Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: Đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng học sinh vào trường tiên tiến

Lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị Sở GD-ĐT TP với tư cách là “tư lệnh ngành” nghiên cứu bức tranh đầy đủ, trọn vẹn về Mô hình Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, xác định rõ mục tiêu, tính toán đến quy mô phát triển của mô hình để tham mưu UBND TP. Đặc biệt, khi xây dựng chính sách thực hiện, phải cân nhắc đến yếu tố môi trường học tập tốt song đảm bảo tính công bằng cho mọi đối tượng học sinh.


Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng mô hình cần tính toán đến yếu tố đảm bảo sự công bằng cho mọi đối tượng học sinh

Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại Hội thảo Tổng kết và lấy ý kiến dự thảo Quyết định về Mô hình Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TP.HCM do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 18-5.

Dưới góc nhìn của một phụ huynh từng có con theo học mô hình và góc nhìn của một nhà giáo dục, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá đến thời điểm này mô hình dù đã đạt được những thành công nhất định song vẫn chưa thật sự hoàn hảo, còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước hết cần phải làm rõ vấn đề về hành lang và căn cứ pháp lý, chi phí và cách sử dụng nguồn thu cũng phải thay đổi. Để làm rõ những vướng mắc này, ông đề nghị Sở GD-ĐT TP với tư cách là “tư lệnh ngành” phải xác định rõ mục tiêu của chương trình là gì để đặt ra các biện pháp triển khai phù hợp, sau đó mới xác định được mô hình thành công ở mức độ nào. Phải tính toán, xác định rõ mô hình sẽ phát triển quy mô đến mức nào. “TP.HCM hiện nay cố gắng lắm vẫn chưa đạt được trọn vẹn chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi từ 3 đến 18 tuổi, khi mỗi năm TP tăng dân số cơ học khoảng 200 ngàn dân, đi cùng với đó là tăng thêm hàng chục ngàn học sinh. Do đó, khi xây dựng đề án, đề nghị Sở GD-ĐT TP phải xác định rõ mục tiêu, tham mưu với lãnh đạo TP về quy mô mô hình sẽ phát triển đến cỡ nào để làm sao cân đối, phù hợp với điều kiện thực tế, vừa phát triển mô hình, vừa đảm bảo đầy đủ chỗ học cho học sinh TP.  Khi xây dựng chính sách, Sở phải tính toán sao cho môi trường học tập tốt nhất nhưng vẫn có cơ hội cho mọi đối tượng học sinh..”.


Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn đánh giá lại quá trình triển khai mô hình tại TP.HCM

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý Sở GD-ĐT TP khi xây dựng mô hình trường tiên tiến phải nghĩ đến việc khi các mô hình này phát triển tốt sẽ có cách để hỗ trợ các trường còn lại cũng phải phát triển tương đối, để học sinh được phát triển, thụ hưởng chương trình giáo dục cao hơn mức trung bình của cả nước.

Đi vào cụ thể hơn, lãnh đạo UBND TP cho rằng, Sở GD-ĐT TP cần phải rà soát lại dự thảo để đảm bảo tính khả thi cũng như thể hiện được sự quan tâm đến tất cả các bên liên quan, bao gồm nhà trường, học sinh và giáo viên.  “Với mô hình trường tiên tiến, chúng ta đưa ra đòi hỏi trong chương trình đào tạo về mặt cơ bản là cao hơn so với các trường khác, đương nhiên từ phía phụ huynh học sinh cũng sẽ đòi hỏi nhiều hơn. Do vậy, tôi ủng hộ nghiên cứu chế độ đãi ngộ của người thầy để triển khai hiệu quả chương trình. Đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT TP trong dự thảo phải nghiên cứu đầy đủ, đưa ra mức phí với lộ trình phù hợp với quá trình phát triển, quan tâm đến yếu tố trượt giá và nhiều yếu tố khác. Trong đó, xem xét thật sự toàn diện mô hình  để có thể có một lộ trình thật sự tốt, hiện thực hoá mong muốn có một mô hình mà kỳ vọng là niềm tự hào của ngành GD-ĐT TP”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Đối với các con số về sĩ số học sinh/lớp khi thực hiện mô hình, ông Dương Anh Đức đề nghị Sở GD-ĐT TP cần phải nghiên cứu thêm, dựa trên các luật và yếu tố thực tiễn của TP, tính khả thi để tham mưu cho UBND TP. Ông đề nghị, khi trình Sở GD-ĐT TP phải kèm theo giải trình, có tiếp thu các ý kiến, có lý luận rõ ràng…

Tương tự, với các tiêu chí dành cho giáo viên giảng dạy mô hình này, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho rằng không nên quá sa đà vào các yếu tố hình thức mà nên rà soát lại các tiêu chí thật sự cần thiết. Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất là người thầy “phải đúng là người thầy”, người thầy khi lên lớp phải mang lại những gì thật sự cần thiết cho học trò. Sở GD-ĐT TP phải cân nhắc, không nên đặt ra thêm các giấy phép con, không phải đưa ra hàng loạt các tiêu chí rất cao nhưng trên thực tế chất lượng giảng dạy vẫn như nhau. Quan trọng nhất vẫn là người thầy phải thật sự tâm huyết và có trình độ chuyên môn cao, có sự gắn bó với nghề, yêu trẻ…

“Sở GD-ĐT TP cần nhìn vào thực tế đặt ra các quy định vừa phải để thầy cô phấn đấu song cũng không nên quá thấp. Các tiêu chí, tiêu chuẩn, con số đều phải có chứng cứ khoa học để triển khai song không phải là rào cản đối với thầy cô bao gồm cán bộ quản lý và giáo viên đứng lớp. Nếu làm tốt thì Sở sẽ ghi điểm tốt cho người dân TP, tạo điều kiện cho mô hình phát triển nhanh…”, ông Đức bày tỏ.

Cuối cùng, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đề nghị Sở GD-ĐT TP lưu ý thêm các nội dung liên quan đến chu kỳ công nhận mô hình trường, đồng thời tính đến sự liên thông, tạo điều kiện cho học sinh ở các mô hình học tập khác nhau, các cấp học khác nhau đều có điều kiện theo học. Lãnh đạo UBND TP đề nghị trong kế hoạch triển khai, Sở GD-ĐT TP phải tính toán, nghiên cứu để có một bức tranh đầy đủ, làm sao trong quá trình triển khai các nhà trường không lúng túng khi gặp các trường hợp như học sinh từ mô hình trường thường chuyển sang trường tiên tiến, có được theo học không…, trên nguyên tắc đảm bảo tính công bằng cho học sinh trong tiếp cận các điều kiện học tập.

Mô hình Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TP.HCM bắt đầu được UBND TP triển khai thí điểm tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) vào năm 2005. Từ thành công của mô hình trường thí điểm, ngày 2-10-2015, UBND TP.HCM đã triển khai QĐ số 4887/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 46-CTrHĐ/TU ngày 21-6-2015 của Thành uỷ thực hiện NQ số 29-NQ/TW Hội nghị TW8- Khoá XI, trong đó đặt ra yêu cầu “Đến cuối năm 2020…, ở từng quận, huyện, mỗi bậc học MN, TH, THCS phải có ít nhất 3 trường; 2 trường THPT đạt trường tiên tiến theo xu thế hội nhập”.

Từ năm học 2015-2016, toàn TP có 3 trường THPT thực hiện theo mô hình trường tiên tiến là THP Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền và THPT Nguyễn Du. Sau 5 năm triển khai, tính đến năm học 2020-2021, tổng số trường thực hiện mô hình này trên toàn TP là 40 trường ở các cấp học, với số lớp là 828 và 24.237 học sinh được thụ hưởng mô hình. Ngoài ra còn có thêm 10 trường đề xuất thực hiện từ năm học 2021-2022.


Lãnh đạo trường thực hiện mô hình góp ý tại hội thảo

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn, thời gian đầu, công tác triển khai còn chậm nhưng càng về sau, số đơn vị trình Đề án xây dựng Mô hình trường tiên tiến ngày càng nhiều. Đến nay, tuy chưa đạt được mục tiêu theo Kế hoạch của UBND TP nhưng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, trở thành động lực, là đầu tàu kéo chất lượng giáo dục của từng địa phương phát triển.

“Mô hình trường tiên tiến được xây dựng trên cơ sở những mục tiêu rất phù hợp với định hướng phát triển giáo dục hiện nay. Học sinh được giáo dục trong môi trường thoải mái, không gò ép, hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất, được tổ chức đa dạng các hình thức học tập, học 2 buổi/ ngày, học ngoài lớp học, được định hướng đạt các chuẩn quốc tế, tiếp cận các phương pháp giáo dục hiện đại. Sĩ số học sinh/lớp thấp, tạo điều kiện để giáo viên sáng tạo và phát triển, tiếp cận các phương pháp giảng dạy tiên tiến. Cơ chế thu công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận của phụ huynh.., đã giúp mô hình thu hút được sự quan tâm ngày càng cao của xã hội và phụ huynh”, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP nhận định.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn khẳng định, mong muốn của ngành GD-ĐT TP là xây dựng được những ngôi trường có chất lượng tốt nhưng mức phí thấp hơn nhiều so với các trường quốc tế để học sinh TP có thêm cơ hội thụ hưởng chương trình giáo dục tiên tiến, làm mũi nhọn để các trường phấn đấu, phát triển. Nhìn nhận vào thực tế triển khai mô hình và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành Quyết định về Mô hình Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế trên địa bàn TP để phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, kiến nghị UBND TP cho phép tiếp tục triển khai phê duyệt các Đề án thực hiện mô hình này ở 40 đơn vị trường học trên địa bàn TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện và 10 trường đề xuất thực hiện từ năm học 2021-2022. Cho phép điều chỉnh sĩ số học sinh/lớp ở từng cấp học khi triển khai mô hình, trong đó Mầm non là 30 học sinh/lớp; Tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; THCS, THPT không quá 40 học sinh/lớp.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Tin cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú của các gian tư vấn tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2024 dành cho thí sinh.
Nằm trong chuỗi Chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2024 do tạp chí Giáo dục TP.HCM kết hợp với Sở GD – ĐT và Đài Phát thanh - truyền hình..
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh sự ra đời Câu lạc bộ (CLB) là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.
Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng DN kinh doanh dịch vụ tư vấn du học (TVDH) lớn nhất cả nước. Để các DN hoạt động lành mạnh và phát triển bền vững, ngành giáo dục Thủ đô đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp; đồng thời lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Phát triển dựa vào khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số, phát triển ngành bán dẫn là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Sáng 15/12, trường đại học Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến lần thứ 8, trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tầm nhìn 2045.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề