Đối với môn Ngữ văn, các em phải tập trung ôn thi các phần, tích lũy mỗi ngày một ít kiến thức, đồng thời hãy luyện “3 RÈN”: Rèn kỹ năng trả lời các dạng câu hỏi về lý thuyết thể loại; rèn phương pháp lập luận phân tích, chứng minh, bình luận; rèn tâm lý vững vàng bằng cách luyện đề thường xuyên.
Đây là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thu Thảo – Tổ phó chuyên môn môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) dành cho các em học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sắp tới đây.
Cô Nguyễn Thị Thu Thảo – Tổ phó chuyên môn môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du đang củng cố kiến thức cho học sinh trong tiết học môn Ngữ văn
Tích lũy mỗi ngày một ít “vốn”
Theo cô Thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có những thay đổi đáng kể trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn so với năm 2024 nhằm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phần Đọc hiểu sẽ bao gồm một ngữ liệu có thể là văn bản văn học, văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin. Thí sinh sẽ trả lời 5 câu hỏi tự luận, tổng điểm phần này tăng lên 4 điểm.
Phần Viết sẽ chia thành viết đoạn (200 chữ) và viết bài (600 chữ). Tổng điểm của phần này giảm còn 6 điểm. Mặc dù vẫn giữ nguyên thời gian làm bài như năm ngoái, cả phần Đọc hiểu và phần Viết đều sử dụng ngữ liệu mới, không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Điều này có thể khiến các em bối rối nếu chưa biết chia thời gian hợp lý.
“Như vậy, sự thay đổi trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn năm 2025 so với năm 2024 thể hiện ở việc tăng cường sử dụng ngữ liệu mới, đa dạng hóa loại hình văn bản trong phần Đọc hiểu và điều chỉnh yêu cầu trong phần Làm văn. Những thay đổi này nhằm đánh giá toàn diện hơn năng lực đọc hiểu và viết của học sinh, đồng thời khuyến khích tư duy phản biện và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn”, cô Thảo cho biết.
Cô Thảo cho hay, đây là năm đầu tiên Bộ GD - ĐT triển khai thi theo chương trình mới. Vì vậy, các em tuyệt đối không nên chỉ tập trung ôn thi phần nào cả. Điều này sẽ dẫn đến “lệch tủ”, gây trở ngại tâm lý khi các em làm đến phần mình không giỏi. Chính vì thế, các em đừng đợi “nước đến chân mới nhảy”, hãy tích lũy mỗi ngày một ít “vốn” kiến thức. Có như vậy, đến ngày thi, chúng ta đã có một kho kiến thức. Bên cạnh đó, các em hãy nhớ “3 RÈN” sau đây: Rèn kỹ năng trả lời các dạng câu hỏi về lý thuyết thể loại; rèn phương pháp lập luận phân tích, chứng minh, bình luận; rèn tâm lý vững vàng bằng cách luyện đề thường xuyên.
Theo cô Thảo, để ôn thi hiệu quả môn Ngữ văn, học sinh cần lập kế hoạch học tập khoa học bằng cách chia nhỏ thời gian ôn tập theo ngày hoặc tuần, tránh nhồi nhét quá nhiều kiến thức cùng lúc. Bên cạnh đó, các em không nên học một mình mà có thể học nhóm để thảo luận, trao đổi kiến thức, giúp ghi nhớ tốt hơn. Giao tiếp cũng giúp tiếp thêm năng lượng, giúp việc ôn luyện có nhiều ý nghĩa. Việc rèn luyện tâm thế vững vàng cũng rất quan trọng, hạn chế lo lắng thái quá mà thay vào đó các em nên tin vào bản thân và tập trung vào quá trình ôn tập thay vì chỉ chú trọng kết quả vì kết quả sẽ thay đổi trong quá trình trau dồi. Đồng thời, các em cần giữ gìn sức khỏe bằng cách ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học và dành thời gian thư giãn để giảm căng thẳng.
Phân bổ thời gian hợp lý
Bên cạnh đó, cô Thảo đặc biệt lưu ý, trước khi vào phòng thi, học sinh nên ăn sáng vừa phải. Sau đó, các em kiểm tra đầy đủ dụng cụ học tập như phiếu báo thi, bút, thước, giấy nháp… Các em nên lưu ý những vật dụng không được phép mang vào phòng thi. Nếu thấy hồi hộp, căng thẳng, học sinh có thể hít thở sâu, giữ tâm lý thoải mái và tránh uống nhiều nước. Sau khi nhận đề, các em nên đọc kỹ 2-3 lần, xác định các vùng lý thuyết và cách trả lời, gạch chân các từ khóa quan trọng, phân tích yêu cầu đề bài để xác định hướng triển khai bài viết, đồng thời sắp xếp thời gian hợp lý cho từng phần để hoàn thành bài thi hiệu quả.
Các em có thể phân bổ thời gian làm bài thi như sau: Đọc hiểu từ 15-20 phút. Viết đoạn từ 25-30 phút. Viết bài từ 60-70 phút. Các em cần dành 5-10 phút cuối để đọc lại bài. Bên cạnh đó, các em cần làm bài có chiến lược. Cụ thể, ở các câu nhận biết cần trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm. Ở các câu thông hiểu cần tránh lan man, diễn đạt sai vấn đề, sai tác dụng. Ở câu vận dụng, cần biết liên hệ, nêu được suy nghĩ, quan điểm của mình. Phần viết đoạn không nên quá dài dòng mà vào thẳng vấn đề cần phân tích, làm rõ. Phần viết bài, học sinh cần nắm chắc dàn ý của các kiểu bài để triển khai luận điểm chứ không viết theo cảm tính hoặc thói quen của cấp dưới.
“Cô hiểu và chia sẻ cùng các em những lo lắng sẽ đến khi kỳ thi mỗi lúc gần kề. Vì vậy, để tự tin hơn ở môn Ngữ Văn, các em hãy học hiểu bản chất thay vì học thuộc lòng. Thay vì chỉ học vẹt, các em hãy tập trung vào tư duy phân tích để có thể vận dụng linh hoạt. Các em cần luyện viết mỗi ngày vì chỉ có thực hành viết thường xuyên mới giúp nâng cao kỹ năng làm bài. Kế tiếp, các em nên tự tin vào bản thân, không nên so sánh với người khác, hãy làm hết khả năng của mình. Cuối cùng, các em hãy giữ gìn sức khỏe, tinh thần lạc quan vì khi có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần thoải mái sẽ giúp bài thi đạt kết quả tốt nhất.
Ngọc Thanh