Số trường đại học đạt doanh thu nghìn tỉ đồng tăng 11 lần sau 4 năm

Việt Nam hiện có 11 đại học (ĐH) và trường ĐH có doanh thu nghìn tỉ đồng. Trong đó, 1 đơn vị có doanh thu từ chuyển giao khoa học công nghệ đạt hơn 500 tỉ đồng.

Số trường đại học đạt doanh thu nghìn tỉ đồng tăng 11 lần sau 4 năm

ĐH Kinh tế TP.HCM là ĐH duy nhất có có doanh thu khoa học công nghệ hơn 500 tỉ đồng. Ảnh: K.T

11 ĐH và trường ĐH có doanh thu nghìn tỉ ở Việt Nam

Theo số liệu báo cáo "ba công khai" năm 2023 đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 11 trường ĐH doanh thu nghìn tỉ đồng, trong đó có 7 trường công lập và 4 trường tư thục.

Trong nhóm 7 trường công lập có 3 ĐH (ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM) và 4 trường ĐH (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Y dược TP.HCM).

4 trường trường ĐH tư thục có doanh thu nghìn tỉ đồng gồm: Trường ĐH FPT, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Văn Lang.

Nguồn thu của các trường chủ yếu đến từ học phí và các nguồn khác, trong khi thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn khiêm tốn. Ví dụ, ĐH Bách khoa Hà Nội có doanh thu năm 2023 là 2.137 tỉ đồng, trong đó nguồn thu chủ yếu đến từ học phí với 1.430 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ 18 tỉ đồng.

ĐH Kinh tế Quốc dân có doanh thu năm 2023 đạt trên 1.400 tỉ đồng, trong đó hơn 1.014 tỉ đồng đến từ học phí và thu từ nghiên cứu khoa học, còn chuyển giao công nghệ 42,95 tỉ đồng.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có doanh thu năm 2023 là 1.011,5 tỉ đồng, trong đó thu từ học phí 907,9 tỉ đồng và thu từ khoa học công nghệ chỉ 4,37 tỉ đồng.

Năm 2023, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có doanh thu 1.003 tỉ đồng, trong đó thu từ học phí 672 tỉ đồng; từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ 44,4 tỉ đồng.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng có doanh thu năm 2023 là 1.260 tỉ đồng, trong đó 1.235 tỉ đồng thu từ học phí, doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ 11 tỉ đồng.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đạt 1.475 tỉ đồng doanh thu năm 2023, trong đó thu từ học phí 1.454 tỉ đồng, doanh thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 11,77 tỉ đồng.

ĐH duy nhất Việt Nam có doanh thu khoa học công nghệ hơn 500 tỉ đồng

Theo công bố mới nhất của ĐH Kinh tế TP.HCM, năm học 2023-2024 đơn vị này có doanh thu 1.721,4 tỉ đồng. Trong đó, nguồn thu từ ngân sách là 7,3 tỉ đồng; từ học phí 1.068,8 tỉ đồng; từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 526,6 tỉ đồng; từ nguồn hợp pháp khác là 118,7 tỉ đồng.

Đáng chú ý, với 526,6 tỉ đồng thu từ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, ĐH Kinh tế TP.HCM hiện có doanh thu từ chuyển giao khoa học công nghệ lớn nhất hiện nay (chiếm khoảng 30% doanh thu của trường).

Hiện ĐH Kinh tế TP.HCM thu học phí bậc tiến sĩ là 78,125 triệu đồng/năm (khoảng 312,5 triệu đồng/khóa); bậc thạc sĩ là 46,875 triệu đồng/năm (khoảng 93,75 triệu đồng/khóa). Đối với bậc ĐH, học phí dao động từ 30-36,25 triệu đồng/năm tùy nhóm ngành.

Đơn vị này hiện đứng đầu về công bố quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, quản trị tại Việt Nam, với 3.456 bài báo khoa học thuộc tạp chí ISI/Scopus. Hiện có 110 nhà khoa học nước ngoài cộng tác với trường. Về xếp hạng, ĐH Kinh tế TP.HCM thuộc top 136 các ĐH tốt nhất châu Á theo Bảng xếp hạng Times Higher Education 2025.

Không tính trường ĐH có yếu tố quốc tế, năm 2020 lần đầu tiên một trường ĐH Việt Nam đạt doanh thu nghìn tỉ đồng là ĐH Bách khoa Hà Nội. Qua từng năm, số lượng trường ĐH gia nhập hệ thống trường ĐH có doanh thu nghìn tỉ đồng tăng mạnh. Hiện, số lượng ĐH và trường ĐH đạt doanh thu nghìn tỉ đồng đã tăng lên 11 lần sau 4 năm trong giai đoạn 2020-2023.

Theo Hà Ánh/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết sáng 23/6, sở này sẽ chính thức công bố điểm thi lớp 6 và 10 năm học 2025-2026...
Người học đủ điều kiện thuộc các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược dự kiến được cấp học bổng và hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng mỗi tháng.
Tình trạng ‘dạy thêm trá hình’ dưới nhiều hình thức vẫn khá phổ biến, cho thấy vẫn còn khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn...
Thông tư 29 bước đầu cho thấy việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường có vẻ "êm ả" hơn nhưng bên ngoài nhà trường vì nhiều mục tiêu, nhu cầu và thực tế về dạy học, thi cử khiến các mệnh lệnh trong thông tư không đủ để giải quyết...
Ngày 16.6, Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố danh sách 171 điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 với tổng số khoảng 4.800 phòng thi, trung bình mỗi điểm thi có 28 phòng. Đồng thời sẽ lắp đặt camera toàn bộ các điểm thi và hội đồng chấm thi để giám sát và bảo mật an toàn đề thi, bài thi.
Sáng 16.6, với 451/460 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua dự án luật Nhà giáo với nhiều chính sách mới với giáo viên...
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề