Phương án tuyển sinh năm 2023 của Trường ĐH Việt Đức có môn tự chọn

Trường ĐH Việt Đức công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2023. Theo kế hoạch này, trường có 5 phương thức tuyển sinh.

Sinh viên Trường ĐH Việt Đức. NGỌC DƯƠNG

Chiều 12.12, Trường ĐH Việt Đức đã công bố dự kiến về phương án tuyển sinh năm 2023. Theo đó, trường sẽ tuyển sinh theo 5 phương thức.

Phương thức 1 là xét tuyển dựa vào kỳ thi tuyển đầu vào (bài thi TestAS), được tổ chức vào tháng 5. Thí sinh có thể nộp chứng chỉ TestAS phù hợp với ngành đào tạo để thay thế cho bài thi đầu vào của trường. Đây là bài thi đầu vào về tư duy, logic dành cho sinh viên quốc tế theo học các chương trình Đức. Bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh và không được sử dụng máy tính tay.

Phương thức 2 là xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT đối với các thí sinh sẽ tốt nghiệp các trường THPT tại Việt Nam trong năm tuyển sinh. Phương thức này, trường dự kiến xét tuyển theo 5 môn gồm 3 môn bắt buộc (toán, tiếng Anh, văn) và 2 môn tự chọn trong số 6 môn (lý, hóa, sinh, tin học, sử, địa). Dự kiến trong năm 2023, thí sinh đạt IELTS 6.0 và điểm trung bình 5 môn đạt từ 8.5 điểm trở lên sẽ được xét tuyển thẳng vào trường.

Phương án tuyển sinh năm 2023 của Trường ĐH Việt Đức có môn tự chọn

Khuôn viên Trường ĐH Việt Đức tại Bến Cát (Bình Dương). VGU

Phương thức 3 là xét tuyển thẳng đối với thí sinh có thành tích học tập xuất sắc, bao gồm các thí sinh đạt giải các cuộc thi học sinh giỏi bậc THPT cấp tỉnh/quốc gia hoặc tham gia trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế.

Phương thức 4 là xét tuyển đối với các thí sinh có bằng/chứng chỉ tốt nghiệp THPT quốc tế (IBD, A/AS-Level/IGCSE, WACE…) hoặc chứng chỉ của các bài thi năng lực quốc tế (SAT, TestAS…).

Phương thức 5 là xét tuyển căn cứ trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, một điểm rất mới trong phương án tuyển sinh năm tới của trường là phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT. Năm trước đó, phương thức này trường xét tuyển kết quả 6 môn, năm nay chỉ xét 5 môn trong đó có môn bắt buộc và tự chọn. Điều chỉnh này của trường một phần để dần phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Điểm sàn cao nhất xét tuyển vào ĐH Kinh tế TP.HCM là 730 điểm, theo kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1 năm 2024.
Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Thí sinh muốn phúc khảo bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cần đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 17- 4.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 đợt 1, trong đó thủ khoa đạt 1.076 điểm (thang điểm 1.200).
Hôm nay (15/4), ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1. Kỳ thi có gần 100.000 thí sinh tham dự. Sau đây là cách xem điểm thi đánh giá năng lực.
Có trường đại học, có ngành, thí sinh phải đạt từ 850 điểm (thang điểm 1.200) thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM mới được nộp hồ sơ xét tuyển.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề