Thí sinh có còn đến trung tâm luyện thi ?

Dịch Covid-19 kéo dài, cùng với việc những năm gần đây mỗi thí sinh đều có ít nhất một cơ hội trúng tuyển vào ĐH do mở rộng các phương thức xét tuyển, khiến cho các trung tâm luyện thi vắng bóng người học.

Giảm 90% số lượng người đăng ký

Vào những tháng sau tết của vài năm trước đây, các trung tâm luyện thi thường đã bắt đầu nhộn nhịp nhưng năm nay, khi có mặt tại một số địa điểm, chúng tôi bắt gặp cảnh lớp học im lìm, nơi ghi danh không bóng người đăng ký, có trung tâm còn đóng cửa.

Ông Nguyễn Bình Minh, Giám đốc Trung tâm luyện thi Bình Minh (117 Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp, TP.HCM), một đơn vị hoạt động trong 20 năm về luyện thi ĐH, cho biết đây là thời điểm mà các trung tâm luyện thi vô cùng khó khăn vì số lượng người đăng ký tụt giảm chưa từng thấy.

Thí sinh có còn đến trung tâm luyện thi ?

Lớp học của một trung tâm luyện thi trên đường Nguyễn Đình Chiểu đã lâu không có người học, bàn ghế xếp chồng lên nhau. MỸ QUYÊN

“So với thời điểm 4, 5 năm trước, thì năm nay lượng học viên giảm đến 90%. Nguyên nhân là vì trượt ĐH thời nay… quá khó. Việc các trường ĐH tự chủ tuyển sinh bằng cách đưa ra rất nhiều phương thức xét tuyển riêng, không cần phải đạt điểm thi cao mới có thể trúng tuyển nên mỗi em đều có ít nhất một cơ hội vào ĐH. Vì thế, thường chỉ có những em có tham vọng cao muốn đậu vào các trường ĐH tốp trên nhưng chưa trúng tuyển mới đến trung tâm để luyện”, ông Bình Minh chia sẻ.

Bà Đặng Hồng Cẩm Vân, Giám đốc điều hành Trung tâm luyện thi Kết Nối Vàng (54/3 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM), cho biết số lượng học viên đăng ký tại trung tâm giảm 20 - 30% so với thời kỳ chưa có dịch.

Quản lý của một trung tâm luyện thi trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TP.HCM cũng thông tin tại trung tâm này số lượng đăng ký chỉ bằng 1/10 so với 4, 5 năm trước. “Một phần do dịch bệnh, phần lớn là hiện có quá nhiều cánh cổng để vào ĐH nên luyện thi theo kiểu truyền thống không còn là số 1. Từ năm 2018 đến nay, các cơ sở của chúng tôi vắng vô cùng. Chúng tôi vẫn còn duy trì là vì để có công việc cho vui, chứ nhiều nơi khác đã dừng lại”, vị quản lý này cho hay.

Ông Phạm Hồng Danh, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn, từng phải đóng cửa Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn vào năm 2017 vì không còn người học. Ông Danh nhận định: “Những năm gần đây việc rớt ĐH hầu như không có do các em được xét bằng học bạ và nhiều phương thức khác chứ không chỉ dùng điểm thi. Chỉ có những em chưa đậu được vào ngành, trường mình mong muốn thì đi luyện thi để xét tuyển lại, nhưng số lượng này cũng rất ít”.

Bắt buộc phải chuyển đổi nếu tiếp tục hoạt động

Bà Đặng Hồng Cẩm Vân lý giải nhiều trung tâm luyện thi không trụ được do 2 nguyên nhân: một là hệ thống quá lớn, có nhiều chi nhánh, dịch Covid-19 đến không kịp chuyển đổi, không cân bằng được giữa doanh thu và chi phí; hai là không thay đổi theo nhu cầu thực tế dẫn đến vắng người học.

Luyện thi trực tiếp lẫn trực tuyến để thích ứng với dịch

Theo bà Đặng Hồng Cẩm Vân, trước đây khi chưa có dịch Covid-19, việc luyện thi trực tuyến chỉ chiếm 5%, trong thời điểm dịch thì 100% và hiện nay thì 30% trực tuyến và 70% trực tiếp. Khi một lớp trực tiếp có 1, 2 F0 thì cả lớp phải nghỉ và chuyển sang trực tuyến.

“Luyện thi trực tuyến chúng tôi lấy học phí rẻ hơn 40% so với trực tiếp. Lớp phải chia nhỏ ra, chi phí tăng mà doanh thu giảm. Tuy nhiên, tình hình chung là khó khăn hiện nay, các trung tâm phải xoay xở và cố gắng đổi mới, giữ vững chất lượng để tồn tại”, bà Vân bày tỏ.

“Từ khi nhiều trường ĐH dùng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng đối với thí sinh có các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC, SAT… thì các trung tâm phải thay đổi cho phù hợp với nhu cầu thực tế, không nên luyện thi theo kiểu truyền thống nữa. Chẳng hạn, chúng tôi hiện chỉ tập trung vào việc luyện thi môn toán, văn và tiếng Anh, đặc biệt IELTS. Trên thực tế, nhu cầu luyện thi các chứng chỉ ngoại ngữ rất lớn, có thể có tới 40 - 50% thí sinh quan tâm”, bà Vân chia sẻ.

Nắm bắt được xu thế này, từ 8 năm trước ông Nguyễn Bình Minh thành lập thêm trung tâm Anh ngữ quốc tế và du học để luyện thi các chứng chỉ quốc tế cho học sinh tiểu học, THCS lẫn THPT. Bên cạnh đó, từ 3 năm trước ông Minh đã đưa nội dung luyện thi đánh giá năng lực vào hoạt động của trung tâm.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Nhóm ngành công nghệ thông tin có rất nhiều trường đại học đào tạo. Học phí các trường có sự chênh lệch rất lớn.
Từ ngày 24 - 28/4, Bộ GD-ĐT tổ chức cho thí sinh là học sinh lớp 12 thử đăng kí dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Thí sinh sẽ đăng kí dự thi chính thức từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5.
Kết quả của đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được công bố vào đúng một tuần sau khi thi, tức ngày 15-4.
Sau 17 năm thực hiện chuyển đổi từ mô hình trường ĐH dân lập sang trường ĐH tư thục, Trường ĐH dân lập công nghệ Sài Gòn đã nhận được quyết định công nhận trở thành Trường ĐH tư thục Công nghệ Sài Gòn.
Sáng 7/4, hơn 95.000 thí sinh chính thức bước vào kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM. Đây là đợt thi có số thí sinh đông nhất trong lịch sử kỳ thi này.
Bộ Y tế vừa có dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe với những nội dung về chương trình đào tạo, học phí, văn bằng...
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề