Tân sinh viên cần kỹ năng gì khi lần đầu đến TP.HCM?

Cần sinh hoạt tế nhị khi ở ký túc xá, cẩn trọng để tránh bị móc túi khi đi xe buýt... là những kỹ năng cần thiết cho nhiều tân sinh viên khi bắt đầu cuộc sống mới ở TP.HCM.

Hàng ngàn tân sinh viên ở nhiều nơi đã bắt đầu vào TP.HCM để học trực tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên nhiều sinh viên năm nhất bắt đầu cuộc sống xa nhà. Việc thay đổi môi trường sống khiến nhiều bạn cảm thấy choáng ngợp, chưa kịp thích nghi kịp với nhịp sống hối hả.

Học cách hòa đồng với mọi người

La Bửu Huy, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng môi trường sống, nhịp sinh hoạt, nơi ở và trường học là yếu tố quan trọng mà sinh viên năm nhất cần thích nghi.

Tân sinh viên cần kỹ năng gì khi lần đầu đến TP.HCM?

Sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường sống. DẠ THẢO

Đầu tiên, Huy cho biết sinh viên năm nhất phải làm quen với 5 vấn đề về lối sống sinh hoạt khi ở ký túc xá (KTX). Đó là những quy định chung, quy định về sinh hoạt, an ninh trật tự, giữ gìn tài sản và vệ sinh môi trường.

Theo Huy, việc ở tập thể luôn có những vấn đề phát sinh như mâu thuẫn giữa bạn cùng phòng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sinh hoạt không sạch sẽ, không ngăn nắp, phong cách sống khác nhau.

Huy cho rằng việc ở cùng phòng trong KTX là một thách thức nên các tân sinh viên cần tạo không gian lưu trữ khoa học, ngăn nắp và không nên để quá nhiều đồ đạc có giá trị cao.

“Khi sinh hoạt chung thì chúng ta nên cân bằng, đảm bảo giữa yếu tố cá nhân và tập thể để luôn được vui vẻ và hòa đồng. Nếu chúng ta có những vấn đề nào đối với những người bạn cùng phòng thì nên giải quyết ngay để tránh những việc không hay về sau. Bên cạnh đó, giữ gìn vệ sinh khu vực cá nhân hay tập thể cũng là việc mọi người nên lưu ý”, Huy nói.

Hãy sử dụng bản đồ

Nguyễn Thị Trúc Ly, sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, kể cô từng bị lạc đường suốt 1 giờ trong lúc di chuyển từ trường trở về phòng trọ, dù đoạn đường chỉ mất khoảng 5 phút.

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, Lê Thị Ngọc Thùy, sinh viên năm 2 Phân Viện miền Nam - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho rằng sinh viên năm nhất sẽ gặp nhiều khó khăn với tình trạng giao thông ở TP.HCM.

Cụ thể, đường phố thường có nhiều làn đường khác nhau, làn đường cấm, nhiều cung đường, hẻm nhỏ rất dễ bị lạc đường, chưa kể mật độ xe đông đúc vào giờ cao điểm. Điều này khiến sinh viên mới đến TP.HCM bối rối, không biết lựa chọn hướng đi cho mình, theo Thùy.

Tân sinh viên cần kỹ năng gì khi lần đầu đến TP.HCM?

Tân sinh viên cần tập thích nghi khi sống ở KTX. DẠ THẢO

Do đó, Thùy tập cho mình thói quen hỏi đường, sử dụng ứng dụng Google Maps, hoặc bắt xe ôm công nghệ. Ngoài ra, nữ sinh viên còn chọn cách dành thời gian khám phá các con đường mới, đi xem những đường xung quanh trường.

“Các bạn nên hỏi rõ địa điểm mình chuẩn bị đến vì ở thành phố thường có những tên đường giống nhau nhưng lại khác quận hoặc nhiều con hẻm nhỏ dễ gây nhầm lẫn. Sau đó, các bạn tra Google Maps kỹ lưỡng trước khi khởi hành.

Do chưa quen với lưu lượng xe di chuyển trên đường nên tân sinh viên cần hạn chế di chuyển vào các giờ cao điểm. Các bạn nên di chuyển chậm rãi để vừa quan sát nhớ đường vừa đảm bảo an toàn giao thông”, Thùy chia sẻ.

Cẩn thận, cảnh giác tối đa

Là người từng nhiều lần cảnh báo, bắt nhiều đối tượng móc túi trên xe buýt, anh Lê Xuân Huy (37 tuổi, tài xế xe buýt tuyến số 86), cho biết các sinh viên trở lại thành phố học tập là thời điểm lý tưởng để nhiều đối tượng trộm cắp, móc túi trà trộn hoạt động.

"Sinh viên năm nhất, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhút nhát dễ dàng trở thành con mồi cho những đối tượng xấu này", anh Huy lưu ý.

Tân sinh viên cần kỹ năng gì khi lần đầu đến TP.HCM?

Tân sinh viên cần bảo quản cẩn thận tài sản khi đi xe buýt. LÊ HỒNG HẠNH

Vì vậy, anh Huy khuyên tân sinh viên nếu có di chuyển bằng xe buýt nên cẩn thận và cảnh giác tối đa. Trên xe buýt, nhiều người thường chen chúc vào giờ cao điểm, do đó tân sinh viên không nên để điện thoại, ví tiền ở túi quần hay túi áo. Anh Huy khuyến cáo: "Các bạn nên để mọi vật dụng đắt tiền vào ba lô và đeo phía trước ngực, hai tay luôn ôm ba lô. Khi xuống xe buýt, các bạn không nên gấp gáp hoặc chen lấn bởi vì không biết rõ đối tượng nào là móc túi".

“Khi phát hiện mình bị móc túi trên xe buýt, sinh viên nên thông báo kịp thời đến tiếp viên, tài xế hoặc la lớn để đối tượng chùn tay bỏ lại tài sản trên xe. Ngoài ra, khi đi xe, các bạn dễ buồn ngủ, ngủ quên cũng dễ thành mồi ngon cho kẻ gian móc túi. Tân sinh viên cố gắng đừng ngủ khi đi xe có đông người”, anh Huy nói.

Theo Dạ Thảo/TNO

Tin cùng chuyên mục

Cần làm gì để có thể "vá" lại những "lỗ hổng" về kỹ năng sống mà một bộ phận người trẻ đang gặp phải?
Không ít quan điểm cho rằng nhiều người trẻ hiện nay thiếu kỹ năng sống. Nhìn nhận này liệu có chính xác?
Thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn, tham gia giao thông an toàn, không đi theo người lạ, phòng chống đuối nước...
Thoát hiểm trong đám cháy nhà cao tầng, phòng chống đuối nước... là những tiết học kỹ năng sinh tồn được nhiều trường học TPHCM đẩy mạnh trang bị cho học sinh trong năm học này.
Nhịp sống, sinh hoạt ở đô thị, cách học trên giảng đường… khiến không ít tân sinh viên bỡ ngỡ khi vừa rời quê lên thành phố.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, bên cạnh những băn khoăn về việc chọn ngành, chọn trường đại học, nhiều học sinh còn quan tâm đến hình thức vay vốn sinh viên ưu đãi lãi suất từ các ngân hàng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề