Quy hoạch mạng lưới trường ĐH: Điểm nghẽn xây dựng cơ sở vật chất

Sau 18 năm, Việt Nam mới có bản quy hoạch mạng lưới trường đại học (ĐH) lần thứ hai. Điểm khác biệt giữa hai bản quy hoạch là lần này, những mục tiêu đưa ra gắn với yêu cầu của thực tế.

Cuối tháng 2/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long kí Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kì 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quyết định 452). Theo quyết định này, cơ sở giáo dục ĐH, phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lí theo quy định của pháp luật sẽ chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội tại cơ sở Hưng Yên Ảnh: NTCC

Thông tư 01/2024 của Bộ GD&ĐT cũng quy định chuẩn cơ sở giáo dục ĐH với 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí, được xem là thước đo để thực hiện quy hoạch sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên, để đạt được diện tích đất/sinh viên tối thiểu 25m2 đang là thách thức đối với nhiều cơ sở giáo dục ĐH ở trung tâm thành phố lớn do quỹ đất hạn hẹp. Theo số liệu từ các báo cáo 3 công khai, không chỉ các trường ĐH tư thục mà nhiều trường ĐH công lập lớn, trường ĐH thành viên các ĐH quốc gia, ĐH vùng của cả nước cũng đều có diện tích đất/sinh viên rất khiêm tốn.

Câu chuyện về diện tích của các cơ sở giáo dục ĐH tại Hà Nội điển hình nhất phải kể đến Trường ĐH Mở Hà Nội. Theo thông tin được đăng tải ở mục 3 công khai trên website chính thức của trường ĐH này, diện tích đất sở hữu của trường là 55.007m2. Trong đó, 53.558m2 là diện tích đất sở hữu tại địa điểm xã Long Hưng (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên); còn lại (1.449m2 - PV) diện tích đất sở hữu tại trụ sở chính Nhà B101, phố Nguyễn Hiền (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Đất sở hữu tại tỉnh Hưng Yên đã được Trường ĐH Mở Hà Nội đưa vào sử dụng khoảng 5 năm trở lại đây. Địa điểm này phục vụ đào tạo an ninh quốc phòng, giáo dục thể chất, một số lớp đào tạo vừa học vừa làm, tiết thực hành của một số môn học,... Từ lâu, Trường ĐH Mở Hà Nội thuê một số địa điểm nhỏ lẻ để làm giảng đường dạy học cho sinh viên.

Không phải chỉ có đất là xong

ThS Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Mở Hà Nội cho hay, thực hiện chủ trương di dời một số trường ĐH ra khỏi nội đô, Trường ĐH Mở Hà Nội đã có sự chuẩn bị từng bước, trong đó có việc chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa điểm tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ở thời điểm hiện tại, dự án xây dựng Trường ĐH Mở Hà Nội tại xã Long Hưng, huyện Văn Giang đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Nhà trường đang tìm kiếm các nguồn lực khác, cùng với nguồn lực của nhà trường để tiếp tục triển khai dự án.

Trong quá trình chuẩn bị cho di dời, trường cũng nhận được sự quan tâm của Bộ GD&ĐT và thành phố Hà Nội. Trong đó, Hà Nội đã có chủ trương bố trí quỹ đất cho một số trường ĐH trong đó có 23,57ha cho Trường ĐH Mở Hà Nội tại huyện Chương Mỹ. “Chúng tôi tin rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các trường ĐH sẽ tự tin để di dời theo chủ trương đúng đắn của Nhà nước”, ông Ngọc Anh nói.

Theo Quyết định 452, Chính phủ yêu cầu Hà Nội cần có gần 1.200ha đất để phục vụ đào tạo, nghiên cứu cho phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH. TPHCM cần có gần 1.100ha. Đây là 2 TP phải chuẩn bị quỹ đất cho mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH lớn nhất cả nước, chiếm trên 62% tổng quỹ đất cho cơ sở giáo dục ĐH được quy hoạch đến năm 2030.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc liệu Hà Nội, TPHCM có chuẩn bị kịp đất theo yêu cầu của Chính phủ cho các trường ĐH trong khi thời gian còn rất ngắn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, diện tích quỹ đất khi đưa vào quy hoạch đều được các địa phương cho ý kiến, trong đó có các thành phố lớn. Trong quy hoạch của TP Hà Nội, diện tích đất dành cho giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH lớn hơn quy định tối thiểu trong Quyết định 452. Ngoài ra, các địa phương lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên đều được yêu cầu chuẩn bị quỹ đất; TPHCM cũng vậy, quy hoạch cả ở Bình Dương, Đồng Nai.

Điểm quan trọng nhất của quy hoạch lần này là các trường được mở rộng không gian phát triển, được đầu tư cơ sở vật chất. Đặc biệt các trường ĐH quốc gia, ĐH vùng, các trường trọng điểm sẽ được nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô. Ngoài ra, Quyết định 452 đưa ra giải pháp ưu tiên đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ mở rộng, di dời các cơ sở giáo dục ĐH công lập ra khỏi nội đô của các thành phố lớn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, một trong những kì vọng lớn nhất của quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH lần này không phải để giải thể hay trừng phạt, làm các trường tổn thương. Mục tiêu đầu tiên của quy hoạch là để được đầu tư, củng cố và hiện đại hóa, hướng tới năm 2030 không có trường nào không đạt chuẩn.

Theo Nghiêm Huê/ tienphong.vn

Tin cùng chuyên mục

Là nhà giáo, từng có nhiều thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT, quản lý công việc này, tôi thấy không nên đẩy sớm thi tốt nghiệp THPT năm 2025...
Nhiều tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo buộc trường đại học (ĐH) của Việt Nam phải đạt được, nếu không sẽ bị sáp nhập hoặc giải thể. Dù thời gian qua, Việt Nam có lực lượng đông đảo nghiên cứu sinh tốt nghiệp nhưng các trường ĐH vẫn đang “khát” tiến sĩ giỏi.
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ban hành văn bản gửi các đơn vị, trường học về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026...
Tạp chí giáo dục danh tiếng Times Higher Education (Anh) vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới dựa trên nhóm ngành đào tạo...
PHẦN LAN - Được biết đến với nền giáo dục thuộc top đầu thế giới, hiện tại, đất nước này có khoảng 1.400 tiến sĩ thất nghiệp, trong đó hai phần ba là thất nghiệp dài hạn...
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, học sinh học chương trình mới và năm đầu tiên thi tốt nghiệp đối mặt với không ít thách thức, bất cập đòi hỏi Bộ GD&ĐT có phương án điều chỉnh phù hợp.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Thí sinh lo nguy cơ thất nghiệp vì AI, trăn trở đăng ký ngành nào cho trúng
Trước mùa tuyển sinh 2025, nhiều học sinh lớp 12 lo lắng việc ngành nghề mong muốn theo học liệu có thể bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp trong tương...