“Tiếp bước trường thi” tỉnh Tây Ninh: Cần rất nhiều nhân lực ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Đây là thông tin của các chuyên gia trong chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022 “Tiếp bước trường thi” vừa diễn ra tại tỉnh Tây Ninh. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức với sự phối hợp của Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh và tỉnh đoàn Tây Ninh. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) là những đơn vị đồng hành.

Chương trình có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Phước (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh); ông Trương Công Thức (Chánh văn phòng, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh); ông Nguyễn Kim Quang (chuyên viên Phòng Giáo dục THCN Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh); bà Lại Đỗ Vi Phương (Giám đốc Trung tâm Học tập, Sinh hoạt Thanh thiếu nhi tỉnh Tây Ninh); Nhà báo Trần Ngọc An (Trưởng ban Trị sự Tạp chí Giáo dục TP.HCM).

Nên dựa vào thế mạnh địa phương

Trước nhiều thắc mắc của học sinh về ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, PGS-TS Lê Văn Bách (Trưởng khoa công trình Phân hiệu ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM) thông tin, đây là ngành truyền thống của nhà trường. Những năm trước đây, ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông tuyển sinh đều đặn. Năm nay, vì nhu cầu xã hội cao nên nhà trường tăng số lượng tuyển sinh lên tới 220 chỉ tiêu (cao nhất trong 18 ngành của trường), trong đó xét bằng phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 130 chỉ tiêu; học bạ 80 chỉ tiêu và 10 chỉ tiêu cho phương thức dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG. “Để phát triển kinh tế cho một địa phương hay một quốc gia, hạ tầng giao thông vận tải đi trước, kinh tế mới phát triển. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, hạ tầng giao thông so với các tỉnh lân cận như: TP.HCM; Bình Dương… còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, hiện tại Chính phủ đã phê duyệt dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (cửa khẩu đi qua Campuchia) dự kiến có tổng mức đầu tư gần 16 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh còn nhiều dự án giao thông khác. Trước sự phát triển đó, tỉnh Tây Ninh rất cần nguồn nhân lực cho ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Vì vậy, những học sinh có quan tâm và mong muốn học ngành này có thể lựa chọn”, PGS-TS Bách cho hay.

Trong chương trình, một học sinh có mong muốn mở trang trại chăn nuôi nhưng không biết nên học ngành thú y hay chăn nuôi, ThS. Võ Ngọc Nhơn (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho rằng, tỉnh Tây Ninh có lợi thế lớn vì nằm sát khu vực TP.HCM, nên những ngành về nông nghiệp, chăn nuôi có lợi thế phát triển để cung ứng sản phẩm cho thị trường. Ngành thý y hay chăn nuôi là những ngành liên quan đến động vật. Điểm khác, sinh viên học ngành thú y sẽ được đào tạo những kiến thức liên quan đến phòng, khám và chữa bệnh cho động vật. Khi tốt nghiệp, người học có thể làm bác sĩ thú y, làm việc tại các phòng khám, bệnh viện thú y, trung tâm chăm sóc sức khỏe bảo tồn động vật… Trong khi đó, ngành chăn nuôi đào tạo những kiến thức về việc tổ chức, quản lý hệ thống chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó còn được học kiến thức về chuồng trại, con giống, dinh dưỡng. Ra trường, sinh viên có thể trở thành những kỹ sư chuyên trách tại các cơ sở chăn nuôi, sản xuất con giống, làm việc tại các sở, ban, ngành, phòng nghiên cứu hoặc tự mở trang trại chăn nuôi. “Với học sinh có mong muốn sau này về quê mở trang trại chăn nuôi có thể học ngành chăn nuôi. Năm 2022, chúng tôi xét tuyển 59 ngành, trong đó có ngành chăn nuôi. Học sinh có nhu cầu có thể xét tuyển để theo đuổi đam mê, sau này về đóng góp cho địa phương”, ThS. Nhơn gợi ý.

Học CĐ rút ngắn thời gian

Để học sinh rõ hơn về cách xét tuyển vào CĐ, ThS. Nguyễn Thành Nhơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn) cho biết, để xét tuyển vào CĐ, thí sinh hoàn thành chương trình lớp 12 có thể nộp phiếu đăng ký xét tuyển, lý lịch theo mẫu, bảng sao học bạ, bảng sao giấy khai sinh, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ảnh 3x4. Sau khi nhận được hồ sơ, nhà trường sẽ thông báo cho thí sinh trúng tuyển.

Theo ThS. Nhơn, các chương trình bậc CĐ khác với bậc ĐH. Theo đó, sinh viên bậc CĐ học 70% thực hành, 30% lý thuyết. Theo Nghị định 81 về phân luồng học sinh sau THCS, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vẫn có thể nộp hồ sơ học CĐ và học song song giữa văn hóa và học nghề. “Hiện nay, tại Việt Nam đang xảy ra tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Do đó, CĐ hay TC là con đường giúp học sinh có thể nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động cũng như có thể bắt kịp xu thế trong thị trường lao động, nhất là thị trường lao động chất lượng cao mà các trường danh liên kết với doanh nghiệp để cung cấp cho thị trường”, ThS. Nhơn cho biết.

Nói về nhóm ngành sức khỏe TS. Trần Mạnh Thành (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nova) thông tin, ngành này bậc CĐ có quy định chất lượng đầu vào. Tùy mỗi ngành, ngưỡng đầu vào khác nhau. Những thí sinh có mong muốn vào những ngành như: Điều dưỡng; xét nghiệm có thể tham khảo những trường CĐ có đào tạo. “Qua dịch Covid-19, chúng ta càng thấy vai trò của nhóm ngành sức khỏe vô cùng quan trọng. Cho nên, những học sinh có mong muốn học khối ngành sức khỏe phải xem bản thân có yêu thích, quyết tâm với ngành mà mình lựa chọn hay không để vượt qua những khó khăn trong quá trình học”, TS. Thành khuyên.  

Phát biểu trong chương trình, ông Nguyễn Văn Phước (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh) đánh giá cao chương trình “Tiếp bước trường thi” trong công tác hướng nghiệp, tuyển sinh. Chương trình đã góp phần hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp, chọn trường, chọn ngành cho hàng ngàn học sinh của tỉnh mỗi năm. “Thành công của chương trình ở thông tin phong phú, kịp thời, sử dụng phương tiện truyền thông linh hoạt, tạo cầu nối thông tin hữu hiệu giữa các trường ĐH, CĐ với học sinh và các bậc phụ huynh. Đặc biệt, chương trình còn mang đến những thông tin mới nhất về thị trường lao động ở các lĩnh vực, lười khuyên về cách học, cách làm bài thi đtạ kết quả cao…”, ông Phước nhấn mạnh.

PV

Tin cùng chuyên mục

Ngày 23/4, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Gia Định TP.HCM công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đối với 53 ngành/chuyên ngành trong đợt tháng 4/2024.
Đa số các trường đại học tại TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 600-700 điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thang điểm tối đa là 1.200.
Năm nay, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng để xét tuyển vào 105 cơ sở đào tạo ĐH và CĐ trong cả nước. Thí sinh xét tuyển bằng phương thức này cần lưu ý những quy định khác nhau về điểm sàn, quy định riêng của các trường và các ngành.
Bộ Công an đã có thông báo về phương án đổi mới công tác tuyển sinh văn bằng 2. Theo đó, phương án đổi mới được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2024 - 2025 và từ năm 2026 trở đi.
Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 chưa diễn ra, việc đăng ký xét tuyển sớm nhằm tìm một tấm vé an toàn vào đại học là xu hướng nhiều thí sinh lựa chọn. Và nắm chắc thời gian đăng ký xét tuyển sớm của các trường là yếu tố đầu tiên thí sinh cần chuẩn bị cho cơ hội trúng tuyển sắp tới.
Điểm sàn cao nhất xét tuyển vào ĐH Kinh tế TP.HCM là 730 điểm, theo kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1 năm 2024.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề