“Tiếp bước trường thi” tỉnh Trà Vinh: Ngành “hot” cạnh tranh cao

Chương trình có sự tham dự của bà Tăng Thị Ngọc Mai (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh; ông Phan Việt Kha (Trưởng Phòng giáo dục dân tộc-Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh).

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Trà Vinh và Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh tổ chức. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là những đơn vị đồng hành.

Thông tin về xu hướng lựa chọn ngành nghề, ThS. Nguyễn Hứa Duy Khang (Phó Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, thông qua các phương thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ nói chung và Trường ĐH Cần Thơ nói riêng, đa phần thí sinh đều có xu hướng tập trung vào những ngành “hot”, dễ tìm việc làm. Các em tập trung vào những nhóm ngành về kinh tế, kinh doanh, quản lý, ngân hàng, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn… trong khi ngành “hot” có mức độ cạnh tranh lớn.

ThS. Khang cho rằng, thực tế không có ngành nào dễ tìm việc làm, bởi mỗi khu vực sẽ có những lợi thế khác nhau. Ví dụ, khu vực Bình Dương hoặc TP.HCM là những địa phương có công nghiệp phát triển mạnh. Vì vậy những ngành liên quan công nghiệp, dịch vụ cần nhiều nhân lực. Trong khi đó, tỉnh Trà Vinh cũng như những địa phương lân cận như Vĩnh Long, Bến Tre… lại cần nhiều nhân lực về nông nghiệp, thủy sản. “Khó nhận định được sự chuyển dịch việc làm trong thời gian tới. Tuy nhiên, những ngành được cho là “hot”, được nhiều thí sinh lựa chọn sẽ rất nhiều nhân lực trong thời gian tới. Và những ngành về nông nghiệp, thủy sản, sản xuất, chế biến, kỹ thuật… sẽ thiếu nhân lực. Cho nên, khi lực chọn nghề nghiệp, các em có thể dựa vào tiêu chí ngành “hot”, dễ tìm việc nhưng cũng nên quan tâm đến nhu cầu của địa phương cũng như mong muốn, sở thích của bản thân”, ThS. Khang lưu ý.

Trong khi đó, ThS. Ngô Thị Xuân (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng) cho hay, hiện nay nhóm ngành về kinh doanh, quản lý cũng được nhiều thí sinh lựa chọn, bao gồm các ngành như: Tài chính ngân hàng; quản trị kinh doanh; maketing; quản lý nhà hàng, khách sạn; giáo dục xây dựng; văn phòng hành chính.

Thế mạnh của Trường ĐH Ngân hàng đào tạo nhóm ngành về quản lý, kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế tài chính. Ngành này được sinh viên quan tâm nhiều nhưng mức độ cạnh tranh khá cao. “Bất cứ ngành nghề nào cũng có sự cạnh tranh, trong đó ngành về quản lý, kinh doanh mức độ cạnh tranh cao. Tuy nhiên, khi các em yêu thích phải đặt ra mục tiêu phù hợp với năng lực, tài chính cũng như lựa chọn chương trình chọn phù hợp”, ThS Xuân lưu ý đến học sinh.

Trước nhiều thông tin về ngành nghề, một học sinh thắc mắc: “Em muốn học ngành Quản trị kinh doanh nhưng không biết ra trường sẽ làm những công việc gì, ở đâu?”. ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính) cho biết, đây là ngành tổng hợp và có số lượng sinh viên đăng ký vào các trường ĐH cao nên sức cạnh tranh rất cao. Khi lựa chọn ngành này, sinh viên sẽ được học về quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính, quản trị ngoại thương, marketing… Sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm rộng mở. Theo đó, sinh viên có thể làm chuyên viên về kinh doanh thương mại, tổ chức sự kiện, các hoạt động về nhân sự, chăm sóc khách hàng, phân tích thị trường... Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể làm việc liên quan đến vận chuyển, vận tải, xuất nhập khẩu, các dự án khởi nghiệp, chuỗi hàng không. Tuy nhiên, người học ngành này phải năng động, nhạy bén, tư duy quyết đoán. “Đối với Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, năm 2022 thí sinh có thể sử dụng các tổ hợp môn: Toán, Lý, Hóa; Toán, Lý, Anh; Toán, Văn, Anh và Văn, Sử, Địa để xét tuyển. Trường chúng tôi có 3 “đặc sản” đó là ngoại ngữ; chương trình quốc tế và dịch vụ chăm sóc sinh viên từ lúc thực tập đến khi tìm được việc làm. Do đó, sinh viên có mong muốn học tập tại trường có thể đăng ký xét tuyển, đảm bảo sinh viên ra trường có công việc tốt, mức lương hấp dẫn”, ThS. Nguyên khẳng định.

Giúp học sinh tránh nhầm lẫn giữa các ngành nghề, ThS. Trần Vũ (Trưởng phòng thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tư nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết, các em học sinh hay băn khoăn khi đặt bút lựa chọn những ngành có những tên gọi giống nhau. Chẳng hạn ngành hóa học; công nghệ kỹ thuật hóa học và ngành kỹ thuật hóa học. Để phân biệt, các em có thể dựa trên đối tượng nghiên cứu của những ngành này. Ví dụ những ngành có chữ “học” như: hóa học, vật lý học hay toán học gọi chung là những ngành khoa học (Giải quyết những vấn đề trong thế giới tự nhiên mà con người chưa khám phá hoặc muốn kiểm chứng). Những ngành có chữ “công nghệ” gọi chung là công nghệ (tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu con người). Còn những ngành có chữ “kỹ thuật” là ngành kỹ thuật (quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất).

Tham dự chương trình, bà Tăng Thị Ngọc Mai (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh) khẳng định, chương trình “Tiếp bước trường thi” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành của mỗi thí sinh, mỗi gia đình qua mỗi kỳ thi. Thành công của chương trình không chỉ thể hiện qua nội dung thông tin phong phú, kịp thời và sử dụng phương tiện truyền thông linh hoạt, tạo cầu nối giữa các trường ĐH, CĐ với học sinh, phụ huynh mà còn mang đến những thông tin mới nhất từ nhu cầu thị trường lao động thuộc các lĩnh vực khác nhau đến những lời khuyên về cách học, cách làm bài thi đạt kết quả cao. “Tôi hy vọng qua chương trình này cùng sự tham gia tư vấn của các thầy cô là các chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ sẽ hỗ trợ nhiều thông tin đến các em, giúp các em nắm vững quy chế, quy định về kỳ thi và đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực, nguyện vọng của các em…”, bà Mai chia sẻ.

PV

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, dù cách thức tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH cơ bản giữ ổn định nhưng vẫn có nhiều điểm mới thí sinh cần lưu ý. Đáng chú ý là việc mở thêm các ngành đào tạo mới thích ứng với nhu cầu xã hội.
“Với phương thức thi 2+2, quan niệm về khối thi truyền thống không còn nữa. Cho nên các trường đại học nếu tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ phải chọn các tổ hợp khác”- GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nói.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT),
Bộ GD-ĐT đã công bố phương án chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn được lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).
Hôm qua, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, (chương trình giáo dục phổ thông 2018). Đại diện các trường đại học (ĐH) khẳng định những thay đổi của kì thi tốt nghiệp không ảnh hưởng đến tuyển sinh. Vì hiện nay các trường đều đa dạng hóa các phương thức xét tuyển.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn thí sinh được lựa chọn.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề