Cũng như những môn khác, môn tiếng Anh cũng sẽ có nhiều thay đổi trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT. Đề thi sẽ khó hơn, các em cần chú ý ôn tập để nắm chắc kiến thức ngữ pháp, từ vựng theo chủ đề và cấu trúc, mẫu câu, mẫu đàm thoại, cách viết thư, viết luận, viết blog trong chương trình học.
Phân bố theo các cấp độ tư duy
Theo thầy Lê Công Anh – Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều thay đổi đáng chú ý trong cấu trúc đề thi, đặc biệt là môn tiếng Anh.
Số lượng câu hỏi đề thi mới là 40 câu, thời gian là 50 phút (đề thi cũ có 50 câu, thời gian là 60 phút). Đề thi mới tập trung nhiều ở phần đọc hiểu do đó đòi hỏi học sinh phải hiểu và biết nhiều từ vựng để làm bài.
“Đề thi sẽ tập trung đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thay vì chỉ kiểm tra kiến thức và kỹ năng như trước đây. Cụ thể, đề thi sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, nghề nghiệp tương lai, môi trường, truyền thông và cập nhật kiến thức mới về nghệ thuật, xã hội, kinh tế toàn cầu…”, thầy Công Anh thông tin.
Theo đề thi mẫu 2025 của Bộ GD - ĐT thì đề thi mới khó hơn đề thi cũ (so với đề chính thức 2024).
“Đề sẽ phân bố tỷ lệ câu hỏi theo các cấp độ tư duy: 40% ở mức độ biết, 30% ở mức độ hiểu và 30% ở mức độ vận dụng. Điều này nhằm đảm bảo sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh, phục vụ cho cả mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học”, thầy Công Anh cho biết.

Thầy Lê Công Anh – Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Thái Bình cùng các em học sinh của mình
Cần phát triển kỹ năng đọc hiểu
Muốn thi tốt môn tiếng Anh, thầy Công Anh lưu ý học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản. Cụ thể, học sinh cần hiểu rõ và nắm chắc các kiến thức ngữ pháp, từ vựng theo chủ đề và cấu trúc, mẫu câu, mẫu đàm thoại, cách viết thư, viết luận, viết blog trong chương trình học.
Bên cạnh đó, học sinh cần phát triển kỹ năng đọc hiểu. Học sinh cần tăng cường luyện tập kỹ năng đọc hiểu thông qua việc đọc, những bài đọc trong sách, những bài báo, các văn bản tiếng Anh đa dạng, đặc biệt là các bài viết liên quan đến các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học và xã hội để nâng cao vốn từ.
Rèn luyện kỹ năng phân tích và suy luận. Thực hành các bài tập yêu cầu phân tích, suy luận và áp dụng kiến thức vào các tình huống cụ thể để làm quen với dạng câu hỏi vận dụng.
Chú ý phần trọng tâm
Theo thầy Công Anh, những phần kiến thức trọng tâm mà học sinh cần ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 gồm: Thứ nhất, ngữ pháp và cấu trúc câu: Tenses, Conditional Sentences, Wishes, Passive voice, Reported speech, Relative clauses, Adverbial clauses, Phrasal verbs, Modal verbs (Active and Passive)
Thứ hai, từ vựng theo chủ đề như: Giáo dục, công nghệ, môi trường, sức khỏe, thể thao, du lịch, văn hóa, khoa học, đời sống hàng ngày; Collocations (các cụm từ thường đi chung với nhau); Idioms (thành ngữ thường gặp trong đề thi); Word form; Word choice (cách chọn từ phù hợp ngữ cảnh).
Thứ ba, kỹ năng đọc hiểu: Tăng cường khả năng đoán nghĩa từ ngữ cảnh; Luyện tập dạng bài tìm ý chính, chi tiết, suy luận và tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa; Đọc hiểu các bài báo, bài luận, thông báo bằng tiếng Anh để làm quen với cấu trúc văn bản.
Thứ tư, kỹ năng viết câu và đoạn văn ngắn: Hoàn thành câu theo ngữ cảnh; Viết lại câu không thay đổi nghĩa; luyện viết đoạn văn ngắn theo các chủ đề quen thuộc; Luyện viết thư (Formal and Informal Letters); Luyện đề theo cấu trúc mới; tập làm bài dưới dạng thi thử để rèn luyện kỹ năng làm bài và quen với áp lực trong phòng thi.
“Những năm trước các em học chưa tốt thường mất điểm phần đọc hiểu. Năm nay các em nên tập trung học nhiều từ vựng hơn, rèn luyện những bài đọc hiểu nhiều hơn”, thầy Công Anh lưu ý.

Thầy Lê Công Anh trong lớp học cùng các học sinh
Bí kíp ôn tập hiệu quả
Để việc ôn tập đạt hiệu quả cao, thầy Công Anh khuyên, trong lớp học sinh cần tập trung nghe thầy cô giảng bài; Thực hành, làm việc nhóm, tranh luận; Học từ vựng, thực hành nói, viết, sử dụng từ trong mẫu câu, ngữ cảnh.
“Học sinh nên lập kế hoạch ôn tập khoa học. Theo đó, các em nên chia nhỏ thời gian ôn tập theo từng chuyên đề (ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu, viết). Các em nên làm bài dạng xen kẽ các dạng bài tập để tránh nhàm chán và giúp kiến thức được củng cố tốt hơn. Học theo phương pháp “Chủ động”, học từ vựng theo mind map (sơ đồ tư duy) thay vì học thuộc lòng từng từ đơn lẻ”, thầy Công Anh gợi ý.
“Khi bắt đầu làm bài, các em cần phân bổ thời gian hợp lý: Xác định phần dễ trước, phần khó sau để tối ưu điểm số; Không dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi khó. Tốt nhất là dành thời gian khoảng 5 đến 7 phút kiểm tra kỹ phần tô đáp án vào phiếu làm bài. Các em tập trung làm bài cẩn thận, tránh sai sót, bẫy của đề. Tô trong phiếu làm bài đúng quy cách”, thầy Công Anh lưu ý.
Ngọc Thanh