Chương trình Digital.auto Bootcamp do khoa Kỹ thuật Máy tính Trường ĐH Công nghệ Thông tin – ĐHQG-HCM (UIT) kết hợp với Bosch Global Software Technology tổ chức diễn ra trong 3 ngày (29 - 31/20/2024) giúp sinh viên trải nghiệm thực tế, khám phá sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực xe tự hành.
Giáo sư Dirk Slama - Phó Chủ tịch Tập đoàn Robert Bosch GmbH là người trực tiếp đứng lớp và giảng dạy.
Lớp học nhận được sự quan tâm của đông đảo sinh viên
Trong quá trình tham gia lớp học, sinh viên nhận được sự hỗ trợ đến từ giảng viên UIT và kỹ sư đến từ Bosch với mong muốn giúp sinh viên làm quen với các nền tảng về lập trình, nhanh chóng tiếp cận kiến thức mới. Thông qua phần giới thiệu về digital.auto, GenAI và các demo, các sinh viên đã có thể hiểu sâu hơn về cách trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phát triển các ứng dụng ô tô hiện đại, từ đó mở ra những ứng dụng thực tiễn vô cùng đa dạng trong tương lai. Với phần hướng dẫn thiết kế trên digital.auto MakerKIT, sinh viên còn có thể nắm vững cách tương tác và vận hành các công cụ công nghệ, từ đó tự tin sáng tạo các giải pháp thông minh cho ô tô.
Không chỉ tìm hiểu về lý thuyết, sinh viên cũng có dịp thực hành với API COVESA, Playgroud, UI Widgets cùng GenAI Wizard và hệ thống nhúng trên xe.
Qua 3 ngày học, các sinh viên đã được trải nghiệm nhiều kiến thức chuyên sâu và thú vị. Với kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm dày dặn của mình, Giáo sư Dirk Slama không chỉ mang đến cho các sinh viên kiến thức mà còn chia sẻ và đưa ra những lời khuyên thiết thực, giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về yêu cầu, thách thức cũng như triển vọng của lĩnh vực này.
GS. Dirk Slama trực tiếp giảng dạy và nhiều câu hỏi của sinh viên được Giáo sư tận tình giải đáp
ThS. Phạm Minh Quân - Giảng viên khoa Kỹ thuật Máy tính chia sẻ: “Đây là hướng phát triển, nền tảng công nghệ mới mà Bosch đang nghiên cứu và lần đầu tiên Bosch được triển khai ở một trường đại học Việt Nam. Công nghệ này có tích hợp GenAI - một công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo để giúp các bạn sinh viên làm quen với việc ứng dụng AI vào thiết kế phương tiện xe hơi thông minh, có thể triển khai, ứng dụng thử nghiệm trên các mô hình từ mô phỏng đến các thiết bị thực tế.”
Sinh viên đặt câu hỏi
Lê Trần Mạnh Tâm - sinh viên năm 4 khoa Kỹ thuật Máy tính nói về mong muốn khi tham gia chương trình học này: “Mình mong muốn tìm hiểu sâu về các công nghệ AI áp dụng trên xe thông minh – một lĩnh vực mới mẻ và vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam. Đây là cơ hội quý báu để mình không chỉ trải nghiệm, mà còn trực tiếp tiếp xúc với những ứng dụng AI tiên tiến trên xe tự hành, với sự đồng hành và hỗ trợ từ các chuyên gia hàng đầu của Bosch.”
Thanh Xuân/ Nguồn: UIT