Sinh viên quốc tế mòn mỏi chờ ngày quay lại giảng đường ở New Zealand

Hiện nay, trong khi các trường đại học ở New Zealand đang nóng lòng mong đợi sinh viên quốc tế quay trở lại giảng đường thì vẫn có nhiều sinh viên cảm thấy “mệt mỏi và chưa sẵn sàng” sắp xếp vali để lên đường do vẫn còn quá nhiều điều không chắc chắn ở phía trước.

Sinh viên quốc tế mòn mỏi chờ ngày quay lại giảng đường ở New Zealand

Khu học xá của các trường đại học ở New Zealand vắng bóng sinh viên quốc tế do nước này vẫn chưa mở cửa biên giới trở lại - Ảnh: David Unwin/Stuff

Sinh viên quốc tế chưa thể quay trở lại New Zealand

Kyoka Horiguchi, sinh viên người Nhật Bản đang theo học tại Đại học Canterbury cho rằng, kể cả khi chính phủ New Zealand tuyên bố sẽ xem xét kế hoạch tái mở cửa biên giới hồi cuối tháng 2/2022 thì cô vẫn không có kế hoạch quay trở lại đất nước này.

“Tôi chưa tính đến chuyện quay lại New Zealand. Thật sự mất rất nhiều thời gian chờ đợi biên giới được mở cửa trở lại, trong khi thủ tục xin visa cũng không hề dễ dàng gì trong thời gian này”, Horiguchi nói. Cô cho biết sẽ tính đến phương án làm thủ tục chuyển trường từ New Zealand về Nhật Bản để hoàn tất chương trình học cũng như chuẩn bị cho “công cuộc” xin việc sau khi tốt nghiệp.

Horiguchi hiện đang sống cùng bố mẹ ở Nara, một thành phố nằm ở phía tây Nhật Bản. Năm 2017, cô trúng tuyển và theo học ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Canterbury (New Zealand). Năm 2020, cô về thăm gia đình nhân kỳ nghỉ hè. Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng khắp nơi, cô xin tạm ngưng việc học trong vòng một năm để nghỉ ngơi cũng như dành thêm thời gian cho bố mẹ.

Đến năm 2021, cô phải theo học chương trình học trực tuyến của nhà trường dành cho các sinh viên quốc tế không thể quay lại New Zealand do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sinh viên quốc tế mòn mỏi chờ ngày quay lại giảng đường ở New Zealand

Cô Kyoka Horiguchi, sinh viên năm thứ ba Đại học Canterbury (New Zealand) hiện vẫn đang ở Nhật Bản và học trực tuyến do chưa thể quay trở lại New Zealand - Ảnh: Stuff

“Tuy nhiên, kết quả của tôi không được tốt do chương trình học online không giúp tôi có động lực học tập. Học ngành ngôn ngữ, tôi cần môi trường để tương tác trực tiếp với con người hơn là với màn hình máy tính”, Horiguchi nói.

“Thế nhưng tình hình hiện tại không mấy khả quan đối với sinh viên quốc tế vì các biện pháp cách ly, hủy chuyến bay cũng như nguy cơ mắc COVID-19… Tôi cảm thấy thật sự mệt mỏi, và  muốn được ở lại Nhật Bản hơn là quay lại trường ở New Zealand”.

Trong khi đó, với nhiều du học sinh người Trung Quốc đã trót lựa chọn theo học đại học ở New Zealand thì tình trạng mỏi mòn chờ đợi đảo quốc này mở cửa biên giới khiến họ phải sống trong lo lắng. 

Liu Chenqi nhận được thư chấp nhận cho chuyên ngành kỹ sư phòng cháy chữa cháy bậc thạc sĩ tại một trường đại học ở New Zealand vào cuối năm 2019, thế nhưng mãi đến tận bây giờ, anh vẫn chưa thể bước chân ra khỏi biên giới Trung Quốc.

“Tôi chỉ có một kế hoạch duy nhất là đến New Zealand để học mà không có kế hoạch dự phòng nào khác. Vì vậy, tôi đang hết sức lo lắng cho hoàn cảnh của mình”, Liu nói với giọng đầy chán chường sau hơn 2 năm chôn chân ở quê nhà dù đã có được suất học bổng thạc sĩ ngành kỹ sư máy tính tại Đại học Canterbury.

Giờ đây, anh Liu chỉ cầu mong tình hình sẽ ổn hơn vào tháng 7 tới để có thể sang New Zealand và bắt đầu kỳ học của mình.

Sinh viên quốc tế mòn mỏi chờ ngày quay lại giảng đường ở New Zealand

Anh Liu Chenqi vẫn chưa thể rời Trung Quốc để sang New Zealand nhập học dù đã trúng tuyển từ cuối năm 2019 - Ảnh: Stuff

Nguy cơ đánh mất thị trường du học vào tay các đối thủ cạnh tranh

Đối với hầu hết các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn du học ở khu vực châu Á thì thông báo tái mở cửa biên giới mới đây của chính phủ New Zealand là “quá muộn”.

Theo Janet Wong, một đại diện giáo dục của công ty tư vấn du học JJL Overseas Education New Zealand có trụ sở ở thành phố Auckland (New Zealand) thì ngành dịch vụ này hiện đang đối mặt với nhiều nguy cơ bởi thiếu một kế hoạch hành động rõ ràng từ chính phủ New Zealand để sinh viên quốc tế quay trở lại nước này.

“Hầu hết sinh viên của chúng tôi cùng gia đình tỏ ra mất kiên nhẫn. Họ đang tìm kiếm các thị trường du học khác như Anh, Canada và Úc để thay thế. Trong năm nay nếu New Zealand vẫn chưa cho phép sinh viên quốc tế quay trở lại thì tôi đoán chắc rằng, các đại lý khai thác thị trường du học này sẽ không thể tồn tại được”, cô Janet Wong nói.

Sinh viên quốc tế mòn mỏi chờ ngày quay lại giảng đường ở New Zealand

Gặp khó khăn trong việc quay trở lại New Zealand, nhiều sinh viên quốc tế tìm kiếm quốc gia khác để tiếp tục con đường du học của mình - Ảnh: Research Professional News

Maria Cao, một du học sinh vừa hoàn tất chương trình cử nhân giáo dục tại New Zealand cho biết, cô sẽ chọn nước Anh làm điểm đến tiếp theo cho con đường học hành của mình mặc dù cô thú nhận rằng, vẫn rất mong muốn được học ở New Zealand.

Từ tháng 4/2022, New Zealand sẽ cấp visa cho 5.000 sinh viên quốc tế 

Các nước châu Á được xem là thị trường chính cung cấp nguồn sinh viên quốc tế cho các trường đại học tại New Zealand.

Trong năm 2019, đã có hơn 65.000 sinh viên quốc tế đến đảo quốc này để du học, trong đó, chiếm số lượng đông đảo là sinh viên đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, theo một báo cáo của Education New Zealand.

Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, lĩnh vực giáo dục của New Zealand dành cho sinh viên quốc tế đã mang về cho nền kinh tế của quốc gia này hơn 5 tỷ USD lợi nhuận, đồng thời tạo ra 45.000 công việc cho người dân sở tại.

Sinh viên quốc tế mòn mỏi chờ ngày quay lại giảng đường ở New Zealand

Sinh viên quốc tế đến từ các nước châu Á đóng góp một phần quan trọng cho nền kinh tế của New Zealand - Ảnh: Wgtn NZ

Thế nhưng giờ đây, theo ông Ben Burrowes, Giám đốc khu vực châu Á của Education New Zealand, thì thị trường này hiện đang bị ảnh hưởng đáng kể.

“Số sinh viên quốc tế đã giảm thấy rõ, nhất là khi sinh viên về nước nhưng không thể quay trở lại New Zealand, trong khi số sinh viên mới thì cũng không thể nhập cảnh được”, ông Ben Burrowes cho biết, và nói thêm rằng, “miếng bánh” thị phần đang rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh khác như Mỹ, Anh, Úc nếu chính phủ New Zealand không sớm có các hành động kịp thời.

Theo thông tin được bà Shelley Robertson, Giám đốc phụ trách chính sách giáo dục quốc tế thuộc Bộ Giáo dục New Zealand, cung cấp thì việc xem xét cấp visa cho 5.000 sinh viên quốc tế sẽ được khởi động kể từ ngày 12/4/2022, giúp sinh viên có thể quay trở lại New Zealand bắt đầu từ tháng 7/2022.

Nguyễn Thuận/PNO (theo Stuff New Zealand)

Tin cùng chuyên mục

Chỉ với một cú pháp đơn giản trên các trang công cụ tìm kiếm: chuyên ngành + “Graduate” + “Assistantship”, bạn có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm hỗ trợ tài chính toàn phần cho chương trình sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) tại Mỹ.
Nhân kỷ niệm 150 năm thành lập, ĐH Adelaide ưu ái tổ chức nhiều hoạt động dành cho người học Việt Nam, nổi bật là ra mắt chương trình học bổng toàn phần và tiếp tục duy trì nhiều gói học bổng giá trị khác.
Chính quyền, trường ĐH và doanh nghiệp Đài Loan chung tay đào tạo các ngành hot miễn phí cho sinh viên Việt Nam và tạo điều kiện để người học làm việc ngay tại vùng lãnh thổ này sau khi tốt nghiệp.
Với mục đích tăng cường lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, Đức đang ban hành nhiều chính sách tích cực, trong đó có tạo cơ hội chuyển đổi văn bằng cho ứng viên để làm việc tại quốc gia này.
Bộ GD-ĐT vừa có thông báo tuyển sinh ứng viên nhận học bổng đi học tại Ba Lan diện Hiệp định năm 2024 dành cho trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Chiến lược di cư mới do chính phủ nước này công bố nêu ra những thay đổi đáng kể về công việc sau tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế, đồng thời yêu cầu đầu vào cao hơn.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề