Sẽ có đề án cứu các ngành khoa học cơ bản

Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ. Trong Đề án có đề xuất giải pháp cụ thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học cơ bản.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ với phóng viên khi trao đổi về thực trạng thu hút người học của các ngành cơ bản hiện nay.

Tỷ lệ theo học có xu hướng giảm dần

Ông Sơn cho biết thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2022, sinh viên ĐH của khối ngành này chiếm chưa tới 1,5% tổng số sinh viên Đại học (ĐH), thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới như Hàn Quốc 6,3%, Israel 7,4%, trung bình khối EU 7,0% và riêng Đức 7,8%.

Khoa học cơ bản gồm hai nhóm ngành gồm: nhóm ngành truyền thống như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học…; nhóm các ngành khoa học trái đất như Địa lý, Địa chất, Môi trường, Khí tượng và Khí hậu học, Hải dương học.

Nếu tính cả quy mô đào tạo sau ĐH, số sinh viên khối ngành Toán và Khoa học tự nhiên trên một vạn dân của Việt Nam năm 2021 chỉ xấp xỉ bằng 1/3 của Singapore, 1/12 của Malaysia, 1/8 của trung bình khối EU và bằng 1/11 của Đức.

Ngành giáo dục trăn trở với câu hỏi làm thế nào để Khoa học cơ bản có sức hút với thí sinh. Ảnh: Diệp An

Bên cạnh đó, tỉ lệ sinh viên theo học và nhập học mới có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, trừ lĩnh vực Toán và thống kê có sự cải thiện đáng kể trong năm 2022.

Năm 2022, số sinh viên ĐH được tuyển mới của khối này chỉ chiếm xấp xỉ 1,3% tổng số sinh viên tất cả các ngành. Số chỉ tiêu tuyển sinh được của hai lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học sự sống chỉ đạt dưới 60%, riêng lĩnh vực Toán và thống kê đạt được xấp xỉ 90% chỉ tiêu. Đáng nói là ngay cả đối với khối học sinh các trường chuyên, được ưu tiên đầu tư, tỉ lệ chọn học các ngành này ở bậc ĐH cũng không cao.

Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy trong 75 trường THPT chuyên của cả nước, chỉ có 709 trên tổng số hơn 25.000 em trúng tuyển các trường ĐH trong nước (2,8%) chọn học khối Toán và Khoa học tự nhiên. Đây là hai trong 4 lĩnh vực có tỷ lệ đầu vào ĐH thấp nhất trong 3 năm liên tiếp. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như nguồn nhân lực hoạt động trong ngành khoa học cơ bản sau này.

Do sức hút không lớn, nên điểm xét tuyển bình quân của các sinh viên trúng tuyển của hầu hết các ngành này nằm ở mức trung bình và dưới trung bình tất cả lĩnh vực đào tạo, trừ nhóm ngành Toán học có đầu vào khá tốt trong một vài năm gần đây.

“Xét về cả số lượng và chất lượng tuyển sinh các ngành này, đây là một nguy cơ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, chất lượng cho đất nước”, Thứ trưởng Sơn nói. Đồng thời, theo ông cũng giống như cơ chế tài chính đối với giáo dục ĐH, việc hỗ trợ các ngành khoa học cơ bản phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, Bộ, ban ngành nào là chủ thể để hỗ trợ các ngành khoa học cơ bản này? Ông Sơn đặt câu hỏi đồng thời chia sẻ, ngành Sư phạm là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT vì là nhân lực của ngành; với ngành Công an hay Quân đội cũng tương tự. Nhưng ngành khoa học cơ bản, vị trí việc làm trải rộng ở khắp các lĩnh vực, nên rất khó để xác định ai có trách nhiệm hỗ trợ, đầu tư.

Hiện nay, việc hỗ trợ nhóm ngành này phụ thuộc vào quan điểm của các cơ sở đào tạo ĐH. Ví dụ ĐH Quốc gia TPHCM triển khai và thực hiện nhiều chính sách như hỗ trợ kinh phí, giảm học phí cho ngành khoa học cơ bản khó tuyển cho các trường thành viên. Năm học 2022 - 2023, ĐH này đã hỗ trợ 35% học phí cho một số ngành tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn như Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin thư viện, Lưu trữ học... Cũng từ năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội đã bắt đầu triển khai các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với gói học bổng gồm: Miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.

Không thể không “cứu”

Thiếu nguồn tuyển đang là vấn đề đặt ra đối với các ngành khoa học cơ bản mà báo Tiền Phong đã nhiều lần phản ánh. Tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi theo khảo sát của phóng viên, ngành Hải dương học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội năm vừa rồi chỉ tuyển được 2 sinh viên. Ngành Khí tượng thủy văn mỗi khóa tuyển được trên 10 sinh viên. Nhiều năm trở lại đây, Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học có tỷ lệ tuyển sinh chỉ đạt 10% - 30%.Cùng chung cảnh “hẻo” sinh viên là các ngành Nông Lâm nghiệp và Thủy sản. Năm 2022, khoa này của Học viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ tuyển được 18 thí sinh. Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác đào tạo ngành này còn rơi vào tình trạng “trắng” sinh viên.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ GD&ĐT đang chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, trong đó có những tính toán và đề xuất giải pháp cho các ngành khoa học cơ bản.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang phối hợp với một số bộ, ngành để xây dựng một hệ thống thông tin theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và dự báo nhu cầu của các ngành đào tạo với mong muốn đây là một công cụ để hoạch định và điều chỉnh các chính sách, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của toàn ngành cũng như đối với từng cơ sở giáo dục ĐH.

Theo Nghiêm Huê/ TPO

Tin cùng chuyên mục

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, học sinh học chương trình mới và năm đầu tiên thi tốt nghiệp đối mặt với không ít thách thức, bất cập đòi hỏi Bộ GD&ĐT có phương án điều chỉnh phù hợp.
Dù học phí đào tạo bác sĩ ở Việt Nam hiện ở mức cao nhất trong các khối ngành, lương ban đầu được xem khá thấp nhưng ngành y vẫn luôn thu hút người học.
Bộ Y tế từng thống kê, sau dịch Covid-19 bùng phát, ngành y tế ghi nhận gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Một trong những nguyên nhân khiến số lượng lớn nhân viên y tế nghỉ việc là thu nhập quá thấp so với mức sống.
Vài năm gần đây, hàng loạt bác sĩ và nhân viên y tế trong các cơ sở công lập nghỉ việc để chuyển qua bệnh viện tư.
Hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên theo học nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản như ngành sư phạm.
Nhà giáo cũng là người lao động, là viên chức nhà nước và tất nhiên các chế độ, quyền lợi phải thực hiện và tuân thủ theo các chủ trương chung.Tin liên quan
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.