Thu hút thí sinh đăng ký học nghề

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đến gần. Việc lựa chọn ngành, nghề cho tương lai rất quan trọng với học sinh. Vì thế, nhiều trường nghề trên địa bàn TPHCM đang đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi về học bổng, cơ hội việc làm để thu hút thí sinh đăng ký học nghề.

Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức trong giờ thực hành

Thêm nhiều ngành học mới

Bước vào mùa tuyển sinh 2023, nhiều trường nghề đã công bố chỉ tiêu xét tuyển khá cao, phương thức xét tuyển đa dạng. Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng là một trong những trường có chỉ tiêu xét tuyển cao, với 8.675 chỉ tiêu (hệ cao đẳng và trung cấp). Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng dự kiến xét tuyển 4.500 chỉ tiêu cho 18 ngành nghề. Ngoài 2 phương thức xét học bạ (60%) và kết quả thi tốt nghiệp THPT (35%), trường còn xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. Các ngành có chỉ tiêu cao là Công nghệ kỹ thuật điện - Điện tử (620 chỉ tiêu), Công nghệ kỹ thuật cơ khí và Công nghệ kỹ thuật ô tô (mỗi ngành tuyển 440 chỉ tiêu).

Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM dự kiến xét tuyển 2.480 chỉ tiêu, trong đó những ngành thuộc khối kinh tế chiếm lượng chỉ tiêu đáng kể. Nhiều nhất là ngành Quản trị kinh doanh (650 chỉ tiêu); kế đó là ngành Kế toán (400 chỉ tiêu), ngành Kinh doanh thương mại (145 chỉ tiêu); các ngành còn lại dự kiến xét tuyển từ 60-210 chỉ tiêu. Trường xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập cả năm lớp 12. Tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, nhà trường dự kiến xét tuyển 3.650 chỉ tiêu cho 26 ngành như: Chế tạo thiết bị cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Điện công nghiệp và dân dụng… Riêng ngành Công nghệ thông tin có sự gắn kết với doanh nghiệp và một trường cao đẳng của Nhật Bản nên sinh viên sẽ được hỗ trợ chi phí 5.000 yên/tháng trong 3 năm học, sau khi tốt nghiệp được đảm bảo 100% có việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, xu hướng nghề nghiệp, một số trường nghề đã mở thêm ngành mới. Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức mở thêm 2 ngành học mới là Marketing và Điện công nghiệp (chương trình chất lượng cao, chuyển giao từ CHLB Đức); mỗi ngành dự kiến xét tuyển 50 chỉ tiêu, phương thức xét tuyển bằng học bạ (đã nhận hồ sơ từ ngày 1-3). Tương tự, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn mở thêm 16 ngành mới, với các phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp của năm lớp 12 (đạt từ 6,0 trở lên); riêng nhóm ngành sức khỏe, thí sinh phải đạt học lực từ loại khá trở lên. Ông Nguyễn Hoàng Tiến, Phó Giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, cho hay, những ngành dự kiến mở mới này sát với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động hiện nay, nhất là ở nhóm ngành chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp - khi người dân đã chú ý nhiều đến sức khỏe và nhu cầu bác sĩ gia đình tăng cao.

Liên kết đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp

Theo PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, hiện trường đang triển khai tuyển sinh trên các nền tảng kỹ thuật số, song song với việc tổ chức tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại trường và các điểm trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM cũng như các tỉnh, thành khác. Để thu hút người học nghề, trường có nhiều chính sách hỗ trợ học bổng, miễn giảm học phí cho học viên, sinh viên, đặc biệt là các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; sinh viên khuyết tật; sinh viên không có nguồn nuôi dưỡng, thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định (mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa); học viên, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; bộ đội xuất ngũ…

TS. Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TPHCM, cũng cho biết, nhằm tuyển đủ 4.810 chỉ tiêu, nhà trường có nhiều chính sách ưu đãi về học phí cho thí sinh đăng ký học hệ trung cấp và một số nghề. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chương trình học tập gắn với thực tập tại doanh nghiệp, rèn luyện kỹ năng, nhà trường ký kết với 100 doanh nghiệp và mời họ tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Ngay tại lễ tốt nghiệp, nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, vấn đề được các trường quan tâm hàng đầu là đảm bảo việc làm cho sinh viên, học viên khi tốt nghiệp. “Thu hút người học là một việc, nhưng để phụ huynh và học sinh tin tưởng, trong công tác đào tạo, nhà trường luôn gắn chặt với doanh nghiệp. Rất mừng là hiện chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của trên 50 doanh nghiệp, nên nhân lực do trường đào tạo không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn cung ứng cho thị trường nước ngoài, nhất là thị trường Đức. Có lớp vừa tốt nghiệp xong thì tất cả học sinh trong lớp được nhận sang Đức làm việc”, ThS Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, chia sẻ. Theo ThS Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, năm nay trường tuyển sinh 400 chỉ tiêu hệ 9+ (trung cấp chính quy học tại trường) và 600 chỉ tiêu học tại các cơ sở liên kết với 16 ngành nghề đào tạo. Trong lĩnh vực đào tạo chăm sóc sắc đẹp, thông qua hệ thống các cơ sở spa, thẩm mỹ viện trên toàn quốc có liên kết với trường, người học được tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia, nhà tuyển dụng, có cơ hội tiếp cận công nghệ mới và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc các trường mở những ngành học mới là xu hướng tất yếu hiện nay, khi cơ cấu kinh tế đã và đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, sự phát triển ngành nghề trong xã hội ngày càng đa dạng hơn. Điều quan trọng là cần tăng cường quản lý, kiểm định chất lượng các ngành nghề mới được mở ra. Bên cạnh cơ chế chính sách ưu đãi về học bổng, miễn 100% học phí học nghề, ký túc xá miễn phí…, điều cốt lõi để người học tin tưởng chọn học nghề vẫn là đảm bảo việc làm cho các em đúng như cam kết.

QUANG HUY/SGGP

Tin cùng chuyên mục

Các trường nghề tại TP HCM mở thêm những ngành học "hot" để bắt kịp xu hướng với hy vọng thu hút thí sinh học nghề
Đại biểu Quốc hội đề xuất giảm tỷ lệ phân luồng học sinh học nghề sau bậc THCS vì điều này gây sức ép rất lớn cho học sinh lớp 9. Các chuyên gia, nhà giáo cho rằng, học sinh không muốn học nghề sẽ có các lựa chọn khác. Điều cần thiết là thành phố lớn xây thêm trường công lập ở bậc THPT để giảm áp lực chi phí học tập của người dân.
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.
Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến có nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho hay, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng (năm 2023) có việc làm sau khi ra trường đạt 90,16%; trung cấp là 84,26%.
Sở GD-ĐT TPHCM triển khai thí điểm để trường cao đẳng và Trung tâm GDNN - GDTX hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh trường THPT.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.