Tránh những sai lầm đáng tiếc khi đăng ký xét tuyển đại học

Sau khi công bố danh sách trúng tuyển với các phương thức xét tuyển sớm, hiện các trường đại học chuẩn bị tập trung vào đợt xét tuyển lớn bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc lựa chọn ngành nghề, cách đặt nguyện vọng vì vậy rất quan trọng với thí sinh vào thời điểm này.

Còn khá nhiều chỉ tiêu ở trường tốp trên

Các trường đại học (ĐH) ngày càng có nhiều phương thức tuyển sinh khác nên “thị phần” dành cho việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT bị thu nhỏ. Dù vậy, ở các trường tốp trên, cơ hội vẫn còn khá nhiều cho thí sinh.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) - cơ hội vào trường còn “thênh thang” khi năm nay trường dành tới 90% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tổng hợp (điểm học tập 3 năm THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực…).

“Công thức là vậy nhưng thí sinh nào không dự thi đánh giá năng lực thì trường sẽ quy đổi điểm từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh không có điểm thi đánh giá năng lực vẫn được xét tuyển vào trường” - ông Bùi Hoàng Thắng nói.

Năm nay, Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo của trường - cho biết bên cạnh đó, trường dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả kỳ thi SAT quốc tế (Scholastic Aptitude Test), áp dụng cho 2 ngành y khoa và răng - hàm - mặt.

Trường có 3 ngành đặc thù (y khoa, răng - hàm - mặt, y học cổ truyền) chỉ tuyển sinh bằng tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh). Với 12 ngành còn lại, ngoài tổ hợp B00 còn tuyển sinh bằng tổ hợp A00 (toán, lý, hóa). Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng cả 2 tổ hợp này để tăng cơ hội trúng tuyển.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngoài xét tuyển thẳng và ưu tiên ra cũng dành tất cả chỉ tiêu còn lại xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Công Thương TPHCM dành 60 - 70% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trong đó, chỉ tiêu xét bằng phương thức này của một số ngành khá cao như: quản trị kinh doanh 252 chỉ tiêu, kế toán và công nghệ thông tin mỗi ngành có 240 chỉ tiêu, công nghệ kỹ thuật hóa học 210, ngôn ngữ Anh 198, marketing 183, thương mại điện tử 150…

Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) dành từ 30 - 50% tổng chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT; Trường ĐH Luật TPHCM là 55% (giảm 5% so với năm trước); Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) là 40 - 55%...

Thí sinh TPHCM tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (ảnh chụp ở điểm thi Trường PTTH Thạnh Lộc, quận 12)

Đặt nguyện vọng phù hợp

Theo ông Bùi Hoài Thắng, khi Bộ GD-ĐT xét tuyển, lọc ảo, đối với 1 thí sinh sẽ xét theo thứ tự nguyện vọng từ trên xuống, nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng đầu thì không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng sau. Do vậy, việc sắp đặt thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng rất quan trọng.

Ngành nào, trường nào muốn học nhất thì các em nên đặt vào những nguyện vọng trên. Tiếp đó là những nguyện vọng bản thân thích và có khả năng đậu cao, còn những nguyện vọng cuối cần cân nhắc đăng ký vào những trường có khả năng đậu cao. Để xác định được nguyện vọng nào phù hợp với mình, theo ông, thí sinh nên tập trung đánh giá sở trường, sở thích và nhu cầu nhân lực của xã hội.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công Thương TPHCM - khuyên: dù thí sinh không bị giới hạn số lần đặt nguyện vọng nhưng không nên đặt “ảo” quá nhiều mà phải phân tích, tính toán giữa khả năng của bản thân và sự phù hợp của ngành học.

“Có những ngành nếu điểm chuẩn luôn ở mức quá cao so với khả năng hoặc những ngành học “hot” nhưng bản thân không thật sự hiểu biết về ngành đó thì không nên chạy theo. Thí sinh cần cân nhắc dựa trên phổ điểm thi năm nay, điểm sàn và điểm chuẩn 2-3 năm gần đây của trường mình muốn vào. Thường điểm chuẩn ít có biến động lớn, chênh nhau 4-5 điểm trở lại nên các em tính toán mức chênh trong khoảng này để đặt nguyện vọng” - ông Phạm Thái Sơn nói.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM - cho rằng: thí sinh phải nắm kỹ các phương thức xét tuyển của trường mình muốn vào, kịp thời chuẩn bị những điều kiện cần và đủ tránh tình trạng “nước đến chân nhảy không kịp” sẽ mất cơ hội một cách đáng tiếc.

Khi lựa chọn ngành học nào đó, ngoài tìm hiểu ngành, thí sinh cũng nên quan tâm đến môi trường học tập, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, hoạt động sinh viên, học phí, chính sách học bổng và ưu đãi... để “liệu cơm gắp mắm”.

Đặc biệt, thạc sĩ Phùng Quán - chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) - lưu ý có tình trạng nhiều thí sinh nghĩ mình đã trúng tuyển sớm vào những trường tốp trên là đã chắc ăn.

Vì vậy khi đặt nguyện vọng, các em dành 2-3 nguyện vọng đầu để đặt thử vào các ngành, trường khác. Khi Bộ GD-ĐT khóa nguyện vọng để lọc ảo, các thí sinh này lại trúng tuyển ở những nguyện vọng đặt thử và mất cơ hội ở các phương thức xét tuyển sớm.

Ông lưu ý, việc trúng tuyển sớm chỉ là điều kiện đủ, thí sinh vẫn phải đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT. Sau đó nếu muốn được học ngành mình đã “đậu sớm” vẫn phải đặt ngành đó vào nguyện vọng 1 khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT.

Thí sinh thực hành đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 10/7

Từ ngày 10/7, thí sinh bắt đầu thực hành việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trước khi đăng ký chính thức (từ ngày 18/7 đến 17g ngày 30/7). Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - lưu ý, tất cả thí sinh nên tham gia thực hành đăng ký xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT để tập dượt trước, tránh làm sai, bỏ sót quy trình…

Năm ngoái, nhiều thí sinh còn nhầm lẫn về đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên, dẫn đến sai sót trong xét tuyển và mất nhiều thời gian công sức để giải quyết. Việc xác định khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên dựa trên nhiều văn bản và minh chứng, tới thời điểm nhập học các trường sẽ kiểm tra đối chứng hồ sơ gốc, nếu sai sẽ bị hủy kết quả.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý thí sinh nên nghiên cứu kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT và thực hiện theo đúng thời gian quy định. Khi đăng ký xét tuyển phải thực hiện đúng, đủ, hết toàn bộ quy trình để tránh những sai sót oan uổng. Nộp lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học (thực hiện trực tuyến) trên hệ thống đúng thời gian quy định.

Đối với thí sinh xét tuyển sớm, xét tuyển thẳng phải thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp các minh chứng cho cơ sở đào tạo theo đúng thời gian.

Theo Nguyễn Loan/ Phụ nữ TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Tối 8/11, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 với 3 phương thức xét tuyển.
Không dùng điểm học bạ để xét tuyển như năm trước, Trường ĐH Nha Trang chỉ xem đây là điều kiện để sơ tuyển từ năm 2025.
Năm 2025, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ sử dụng kết quả ba kỳ thi đánh giá năng lực lớn của các cơ sở đào tạo khác để tuyển sinh đầu vào.
Trường Đại học Công Thương TP.HCM dự kiến sẽ có thêm 5 tổ hợp xét tuyển mới. Trong đó, có 4 tổ hợp khối C tạo cơ hội cho các thí sinh có nền tảng về khối C tiếp cận nhiều ngành nghề khác nhau tại trường.
Sáng nay 2/11, Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) đã chính thức công bố Kế hoạch tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy (Thinking Skills Assessment -TSA) năm 2025
Bộ GD-ĐT cho biết đang đề xuất 4 phương án trong công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và đúng quy chế.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.