“Tiếp bước trường thi” Lâm Đồng: Nhóm ngành sư phạm và sức khỏe do Bộ GD-ĐT quy định điểm ngưỡng chất lượng đầu vào.

Chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022 “Tiếp bước trường thi” vừa diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng. Trong chương trình, các chuyên gia đã thông tin cụ thể cho các em học sinh về nhóm ngành sư phạm và sức khỏe. Đây là 2 nhóm ngành đặc thù, có điểm đầu vào cao, do Bộ GD-ĐT quy định.

Ban tư vấn

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức với sự phối hợp của Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Lâm Đồng, Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) là những đơn vị đồng hành.

Lưu ý điểm chuẩn

TS. Trần Hữu Duy

TS. Trần Hữu Duy (Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Đà Lạt) cho biết, theo thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT, năm 2022 có sự thay đổi, các em sẽ đăng ký xét tuyển ĐH sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, học sinh sẽ không được đăng ký xét tuyển trước thời điểm thi tốt nghiệp cũng như không có phần điều chỉnh nguyện vọng. Các em có mong muốn xét tuyển vào nhóm ngành sư phạm, sức khỏe phải chú ý. Đối với phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn. Với những trường kết hợp phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ, điểm trung bình các môn thi trong tổ hợp xét tuyển phải từ 8 điểm trở lên. Những trường chỉ sử dụng học bạ, thí sinh có điểm học lực lớp 12 đạt loại giỏi hoặc điểm thi tốt nghiệp từ 8 điểm. Ở phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực hoặc kỳ thi riêng, thí sinh phải theo dõi kỹ thông tin các trường để nắm rõ điểm chất lượng đầu vào. Riêng các ngành sư phạm, nhà nước có chính sách sinh hoạt phí hàng tháng cũng như miễn học phí. “Các trường cân đối số lượng tuyển sinh. Các em dựa vào điểm thi tốt nghiệp và chỉ tiêu các trường xét tuyển để có xác suất trúng tuyển cao. Năm 2022, Trường ĐH Đà Lạt tuyển sinh 41 ngành, trong đó có 9 ngành sư phạm và 1 ngành mới là hóa dược. Nhà trường tuyển sinh 3 phương thức: sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, dựa vào học bạ và kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG”, TS. Duy thông tin.

ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung

Trong khi đó, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), khẳng định, nhóm ngành khoa học sức khỏe là nhóm ngành đặc thù và quan trọng trong đời sống. Do đó, trong 59 ngành đào tạo, nhà trường rất đầu tư cho nhóm ngành sức khỏe. Ngoài các ngành sức khỏe đã được đào tạo, năm nay trường còn có thêm 2 ngành mới là ngành điều dưỡng và xét nghiệm y học. “Đối với nhóm ngành này, khi đăng ký, các em cần lưu ý, mức điểm sàn do Bộ GD-ĐT công bố. Trong những năm gần đây, mức điểm sàn của nhóm ngành khoa học sức khỏe từ 19-22 điểm. Điển hình như trong năm 2021, các ngành như: y đa khoa; răng hàm mặt có mức điểm sàn 22 điểm. Các ngành về dược; y học cổ truyền khoảng 21 điểm. Những ngành còn lại như: điều dưỡng; kỹ thuật xét nghiệm y học; kỹ thuật về hình ảnh y học hay kỹ thuật phục hồi chức năng; hộ sinh 19 điểm”, ThS. Dung cho biết.

Môi trường làm việc đa dạng

Ban Tư vấn

Trong chương trình tư vấn, một học sinh bày tỏ: “Em muốn nghiên cứu về môi trường. Vậy em nên học khoa học môi trường hay ngành công nghệ kỹ thuật môi trường”. Giải đáp cho em, TS. Trần Hữu Duy (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt) cho rằng, vấn đề môi trường hiện nay rất nóng, nhận được sự quan tâm không chỉ của đất nước mà còn là toàn cầu. Vấn đề môi trường rất quan trọng và cấp bách, nhu cầu nguồn nhân lực rất cần thiết. Ngành khoa học môi trường đào tạo kiến thức chuyên sâu về quản lý môi trường để phát hiện, giải thích, nghiên cứu, đánh giá và giải quyết các vấn đề về môi trường và an toàn lao động. Trong khi đó, ngành công nghệ kỹ thuật môi trường thiên về tính thực tiễn, đào tạo nhân lực nắm vững nguyên lý, thiết kế, thi công, vận hành, cải tạo các công trình về xử lý chất thải, tái chế chất thải phục hồi môi trường. “Khi học lĩnh vực tự nhiên, sinh viên phải có năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên, nền tảng kiến thức về hóa, lý, sinh… Riêng ngành khoa học môi trường hay ngành công nghệ kỹ thuật môi trường không bắt buộc người học phải quá giỏi nhưng phải có nền tảng về khoa học tự nhiên và xã hội. Bởi mỗi vùng miền có văn hóa, phong tục, tập quán khác nhau, các em muốn giải quyết về vấn đề môi trường phải biết về con người của địa phương đó và kiến thức về xã hội sẽ đáp ứng được điều đó”, TS. Duy cho hay.

ThS. Mai Thị Ngọc Huyền

Chia sẻ trong chương trình, ThS. Mai Thị Ngọc Huyền (Phòng tuyển sinh và truyền thông Trường Yersin Đà Lạt) cho biết, có rất nhiều học sinh hỏi khi học tại Đà Lạt có thể đi làm ở thành phố khác được không. Điều này các em học sinh an tâm, hàng năm, các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Trường Yersin Đà Lạt đều có thể đi làm ở nhiều môi trường khác nhau. “Mục tiêu đào tạo của trường giúp sinh viên trở thành công dân toàn cầu, đủ ngoại ngữ, kiến thức, tư duy, kỹ năng để tự tin hội nhập, sẵn làm làm việc bất cứ đâu”, ThS. Huyền cho biết.

PV

Tin cùng chuyên mục

Nhiều ý kiến xung quanh việc tuyển sinh đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ; thậm chí có phụ huynh lo ngại sẽ bỏ xét tuyển đại học bằng IELTS như tuyển sinh lớp 10. Theo các chuyên gia, xu hướng chung thì sẽ không trường đại học nào bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Trong năm 2024, có hơn 100 trường đại học công bố tuyển sinh bằng học bạ. Trong đó, nhiều trường đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe tiếp tục tuyển sinh bằng học bạ, áp dụng ở một số ngành.
Qua nhiều mùa tuyển sinh đại học (ĐH), các chuyên gia cho biết do đăng kí trực tuyến nên thí sinh rất dễ mất cơ hội vì những sai sót nhỏ khi đăng kí xét tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Ngày 22.3, Bộ GD-ĐT công bố một loạt văn bản quan trọng về thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong đó có hướng dẫn tổ chức kỳ thi, lịch thi; đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Ban Tuyển sinh Quân sự, Bộ Quốc phòng vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự năm 2024.
Bộ GD-ĐT vừa công bố 15 đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 làm tài liệu cho giáo viên và học sinh tổ chức ôn tập.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề