Quý 2/2021: Hơn nửa triệu người mất việc vì COVID-19

Theo báo cáo tình hình lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm của Tổng cục thống kê, trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, có 557 nghìn người bị mất việc. Trong đó, dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.

Quý 2/2021: Hơn nửa triệu người mất việc vì COVID-19

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê đánh giá, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý 2, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, TP. HCM, và các tỉnh lân cận.

Kết quả điều tra lao động việc làm quý 2/2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thị trường lao động chưa có dấu hiệu khả quan so với quý 1. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng so với quý trước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2/2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước, và giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, làn sóng COVID-19 lần 4 làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động. So với quý 1/2021, COVID-19 làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động ở độ tuổi 25-54, với 75% lao động bị ảnh hưởng.

Cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: mất việc, phải nghỉ giãn việc/ nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập

Dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Lao động thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực dịch vụ quý 2/2021 chiếm tỷ trọng cao nhất với 35,8% (tương đương với hơn 410 nghìn người thiếu việc làm).

So với cùng kỳ năm 2020, số lao động thiếu việc làm ở khu vực dịch vụ quý 2/2021 tăng gần 100 nghìn người. Sự bùng phát của đại dịch trong quý 2 đã làm gia tăng áp lực về nhu cầu làm thêm giờ của người lao động ở khu vực dịch vụ.

Quý 2/2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý 2/2021 đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Theo Việt Linh/TPO

Tin cùng chuyên mục

Bộ GD-ĐT cho hay, mỗi năm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thú y cần đến 46.000 lao động trình độ từ cao đẳng trở lên (chưa kể trung cấp). Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, số lượng nhân lực nhóm ngành này chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% nhu cầu.
Dù doanh nghiệp khối kỹ thuật, xây dựng, môi trường... vào tận trường đặt hàng nhưng những năm gần đây, các ngành này lại khó tuyển sinh.
Thị trường lao động ngày nay đang trở nên cạnh tranh khốc liệt, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật.
Nhà sản xuất chip hàng đầu châu Âu Infineon đang tăng cường tuyển dụng nhân lực lành nghề từ Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn.
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao lúc nào cũng có nhưng số lượng người thực sự giỏi, có kinh nghiệm phù hợp để đảm nhận được thì không bao giờ đủ để đáp ứng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề