SV của trường đến từ vùng nông thôn, có khoảng 70% SV thuộc các khu vực này. Vì vậy, khi chuyển sang tự chủ thì tài chính là vấn đề khó khăn với các SV nông thôn. Đề nghị nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn trong vay vốn dài hạn với SV”.

Liên quan vấn đề này, PGS-TS Vũ Hải Quân cũng kiến nghị Ban Tuyên giáo T.Ư ủng hộ chủ trương và có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi chính sách vay vốn cho SV theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng SV. Bên cạnh đó, cho phép SV được vay với định mức cao hơn, thời gian vay được kéo dài hơn, đảm bảo SV có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.

Nhiều sinh viên của trường đến từ vùng nông thôn, có khoảng 70% sinh viên thuộc các khu vực này. Vì vậy, khi chuyển sang tự chủ thì tài chính là vấn đề khó khăn với các sinh viên nông thôn. Đề nghị nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn trong vay vốn dài hạn với sinh viên.

Tiến sĩ PHẠM TẤN HẠ

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

“Đây là chủ trương rất quan trọng nếu không thay đổi kịp thời, nếu không mở rộng chính sách cho SV vay, tiếp cận các nguồn vốn để học tập sẽ rất nhiều SV vùng sâu vùng xa, gia đình khó khăn không có cơ hội tiếp tục việc học ĐH của mình. Bởi với đại dịch vừa qua, theo một khảo sát của ĐH Quốc gia TP.HCM với hơn 40.000 người học, có khoảng 60% gia đình có ít nhất một nguồn thu bị ảnh hưởng và khoảng 60% SV rất lo lắng về học phí”.

Trường công tự chủ, trách nhiệm nhà nước tới đâu ?

Ông Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, kiến nghị cần đẩy mạnh tự chủ ĐH. Ông Bình đặc biệt làm rõ quan điểm tài chính trong tự chủ ĐH.

Theo nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, tự chủ ĐH gồm nhiều mặt mà trong đó tài chính là điều thứ 3. Nhưng trong quản lý nhà nước hiện nay, tài chính đang là điều thứ nhất nên việc này đang đặt ra những giới hạn quyền tự chủ thực sự của các trường ĐH. Theo quan điểm của ông Bình thì: “Tài chính là điều kiện để phát triển tự chủ ĐH chứ không phải tài chính là điều kiện để có tự chủ ĐH”.

Ông Bình tiếp tục: “Tôi trở lại vấn đề học phí với trường công. Luật đã nói rằng học phí phải tính đúng chi phí đào tạo, bên cạnh đó có sự hỗ trợ của trách nhiệm nhà nước ở đây. Trước hết một trường ĐH muốn dạy tốt cần có 10 đồng phải tính đúng chi phí 10 đồng. Nhà nước cho 5 đồng thì trường có quyền lấy thêm 5 đồng để đảm bảo tổng chi phí đào tạo. Còn hiện nay đã lấy 10 đồng thì anh đừng cầm 5 đồng của nhà nước”.

Ông Bình giải thích thêm: “Nếu như thế là ta đang đẩy các trường công lập đi ra tư thục, đẩy những người nghèo giỏi cũng phải trả tiền nếu muốn học các trường tốt. Vì trường tốt thì vấn đề chi phí đào tạo không thể đơn giản”.

Ông Bình cho rằng: “Thành ra đúng luật thì chi phí đào tạo tính đủ phải có trách nhiệm nhà nước chứ không phải khi đừng cầm ngân sách nhà nước thì muốn lấy bao nhiêu cũng được hay khi sử dụng ngân sách nhà nước thì bị khống chế đủ thứ”.

PGS-TS Vũ Hải Quân cũng có những chia sẻ liên quan vấn đề này trong hội thảo khoa học “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” chiều qua. Ông cho biết điều mà ĐH này trăn trở từ thực tiễn hoạt động thời gian qua là việc triển khai thực hiện các chủ trương quyết sách lớn của Đảng về đào tạo và khoa học công nghệ.

Lấy ví dụ về nhận thức và thực thi tự chủ ĐH, ông Quân đặt vấn đề: “Liệu có phải tự chủ ĐH là phải tự chủ về tài chính và không nhận ngân sách chi thường xuyên? Kể cả khi trường ĐH đã tự chủ thì có thực sự được thực hiện hết các quyền tự chủ hay chưa, đã được thu mức học phí tính đúng, tính đủ chưa? Bên cạnh đó, quy định về khối ngành, mã ngành đào tạo và việc mở mới các ngành đào tạo có còn phù hợp hay không. Rồi cách tính chỉ tiêu dựa trên số lượng giảng viên, theo mét vuông đất, diện tích xây dựng có còn phù hợp…”.

“Đây là những vấn đề quan trọng cần được giải quyết đồng bộ để các ĐH phát huy hết vai trò của mình trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và thực hiện các công trình nghiên cứu đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, ông Quân chia sẻ.

Theo Hà Ánh/TNO

Tin cùng chuyên mục

Nhóm ngành công nghệ thông tin có rất nhiều trường đại học đào tạo. Học phí các trường có sự chênh lệch rất lớn.
Từ ngày 24 - 28/4, Bộ GD-ĐT tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng kí dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng kí dự thi chính thức từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Kết quả của đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được công bố vào đúng một tuần sau khi thi, tức ngày 15-4.
Sau 17 năm thực hiện chuyển đổi từ mô hình trường ĐH dân lập sang trường ĐH tư thục, Trường ĐH dân lập công nghệ Sài Gòn đã nhận được quyết định công nhận trở thành Trường ĐH tư thục Công nghệ Sài Gòn.
Sáng 7/4, hơn 95.000 thí sinh chính thức bước vào kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM. Đây là đợt thi có số thí sinh đông nhất trong lịch sử kỳ thi này.
Bộ Y tế vừa có dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe với những nội dung về chương trình đào tạo, học phí, văn bằng...
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề