Thí sinh trúng tuyển đại học được xác định như thế nào?

Từ 17 giờ ngày 17-8, các cơ sở đào tạo đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển đại học chính thức năm 2024.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, sau khi thí sinh trên cả nước hoàn tất thời gian đăng ký và thanh toán lệ phí nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH) và xét tuyển cao đẳng ngành giáo dục mầm non, từ 8 giờ ngày 12-8 đến 16 giờ ngày 17-8, Bộ GD&ĐT cùng với các cơ sở đào tạo ĐH sẽ bắt đầu quy trình xử lý nguyện vọng xét tuyển.

Số nguyện vọng này đã được thí sinh đăng ký và sắp xếp trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian từ 18-7 đến 31-7 vừa qua. Những nguyện vọng này dành cho những thí sinh muốn xét tuyển vào ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc đã trúng tuyển sớm ở các phương thức khác trước đó. Khi đăng ký, mỗi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến hết.

Theo đó, quá trình lọc ảo này sẽ diễn ra trong sáu lần. Ở mỗi lần lọc ảo, phần mềm xét tuyển sẽ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển đại học dự kiến mà trường gửi lên hệ thống.

Căn cứ dữ liệu này, các trường sẽ điều chỉnh điểm chuẩn trúng tuyển đại học và danh sách thí sinh cho sát với chỉ tiêu, rồi tải lên hệ thống để tiếp tục lọc.

Lần lọc ảo thứ sáu sẽ hoàn thành vào 16 giờ ngày 17-8. Sau đó, các cơ sở đào tạo sẽ tải kết quả về và chuẩn bị cho việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển.

Thời gian công bố điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT và danh sách thí sinh trúng tuyển đại học chính thức năm 2024 sẽ bắt đầu từ 16 giờ ngày 17-8 đến chậm nhất là 17 giờ ngày 19-8.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 19-8

Trong quá trình lọc ảo này, Bộ GD&ĐT lưu ý bộ chỉ hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo trong việc xử lý nguyện vọng xét tuyển với tất cả các phương thức để lọc ảo (loại bỏ thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng thấp hơn vào cơ sở đào tạo khác) chứ không có chức năng điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn của các trường.

Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo tuyệt đối tuân thủ và thống nhất quy định về danh sách thí sinh trúng tuyển đại học. Sau khi bộ thực hiện xử lý nguyện vọng lần cuối vào ngày 17-8, hệ thống sẽ gửi trả về danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Các cơ sở đào tạo tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách này.

Bên cạnh đó, sau khi hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT lọc ảo và trả kết quả điểm chuẩn, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải quy định tất cả thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại trường. Thời gian xác nhận nhập học trực tuyến chậm nhất đến 17 giờ ngày 27-8.

“Các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 19-8 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 27-8 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài)” – Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay có hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH và xét tuyển CĐ ngành giáo dục mầm non (tương đương 68,5% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024).

Theo Bộ GD&ĐT, đây cũng là năm có số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH cao nhất trong ba năm qua.

Ở 24 lĩnh vực với 400 ngành đào tạo, số thí sinh đăng ký nhiều nhất vào sáu khối ngành, lần lượt là kỹ thuật công nghệ, máy tính, công nghệ thông tin, sư phạm, nhân văn, sức khỏe. Trong đó, khối ngành khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh nhất so với năm 2023 với mức tăng 85% (tương đương tăng khoảng 200.000 nguyện vọng).

Theo Phạm Anh/ Pháp luật TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Nhiều thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT cho biết đã được đăng ký thi để xét tuyển vào ĐH năm nay theo chương trình cũ, không còn bị từ chối như vài ngày trước.
Mùa tuyển sinh đại học năm nay, một số trường đại học Hà Nội chính thức bỏ phương thức xét tuyển kết hợp bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đại học tổ chức...
Năm 2025, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có những thay đổi đáng chú ý trong xét tuyển sinh ĐH như: bỏ hẳn xét tuyển khối C, thêm tổ hợp có môn tin học, chia theo nhóm ngành, cách quy đổi điểm các chứng chỉ ngoại ngữ..
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra với 4 môn với 2 hai môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn còn lại nằm trong các môn được học ở lớp 12, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Đây là một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay và thí sinh cần đặc biệt lưu ý về 2 môn tự chọn này.
Tính đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2025.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT trong ngày đầu tiên đăng ký dự thi, tính đến 17 giờ ngày 21.4, tổng số thí sinh đăng ký dự thi chính thức là 285.631 người, trong đó thí sinh tự do chiếm tỷ lệ 2,9%.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề