Thí sinh tâm tư vì cách tính điểm trắc nghiệm mới

Bộ Giáo dục đổi cách tính điểm với 4 câu trắc nghiệm đúng/sai, không chia đều như trước khiến nhiều thí sinh thấy áp lực, khó hiểu, nhưng chuyên gia nói hợp lý.

Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề minh họa thi tốt nghiệp THPT cuối năm ngoái, Phương Ngọc, học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, TP HCM, được làm nhiều bài kiểm tra theo cấu trúc mới. Ngoài Ngữ văn thi tự luận, các môn khác ra dưới dạng trắc nghiệm.

Tùy môn, đề trắc nghiệm gồm 1-3 phần, ứng với ba dạng câu hỏi.

Phần I gồm các câu với 4 phương án lựa chọn, tương tự đề thi tốt nghiệp những năm gần đây. Trả lời đúng mỗi câu, thí sinh được 0,25 điểm.

Phần II là câu hỏi dạng đúng/sai, mỗi câu có 4 ý. Thí sinh chọn chính xác một ý trong một câu được 0,1 điểm; hai ý được 0,25; ba ý được 0,5. Làm đúng cả bốn ý, các em mới lấy trọn vẹn 1 điểm.

Phần III yêu cầu thí sinh viết đáp án ngắn cho mỗi câu. Với môn Toán, mỗi câu đúng được 0,5 điểm, các môn khác 0,25.

Thí sinh tâm tư vì cách tính điểm trắc nghiệm mới

Cách tính điểm trắc nghiệm phần II trong đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 môn Toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

So với đề các năm trước, cách tính điểm ở phần II có thay đổi, điểm không còn được chia đều 0,25 ở mỗi câu. Ngọc nói việc này có phần bất công, gây áp lực cho thí sinh.

"Cứ không làm được một ý khó nhất trong một câu ở phần này, em mất 0,5 điểm. Cả phần có 4 câu, như vậy em dễ mất hẳn hai điểm dù làm đúng 12/16 ý", Ngọc phân tích.

Nữ sinh lấy ví dụ môn Hóa giữa kỳ I, em làm đúng 24/38 câu, vượt mức trung bình 5 câu nhưng chỉ được 4,8.

"Các bạn đều rất sợ phần đúng/sai, dẫn đến dành quá nhiều thời gian để làm kỹ phần này, rồi lại không đủ thời gian làm các bài khác", Ngọc nói. "Học sinh tầm khá trở xuống sẽ khó làm được ý khó nhất, nên điểm số có sự thay đổi khá lớn".

Bùi Thanh Phương, học sinh lớp 12 ở Phú Thọ, cũng cảm thấy áp lực với phần trắc nghiệm này.

Nữ sinh dự định đăng ký xét tuyển đại học bằng ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Trong đó, chỉ đề Toán có cách tính điểm khác hẳn các năm trước. Ôn tập bằng đề thi theo cấu trúc mới, Phương chưa bao giờ đạt điểm tuyệt đối phần trắc nghiệm đúng/sai, thường xuyên mất 1,5-2 điểm.

"Giá trị điểm của các câu khác nhau khiến em thấy khó hiểu", Phương nói.

Trên các diễn đàn trên mạng xã hội, cách tính điểm phần trắc nghiệm đúng/sai thu hút tương tác nhiều ngày qua. Một bài đăng với câu hỏi "Tại sao với phần đúng/sai, khi đúng chỉ được 0,1 điểm mà lúc sai bị trừ hẳn 0,5 điểm?" nhận được hàng nghìn bình luận. Nhiều trong số đó nói áp lực với cách tính điểm mới.

Dù vậy, các chuyên gia khảo thí và giáo viên cho rằng cách tính điểm mới hợp lý, phù hợp định hướng đánh giá năng lực và có tính phân loại tốt.

Thí sinh tâm tư vì cách tính điểm trắc nghiệm mới

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2025 với bốn môn. Hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Hai môn còn lại, thí sinh chọn trong các môn đã học ở THPT, gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (7 thứ tiếng: Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).

Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi tháng 12/2023 cho biết cấu trúc đề đã được thử nghiệm tại một số tỉnh, thành. Kết quả được phân tích theo lý thuyết khảo thí cổ điển và hiện đại, với khuyến nghị của Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ ETS), rồi hoàn thiện.

Hai chuyên gia khảo thí đại học ở Hà Nội và TP HCM nhận định cách tính điểm phần trả lời đúng/sai áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại. Mỗi câu hỏi có trọng số điểm riêng, câu khó được điểm cao hơn câu dễ.

Vì thế, câu mà phần lớn học sinh có thể trả lời đúng chỉ chiếm 0,1 điểm. Câu hỏi khó tăng dần, tương ứng nhiều điểm hơn, và câu cuối cùng khó nhất chiếm 0,5 điểm. Điều này giúp phân loại thí sinh giỏi, khá, trung bình.

Cách này học hỏi từ các kỳ thi như quốc tế như SAT, PISA, nhằm đảm bảo công bằng. Hai chuyên gia nhận định Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính toán kỹ khi 4 ý trong một câu theo cấp độ từ dễ đến khó, trả lời đúng bất kỳ một ý nào cũng chỉ được 0,1 điểm. Điều này chống đoán mò, bởi các ý hỏi thường có sự liên kết, không trả lời được câu dễ thì khó làm được câu khó, trừ khi "ăn may".

Điểm khác biệt là ở các kỳ thi quốc tế, cách chấm điểm này áp dụng cho tất cả câu hỏi trong đề, thay vì chỉ 4 câu như đề minh họa thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều giáo viên ở môn Hóa học, Vật lý hay Giáo dục kinh tế và pháp luật đồng tình cách tính điểm mới. Lý do học sinh cảm thấy khó hiểu, áp lực là vì đã quen cách tính điểm cào bằng, mọi câu hỏi khó - dễ có điểm như nhau.

"Xác suất đánh ngẫu nhiên mà đạt điểm tối đa ở phần câu hỏi đúng/sai là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng trắc nghiệm nhiều phương án hiện nay", Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi, giáo viên Toán trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng, nói.

Theo ông, điều này hợp lý, tránh tình trạng "mưa" điểm 10. Để đạt điểm tuyệt đối, thí sinh phải có năng lực, kiến thức và kỹ năng toàn diện.

Theo Dương Tâm - Lệ Nguyễn/VnExpress

Tin cùng chuyên mục

Trong hơn 1 tháng, có thêm 2 trường đại học (ĐH) là Kinh tế quốc dân và Duy Tân trở thành ĐH, nâng tổng số ĐH của VN lên 9 trường. Đây là 2 trong số 4 trường ĐH chuyển thành ĐH theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018.
Chính phủ đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM về Bộ GD-ĐT để quản lý. Đồng thời, giao 2 đại học quốc gia đề xuất phương án sắp xếp, cơ cấu lại và giảm mạnh tổ chức bên trong.
8 chương trình giáo dục đã được Bộ GD-ĐT xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân, góp phần nâng cao dân trí, phát triển bản thân để tạo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, hình thức đào tạo từ xa, ứng dụng công nghệ vào dạy và học đang được các trường đẩy mạnh quy mô tuyển sinh. Từ năm 2024, quy chế về đào tạo từ xa cũng được Bộ GD-ĐT quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát về chất lượng của hệ đào tạo này.
Thống kê tại hơn 120 trường đại học của Việt Nam ở năm học 2023-2024, chỉ có hơn 5.000 sinh viên quốc tế theo học dài hạn, tức mỗi trường chỉ có khoảng 40 sinh viên.
Dự thảo thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến có nhiều điểm mới so với thông tư trước đây. Lợi cũng có mà hại cũng nhiều.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.