Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Băn khoăn xây dựng ngân hàng đề thi mới

Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục bày tỏ lo ngại khi thời gian thực hiện đổi mới thi Tốt nghiệp THPT chỉ còn 2 năm là rất gấp gáp trong khi Bộ GD&ĐT phải xây dựng ngân hàng đề đảm bảo khách quan, tin cậy.

Chưa kể đề thi, phương án thi phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó hướng đến đánh giá năng lực học sinh.

Theo Dự thảo phương án thi Tốt nghiệp từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT lấy ý kiến chuyên gia, nhà giáo đến ngày 17/5, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức một kỳ thi chung cho học sinh toàn quốc để xét tốt nghiệp THPT và lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ. Trong đó, học sinh sẽ thi 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn. Kỳ thi vẫn được giao cho các địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm toàn diện, Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi.

Học sinh phải đổi mới cách học khi Kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ 2025 có nhiều đổi mới. Ảnh: Quỳnh Anh

Một số ý kiến cho rằng, điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ 2025 phải phù hợp với học sinh học chương trình mới.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nói rằng, mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới là hướng đến hình thành năng lực, phẩm chất của từng học sinh như: yêu nước, trung thực, chăm chỉ, trách nhiệm, tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo. Tuy nhiên, trong phương án đổi mới thi từ năm 2025 không có nhiều đổi mới. Với phương châm thi gì học nấy như lâu nay, chương trình hướng đến năng lực riêng của từng cá nhân nhưng vẫn tổ chức 1 cuộc thi chung toàn quốc, mỗi thí sinh thực hiện 6 bài thi các môn thì ngay từ bây giờ học sinh sẽ xác định chỉ tập trung vào các môn để thi. Nhà quản lý giáo dục nên tính toán phương án thi phù hợp hơn với mục tiêu của chương trình, chú ý đến sự phân hoá năng lực học sinh.

Lo ngại ngân hàng đề thi

Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), bà Văn Liên Na, cũng cho rằng, nếu đổi mới thi, Bộ GD&ĐT chỉ nên tổ chức kỳ thi chung nhằm lấy điểm xét tốt nghiệp và giao cho các trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng. Như vậy, kỳ thi chung sẽ đơn giản, nhẹ nhàng đối với học sinh. Hiện nay, dù Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp rầm rộ nhưng nhiều trường đã có phương thức tuyển sinh riêng. Đa số học sinh của nhà trường hiện đã tham gia song song 2 kỳ thi gồm đánh giá năng lực và thi tốt nghiệp. Kết quả cho thấy, trường ĐH có phương thức đánh giá sát năng lực của học sinh hơn. “Ngoài ra, khi thực hiện chương trình mới, Bộ GD&ĐT cũng nên tính đến các yếu tố đánh giá khả năng, năng lực riêng biệt của từng học sinh. Ví dụ, một học sinh biết làm việc nhóm, làm dự án, tham gia nhiều hoạt động xã hội sẽ nổi trội hơn em cặm cụi học. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của chương trình mới là phát huy năng lực của từng học sinh”, bà Na nói.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), lại cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn nên là kỳ thi quốc gia và Bộ vẫn nên chỉ đạo chung, thanh tra, giám sát, ra đề thi. Vì nếu giao tất cả cho địa phương tổ chức hoàn toàn sẽ khó kiểm soát chất lượng, thậm chí có tiêu cực như gian lận thi năm 2018. Về nội dung các môn thi, khi đổi mới, số môn thi cũng cần thay đổi, phù hợp với chương trình mới làm sao đánh giá toàn diện, chặt chẽ hơn. Vì một kỳ thi để xét tốt nghiệp mà 99,9% học sinh đỗ thì công tác tổ chức vất vả, tốn kém không có ý nghĩa.

TS Khuyến cho rằng, điều quan trọng là Bộ GD&ĐT phải xây dựng được ngân hàng đề thi đa dạng, tin cậy. Muốn đạt được điều đó, đề thi phải có thời gian chuẩn bị và thử nghiệm trên hàng triệu học sinh, chứ không phải từ những cái “vỗ trán” của chuyên gia. “Trên thực tế, để thực hiện được có lẽ còn gian nan bởi vì sách giáo khoa của chương trình mới thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, năm này viết sách cho năm học tới. Hằng năm cứ đến dịp hè, các địa phương mới tập huấn sách cho giáo viên dạy chương trình mới. Như vậy, liệu có đủ thời gian để đội ngũ bổ sung câu hỏi vào ngân hàng đề và thử nghiệm theo chương trình mới hay không?”, TS Khuyến đặt câu hỏi.

Bộ GD&ĐT cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi từ năm 2025, ngân hàng câu hỏi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực. Cụ thể, Bộ cần chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 17 môn.

Theo Hà Linh/ TPO

Tin cùng chuyên mục

Nhóm ngành công nghệ thông tin có rất nhiều trường đại học đào tạo. Học phí các trường có sự chênh lệch rất lớn.
Từ ngày 24 - 28/4, Bộ GD-ĐT tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng kí dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng kí dự thi chính thức từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Kết quả của đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được công bố vào đúng một tuần sau khi thi, tức ngày 15-4.
Sau 17 năm thực hiện chuyển đổi từ mô hình trường ĐH dân lập sang trường ĐH tư thục, Trường ĐH dân lập công nghệ Sài Gòn đã nhận được quyết định công nhận trở thành Trường ĐH tư thục Công nghệ Sài Gòn.
Sáng 7/4, hơn 95.000 thí sinh chính thức bước vào kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM. Đây là đợt thi có số thí sinh đông nhất trong lịch sử kỳ thi này.
Bộ Y tế vừa có dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe với những nội dung về chương trình đào tạo, học phí, văn bằng...
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề