Quy chế đào tạo trình độ đại học: Phương án nào cho sinh viên chọn nhầm ngành học?

Quy định xem xét chuyển sang học một chương trình, ngành đào tạo khác của cơ sở đào tạo khi đáp ứng đủ các điều kiện được sinh viên quan tâm...

Ảnh minh họa: ITN

Theo Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ GD&ĐT, sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, ngành đào tạo khác của cơ sở đào tạo khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Quy định này thu hút sự quan tâm đặc biệt của sinh viên, nhất là với những em trót chọn nhầm ngành học, trường học.

Băn khoăn vì chọn nhầm

Nguyễn Thị Hà Thảo, quê huyện Lý Nhân (Hà Nam) – sinh viên Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, mong muốn lớn nhất của em là học ngành Giáo dục tiểu học. Tuy nhiên, em trót đăng ký Giáo dục tiểu học là nguyện vọng 2 nên không được theo học ngành mà mình mong muốn.

“Đăng ký nhầm khiến em ở trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nay có quy định về việc chuyển ngành học, trường học nên em rất hứng thú. Biết đâu em sẽ có cơ hội để học ngành nghề yêu thích. Tuy nhiên, em không biết cần những điều kiện gì để thực hiện việc chuyển đổi này” – Hà Thảo phân vân.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: Mới đây, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đã ký Quyết định ban hành Quy chế đào tạo bậc đại học tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/10/2022 và áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở đi.

Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội cho phép sinh viên có thể chuyển ngành học. Cụ thể, sinh viên hoàn thành năm học thứ nhất được xem xét chuyển sang học một ngành học khác nếu có đủ điều kiện như:

Đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành muốn chuyển sang học. Có số tín chỉ tích lũy tối thiểu bằng khối lượng thiết kế theo kế hoạch học tập chuẩn của chương trình đào tạo. Điểm trung bình chung các học phần tính đến thời điểm xét đạt từ 2,50 trở lên. Không bị cảnh báo học tập hoặc bị xét thi hành kỷ luật. Đơn vị đào tạo còn chỉ tiêu đối với ngành sinh viên muốn chuyển đến. Được sự đồng ý của chủ nhiệm khoa/bộ môn (đơn vị chuyên môn phụ trách ngành đào tạo) và thủ trưởng đơn vị đào tạo (đối với các trường thành viên), Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (đối với các đơn vị đào tạo trực thuộc).

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức lưu ý, Quy chế mới ban hành không xem xét chuyển ngành học đối với sinh viên đã học từ năm thứ hai. Kết quả học tập của các học phần đã tích lũy của sinh viên chuyển ngành hoặc chuyển hình thức đào tạo sẽ được xem xét để bảo lưu và công nhận tương đương theo học phần trong ngành mới. Ngoài ra, Quy chế tiếp tục tạo điều kiện và cho phép sinh viên học cùng lúc 2 chương trình đào tạo theo hình thức chính quy. Tuy nhiên, điều kiện để học ngành thứ 2 được bổ sung với quy định chặt chẽ hơn.

Cụ thể, sinh viên đã học ít nhất hai học kỳ của chương trình đào tạo thứ nhất. Nếu điểm trung bình chung tất các học phần tính từ đầu khóa học đến thời điểm đăng ký học chương trình đào tạo thứ hai đạt từ 2,0 trở lên, sinh viên phải đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh. Còn nếu đạt từ 2,5 trở lên, sinh viên chỉ phải đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC

Bảo đảm quyền lợi cho người học

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh, việc cho sinh viên chuyển ngành nhằm bảo đảm quyền lợi cho cho các em. Năm thứ nhất, sinh viên chủ yếu học môn đại cương, các ngành có sự tương đồng. Do đó, sang năm thứ hai, việc học tập ngành mới sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều đối với các em. Song, việc này cần bám sát quy định chung của Bộ GD&ĐT cũng như cơ sở đào tạo.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) viện dẫn, Bộ đã ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo Quy chế, sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, ngành đào tạo khác, hoặc phân hiệu khác của cơ sở đào tạo, hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính khi có đủ các điều kiện.

Theo đó, sinh viên được xem xét chuyển khi có đủ các điều kiện sau: Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa; không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định. Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo, trụ sở chính (hoặc phân hiệu) trong cùng khóa tuyển sinh.

Cơ sở đào tạo, trụ sở chính (hoặc phân hiệu) có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Được sự đồng ý của thủ trưởng các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo, người phụ trách phân hiệu (nơi chuyển đi và chuyến đến) và của hiệu trưởng cơ sở đào tạo.

Còn khi chuyển cơ sở đào tạo, sinh viên được xem xét nếu có đủ các điều kiện: Không là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối; không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 của Quy chế này. Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến. Nơi chuyển đến có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT. Được sự đồng ý của hiệu trưởng cơ sở đào tạo xin chuyển đi và cơ sở đào tạo xin chuyển đến.

Quy chế đào tạo trình độ đại học quy định vấn đề cốt lõi trong đào tạo, gồm quy định cứng, quy định mở, các yêu cầu tối thiểu trong tổ chức đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, liên kết đào tạo, đào tạo liên thông, đào tạo văn bằng 2 cho người có trình độ đại học. Căn cứ Quy chế này, các cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy chế riêng để phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo Minh Phong/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Rất nhiều quảng cáo hấp dẫn về các khóa luyện thi, các sách luyện đề đánh giá năng lực được tung ra, nhất là trong giai đoạn nước rút. Các chuyên gia nhất quán cho rằng, tham gia những khóa luyện thi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.
Năm học 2023 - 2024, Nghệ An tăng 7.226 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, áp lực với học sinh thi vào lớp 10 cũng khốc liệt khi có đến 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua vào trường công”.
Theo công bố của Bộ GD-ĐT tại hội nghị tuyển sinh 2024, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa và Phú Yên có hai năm liên tiếp nằm trong top 10 tỷ lệ vào ĐH trên tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023.
Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 2 áp dụng mức học phí theo Nghị định 97 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lí học phí. Học phí trở thành nỗi lo của thí sinh khi tham gia xét tuyển sinh năm nay, nhất là nhóm trường Y Dược gần như đã tự chủ.
Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc mà trở thành môn lựa chọn. Theo các chuyên gia, dù chọn thi ngoại ngữ hay không thì những thí sinh có nguyện vọng học đại học cũng không nên bỏ bê, sao nhãng môn này.
Trường ĐH Công Thương TP.HCM công khai kết quả tốt nghiệp của sinh viên được xét tuyển từ học bạ khiến nhiều người bất ngờ.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề