Thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT: Bị động, phụ thuộc diễn biến dịch bệnh

Ngày 9-10/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đối với các cơ sở giáo dục đại học. Công tác thanh tra kỳ thi có khó khăn là bị động, phụ thuộc tình hình diễn biến của dịch COVID-19 thời gian tới.

Thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT: Bị động, phụ thuộc diễn biến dịch bệnh
Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Đắk Lắk

Tham gia tập huấn, nhiều trường băn khoăn về vấn đề phòng dịch đối với cán bộ, giảng viên được cử làm công tác thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khác với giáo viên coi thi là nhân lực tại chỗ, lực lượng thanh, kiểm tra của Bộ GD&ĐT từ các trường đại học (ĐH) ở các địa phương khác chuyển đến. Vì vậy, các trường lo lắng khi cán bộ, giảng viên của mình từ vùng dịch đi ra hoặc đến vùng có dịch. Nhiều trường đề xuất Bộ GD&ĐT có phương án dự phòng cao nhất để chủ động ứng phó. Một khó khăn nữa của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là khối các trường ĐH an ninh-quốc phòng, sức khỏe đều đang tham gia tuyến đầu phòng chống dịch. Đây vốn là lực lượng chủ chốt Bộ GD&ĐT huy động lực lượng thanh tra, kiểm tra dự phòng trong mùa thi năm trước khi dịch bùng phát tại một số địa phương phải thi đợt 2.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, cho hay, việc huy động cán bộ, giảng viên thanh, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT phụ thuộc vào kế hoạch của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Trong hai ngày vừa qua, Bộ tập huấn cho 200 trường ĐH tham gia công tác kiểm tra thi và 271 cán bộ, công chức của Bộ GD&ĐT, cán bộ, giảng viên ĐH tham gia kiểm tra công tác chấm thi. Về công tác phòng dịch, theo ông Cường, các trường ĐH hoàn toàn yên tâm vì chỉ những nơi an toàn mới tổ chức thi. Mặt khác, Bộ sẽ có văn bản đề xuất các địa phương có các trường ĐH tham gia thanh tra thi ưu tiên cán bộ làm công tác này được tiêm vắc-xin sớm nhất có thể. Tuy vậy, ông Cường cũng thừa nhận khó khăn là công tác thanh tra kỳ thi bị động, phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch COVID-19 thời gian tới.

Các trường khối ngành sức khỏe cam kết hỗ trợ tối đa đối với Bộ GD&ĐT để làm tốt công tác thanh kiểm tra đảm bảo an toàn cho kỳ thi. “Năm 2020, dịch bùng phát bất ngờ khiến Đà Nẵng bị phong tỏa. Toàn bộ các trường ĐH thuộc thành phố không thể tham gia công tác thanh tra thi đợt 1 như kế hoạch trước đó ở các địa phương khác. Lúc đó, Bộ lập tức huy động lực lượng của trường khối sức khỏe, quân đội tham gia, ví dụ như Trường ĐH Y Hà Nội vào làm công tác thanh kiểm tra thi tại Quảng Nam”, ông Cường chia sẻ lại kinh nghiệm từ năm 2020. Dù bị động nhưng thanh tra cũng đã có chuẩn bị, dự trù quân số để đảm bảo đủ lực lượng cho kỳ thi theo đúng quy chế.

Không hoang mang

Tại hội nghị tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh, Sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục ĐH trong hoạt động thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo hướng “5 rõ”: rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ mục tiêu, rõ phương pháp, rõ trách nhiệm; thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Ông Thưởng nói rằng, cần nhận thức công việc này không chỉ giúp Bộ GD&ĐT tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT công khai, minh bạch, khách quan mà còn giúp chính các trường tuyển sinh. Hiện 60% chỉ tiêu của các trường ĐH dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Theo ông Thưởng, các cơ sở giáo dục ĐH nên sử dụng tối đa cán bộ năm trước làm công tác thanh kiểm tra thi vì đã quen, thạo việc. Từ các buổi tập huấn, một số Sở GD&ĐT đề xuất không đưa cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục ĐH vùng dịch đến làm nhiệm vụ tại địa bàn. Ông Thưởng cho rằng, đề xuất này xuất phát từ sự lo lắng, mọi người không nên quá cực đoan, hoang mang. Tuy nhiên, không thể chủ quan trước dịch bệnh; công tác phòng chống dịch tại địa phương phải thật tốt; cán bộ, viên chức, giảng viên làm nhiệm vụ phải kiểm tra, xét nghiệm, tiêm phòng... trước thời gian làm nhiệm vụ.

Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản đề xuất các địa phương có các trường đại học tham gia thanh tra thi tốt nghiệp THPT ưu tiên cán bộ làm công tác này được tiêm vắc-xin sớm nhất có thể.

Theo Nghiêm Huê/TPO

Tin cùng chuyên mục

Nhiều ý kiến xung quanh việc tuyển sinh đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ; thậm chí có phụ huynh lo ngại sẽ bỏ xét tuyển đại học bằng IELTS như tuyển sinh lớp 10. Theo các chuyên gia, xu hướng chung thì sẽ không trường đại học nào bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Trong năm 2024, có hơn 100 trường đại học công bố tuyển sinh bằng học bạ. Trong đó, nhiều trường đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe tiếp tục tuyển sinh bằng học bạ, áp dụng ở một số ngành.
Qua nhiều mùa tuyển sinh đại học (ĐH), các chuyên gia cho biết do đăng kí trực tuyến nên thí sinh rất dễ mất cơ hội vì những sai sót nhỏ khi đăng kí xét tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Ngày 22.3, Bộ GD-ĐT công bố một loạt văn bản quan trọng về thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong đó có hướng dẫn tổ chức kỳ thi, lịch thi; đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Ban Tuyển sinh Quân sự, Bộ Quốc phòng vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự năm 2024.
Bộ GD-ĐT vừa công bố 15 đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 làm tài liệu cho giáo viên và học sinh tổ chức ôn tập.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề