Trước 31/12 sẽ có phương án thi lớp 10 năm 2025 trên toàn quốc

Phương án thi lớp 10 sẽ được công bố trong tháng này theo lịch dự kiến trong Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Thời điểm này các năm trước, một số địa phương đã công bố phương án thi lớp 10 công lập. Tuy nhiên năm nay, các tỉnh thành đều phải chờ Thông tư của Bộ để thực hiện thống nhất chung trên toàn quốc.
Trước 31/12 sẽ có phương án thi lớp 10 năm 2025 trên toàn quốc

Ngành GD&ĐT TPHCM đặt mục tiêu 100% học sinh, phụ huynh lớp 9 đều được tư vấn tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Nam Anh

Cô Nguyễn Thị Hòa - giáo viên toán tại Hà Nội - cho biết: "Giáo viên, học sinh, phụ huynh đều mong chờ sớm có phương án thi lớp 10. Tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến việc dạy và học.

Nhà trường nói chung và từng lớp nói riêng vẫn tích cực ôn tập theo hướng dù môn thi thứ 3 là môn gì hay là bài thi tổ hợp, học sinh vẫn được đảm bảo kiến thức, sẵn sàng chinh phục kỳ thi quan trọng này".

Theo dự thảo, việc tuyển sinh THPT (thi vào lớp 10) được tổ chức theo một trong ba phương thức: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. 

Với phương thức xét tuyển, căn cứ là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh.

Với phương thức thi tuyển, số môn thi là 3 môn với toán, ngữ văn và 1 môn thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp.

Các Sở GD&ĐT được chọn 1 trong 2 phương án. Nếu chọn môn thứ 3, môn này phải nằm trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số. Đáng chú ý, Bộ yêu cầu các Sở phải thay đổi môn thi thứ ba qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.

Thời điểm các địa phương công bố môn thứ 3 là trước 31/3 hàng năm.

Nếu các Sở chọn bài thi tổ hợp, các môn học được lựa chọn phải nằm trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số. Bài thi tổ hợp không yêu cầu phải thay đổi qua các năm.

Về thời lượng làm bài thi của từng môn, dự thảo quy định môn ngữ văn 120 phút, môn toán 90 phút hoặc 120 phút, môn thi thứ ba 60 phút hoặc 90 phút, bài thi tổ hợp 90 phút hoặc 120 phút.

Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9. 

Tính đến ngày 7/10, Bộ GD&ĐT thống kê có 60/63 Sở GD&ĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.

Tuy nhiên, quy định môn thứ ba phải thay đổi qua từng năm là nội dung gây tranh cãi. 

Sở GD&ĐT Sơn La đề xuất nên để các tỉnh thành tự quyết định môn thứ 3 theo điều kiện thực tế của từng địa phương.

Ngoài ra, quy định phải công bố điểm thi đồng thời với điểm chuẩn cũng là 1 nội dung mà nhiều tỉnh thành cho rằng chưa phù hợp. 

Năm học 2024-2025 là năm khép kín chu kỳ thực hiện Chương trình giáo dục 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, năm học này thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông (THPT) và thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Trước khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, tỉnh Quảng Nam công bố phương án thi lớp 10 với nhiều thay đổi lớn. Theo đó, tỉnh này sẽ sử dụng phương thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Thí sinh sẽ thi 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và xét điểm học bạ THCS. 

Tuy nhiên, hiện Quảng Nam đang chờ Thông tư chính thức của Bộ để có thay đổi, điều chỉnh phương án đã phê duyệt cho phù hợp.

Kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 có 55/63 tỉnh thành trên cả nước tổ chức thi tuyển vào lớp 10.

Một số tỉnh lựa chọn phương án thi 2 môn toán, văn bắt buộc và môn thứ 3 lựa chọn ngẫu nhiên như Long An, An Giang, Hải Dương.

Đây cũng là phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất trong dự thảo Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.

Tuy vậy, kể từ năm 2021 trở lại đây, môn thứ 3 được cả Long An, An Giang và Hải Dương lựa chọn là tiếng Anh. 

Bên cạnh đó, một số tỉnh từng tổ chức thi 4-5 môn cũng chọn giảm tải xuống 3 môn gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ như Vĩnh Phúc, Ninh Bình.

3 năm qua, Hà Nội bỏ môn thi thứ 4. Quảng Bình, Hà Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long chỉ thi 2 môn là toán và ngữ văn.

Các tỉnh còn lại thi 3 môn cố định gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Trong đó, môn ngoại ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh. 

Đáng chú ý, trong 55 tỉnh thành tổ chức thi tuyển có 11 tỉnh thành kết hợp thi tuyển và xét học bạ.

8 tỉnh thành chỉ xét học bạ vào lớp 10 gồm: Quảng Nam, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Gia Lai và Lâm Đồng.

Theo Hoàng Hồng/Dân Trí

Tin cùng chuyên mục

Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết sẽ có văn bản tham mưu UBND TPHCM ban hành kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026, trong đó có phương án tuyển sinh vào lớp 6...
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT vào sáng nay, 8.1, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM đã thông tin chính thức về quy định tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026.
Từ năm 2025, tuyển sinh THCS sẽ thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết: “Thông tư mới nhằm giảm áp lực thi chuyển cấp cho học sinh tiểu học, vì vậy trường tư hay trường chất lượng cao cũng xét tuyển, không thi tuyển”.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó đối với phương thức thi tuyển lớp 10 vẫn gồm 3 môn. Môn thứ ba do địa phương lựa chọn.
Sở GD-ĐT TP HCM kiến nghị được trao quyền chủ động cho các cơ sở trong việc tổ chức thi lớp 10, gồm: Chọn môn thi thứ ba phù hợp đặc thù của địa phương
Đã sắp hết học kỳ I năm học 2024-2025 nhưng học sinh lớp 9 vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm tới. Nhiều ý kiến phân tích thấu tình, đạt lý với mong muốn Bộ GD-ĐT nên thay đổi dự kiến về môn thi thứ ba gây tranh cãi mấy tháng qua.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Tuyển sinh đào tạo ngành vi mạch bán dẫn: Không sợ thừa, chỉ sợ thiếu?
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến các cơ sở giáo dục đại học để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn trình độ đại học...