Tổ hợp tuyển sinh không có môn chính: Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường rà soát

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay sẽ yêu cầu các trường đại học rà soát lại việc xây dựng tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành học.

Tổ hợp tuyển sinh không có môn chính: Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường rà soát

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Vụ Giáo dục đại học dự thảo công văn yêu cầu các trường phải rà soát lại việc tuyển sinh các tổ hợp không có môn cốt lõi liên quan trực tiếp ngành học.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết tại cuộc chia sẻ với báo chí chiều nay, 3/4, liên quan đến vấn đề tuyển sinh đại học.

Cũng theo ông Sơn, các năm trước, học sinh phổ thông học tất cả các môn, nên các trường có thể tuyển tổ hợp không có môn chính, ví dụ ngành y tuyển tổ hợp Toán – Hoá – Anh thì học sinh chắc chắn vẫn học môn Sinh ở bậc trung học phổ thông.

Tuy nhiên, năm nay các em học theo chương trình giáo dục phổ thông mới và được chọn môn. Vì vậy, nếu tuyển tổ hợp Toán – Hoá – Anh thì có thể học sinh đỗ bằng tổ hợp này không học môn Sinh trong suốt ba năm cấp 3. Điều này không hợp lý.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh việc các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng phải dựa trên quy chế tuyển sinh. Quy chế không nói rõ từng ngành nào phải chọn tổ hợp nào vì có rất nhiều ngành, nhưng phải trên nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh, đó là độ tin cậy đánh giá được yêu cầu đầu vào, sự phân biệt năng lực giữa các thí sinh. Nếu như một phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển không đánh giá được kiến thức, năng lực cốt lõi dành cho ngành đào tạo thì các trường phải xem lại.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các trường hoàn toàn có thể có giải pháp để học sinh phải có kiến thức về môn nằm trong chương trình đào tạo dù môn đó không nằm trực tiếp trong tổ hợp xét tuyển như đưa ra yêu cầu về ngưỡng đầu vào với môn cốt lõi, chẳng hạn trường y muốn tuyển Toán - Hóa- Anh có thể yêu cầu học sinh phải học môn Sinh ở bậc phổ thông, đạt điểm trung bình bao nhiêu.

“Với khối ngành sức khỏe và khối sư phạm đào tạo giáo viên, Bộ sẽ đưa ra những yêu cầu về điểm ngưỡng đầu vào theo hướng này,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Hiện có nhiều trường đại học đã công bố tổ hợp xét tuyển không có môn học cốt lõi liên quan ngành đào tạo, ví dụ tuyển ngành y nhưng không xét điểm môn Sinh, đào tạo sư phạm Lịch sử nhưng tổ hợp xét tuyển không có môn Lịch sử, tuyển sinh sư phạm Vật lý nhưng không xét điểm môn Vật lý... Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo đại học./.

Theo Phạm Mai/ Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Nhiều thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT cho biết đã được đăng ký thi để xét tuyển vào ĐH năm nay theo chương trình cũ, không còn bị từ chối như vài ngày trước.
Mùa tuyển sinh đại học năm nay, một số trường đại học Hà Nội chính thức bỏ phương thức xét tuyển kết hợp bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đại học tổ chức...
Năm 2025, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có những thay đổi đáng chú ý trong xét tuyển sinh ĐH như: bỏ hẳn xét tuyển khối C, thêm tổ hợp có môn tin học, chia theo nhóm ngành, cách quy đổi điểm các chứng chỉ ngoại ngữ..
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra với 4 môn với 2 hai môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn còn lại nằm trong các môn được học ở lớp 12, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Đây là một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay và thí sinh cần đặc biệt lưu ý về 2 môn tự chọn này.
Tính đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2025.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT trong ngày đầu tiên đăng ký dự thi, tính đến 17 giờ ngày 21.4, tổng số thí sinh đăng ký dự thi chính thức là 285.631 người, trong đó thí sinh tự do chiếm tỷ lệ 2,9%.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề