Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Sinh: Bỏ túi 6 “bí kíp” ôn tập

Chia nhỏ kiến thức, học theo sơ đồ tư duy, ghi chú các công thức quan trọng và quy tắc giải bài tập theo bảng so sánh... Đây là lưu ý của cô Mai Thị Thanh Tú – Tổ trưởng chuyên môn môn Sinh học, Trường THPT  Hùng Vương (quận 5) dành cho học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT môn Sinh năm nay.

Đề thi 3 phần

Theo cô Tú, năm nay cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có những thay đổi đáng chú ý nhằm đánh giá toàn diện năng lực của học sinh, phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Cấu trúc đề thi gồm 3 phần chính. Phần 1 có 28 câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, mỗi câu có 4 phương án và thí sinh chọn một đáp án đúng. Mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm.

Phần 2 có 4 câu hỏi trắc nghiệm Đúng/ Sai. Mỗi câu có 4 ý và thí sinh xác định đúng hoặc sai cho từng ý. Điểm số được tính dựa trên số lượng ý trả lời chính xác trong mỗi câu tương ứng với số điểm 0,1 – 0,25 – 0,5 – 1,0.

Phần 3 có 6 câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn. Phần này thường là các bài tập tính toán hoặc thông tin để học sinh tìm ra một con số. Mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm.

“Đề thi phân bổ cấp độ tư duy. Cụ thể, cấp độ nhận biết là 40%, thông hiểu là  35%, vận dụng là 25%. Xu hướng ra đề mới là giảm bớt áp lực ở các câu bài tập”, cô Thủy chia sẻ.

Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Sinh: Bỏ túi 6 bí kíp ôn tập

Cô Mai Thị Thanh Tú – Tổ trưởng chuyên môn môn Sinh học, Trường THPT  Hùng Vương cùng học sinh tốt nghiệp THPT

6 “bí kíp” ôn tập hiệu quả

Để làm được bài thi tốt nghiệp THPT đối với môn Sinh năm nay, học sinh cần lưu ý kiến thức ở cả 3 khối lớp học THPT. Khối 10 (Phần tế bào sinh vật) gồm: Khái quát về tế bào; Tế bào nhân sơ; Tế bào nhân thực. Khối 11 (Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở cấp độ tế bào và cơ thể): Thực vật; Động vật. Khối 12 (Toàn bộ chương trình lớp 12): Di truyền và biến dị ở cấp độ phân tử, tế bào, cơ thể; Di truyền học quần thể và di truyền người; Tiến hóa; Sinh thái.

“Qua đó ta thấy phần kiến thức cần hết sức lưu ý, khó và trọng tâm là: Tế bào; Di truyền và biến dị; Tiến hóa”, cô Tú nhấn mạnh.

Cô Tú chia sẻ, để ôn tập hiệu quả, nhớ lâu kiến thức cô Tú chia sẻ một số “bí kíp”. Thứ nhất, học sinh phải hiểu rõ bản chất, không học thuộc lòng máy móc, nên theo thứ tự ôn tập.

Tế bào: Tập trung vào cấu trúc, chức năng của các bào quan trong đó có liên quan quá trình trao đổi chất và năng lượng thì ôn kĩ lục lạp, ti thể và màng sinh chất. Còn liên quan đến di truyền và biến dị thì chú ý bộ phận nhân của tế bào.

Di truyền: Hiểu kỹ cơ chế di truyền cấp độ phân tử, tế bào và cơ thể, nắm rõ các quy luật Mendel và các quy luật di truyền khác. Phần này có bài tập nhiều nhất nhưng các em phải nhớ đề năm nay không đặt nặng áp lực ở bài tập mà sẽ đi sâu cơ chế.

Biến dị: Phân biệt rõ biến dị di truyền và biến dị không di truyền, đặc biệt là đột biến gene, đột biến NST và thường biến. Trong đó nắm kỹ nguyên nhân, cơ chế phát sinh các biến dị di truyền vì nó là nền móng cho phần tiến hóa tiếp theo.

Thứ hai, sơ đồ hóa kiến thức có được. Theo đó, các em cần hệ thống hóa kiến thức bằng bảng so sánh và sơ đồ tư duy (Mindmap) giúp dễ nhớ, dễ liên kết thông tin. Ví dụ, so sánh tế bào nhân thực – tế bào nhân sơ; nguyên phân – giảm phân; DNA – RNA; đột biến gen – đột biến NST; QL Mendel – QL Morgan; hiện tượng đơn gene – tương tác gene – gene đa hiệu…

Thứ ba, rèn luyện bài tập trắc nghiệm. Các em nên làm bài tập theo từng chuyên đề, từ cơ bản đến nâng cao. Khi làm bài tập về quy luật di truyền, hãy viết nháp chính xác tỉ lệ từng loại giao tử để khi tính xác suất không bị sai. Với bài toán di truyền, các em cần nắm chắc công thức xác suất, cách tạo và tính tỷ lệ giao tử - kiểu gene - kiểu hình.

Thứ tư, ghi nhớ bằng cách liên hệ thực tiễn. Các em nên liên hệ kiến thức với thực tế như ứng dụng di truyền trong nông nghiệp, y học (cây trồng biến đổi gene, bệnh di truyền ở người…).  Bên cạnh đó, các em cần xem các video mô phỏng các quá trình nguyên phân, giảm phân, sao chép DNA, phiên mã, dịch mã để hiểu rõ cơ chế.

Thứ 5, làm đề tổng hợp và tự phân tích lỗi sai. Các em nên làm đề thi thử để đánh giá năng lực và tìm ra điểm yếu của mình. Khi sai câu nào, hãy tìm hiểu lý do và ghi chú lại để tránh lặp lại lỗi trong lần sau.

Cuối cùng, đánh dấu các từ “chìa khóa” và yêu cầu của đề. Các em đọc đề phải gạch chân liền những từ “chìa khóa” cũng như yêu cầu của đề là hỏi vấn đề gì? Nếu đề có cần công thức để tính toán thì viết ngay công thức đó lên chỗ thông tin của đề. Nếu có quy ước gene thì viết gene đó lên ngay kiểu hình khoanh lại để khi cần sử dụng sẽ không bị mất thời gian…

“Phần trên chỉ là trọng tâm, từ nền tảng đó các em ôn thêm các phần còn lại sẽ thuận lợi hơn, dễ hiểu hơn. Các em hãy cố gắng kết hợp tốt các phương pháp trên sẽ ôn tập hiệu quả và đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới nhé!”, cô Tú nhắn nhủ.

Học theo sơ đồ tư duy

Chương trình có cả 3 khối 10, 11, 12 trong đó Sinh học 12 bao gồm rất nhiều chương với nhiều thuật ngữ phức tạp như tên các bào quan trong tế bào, gene, allele, nhiễm sắc thể, chromatid, đột biến, biến dị, hoán vị gene… Điều này khiến học sinh dễ bị rối giữa các khái niệm nếu không được hệ thống hóa rõ ràng và hiểu kỹ các từ, khái niệm, cơ chế đó… đặc biệt là cơ chế.

Cô Tú khuyên học sinh trong quá trình ôn tập nên chia nhỏ kiến thức, học theo sơ đồ tư duy, ghi chú các công thức quan trọng và quy tắc giải bài tập theo bảng so sánh. Bên cạnh đó các em nên lập kế hoạch ôn tập hợp lý, chia thời gian ôn tập theo từng chủ đề, dành nhiều thời gian hơn cho phần mình yếu. Kết hợp giữa lý thuyết – bài tập – luyện đề để tránh học dồn vào phút cuối.

Bên cạnh đó, học sinh nên tập trung luyện bài tập theo từng dạng: Từ dễ đến khó. Sai bài nào, ghi lại lỗi sai để rút kinh nghiệm. Các em nên thoải mái tinh thần, tránh học quá tải, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu cảm thấy bị căng thẳng có thể thay đổi cách học như xem video bài giảng, tham gia nhóm học tập… để tạo động lực mới.

“Các em cần giữ tâm lý vững vàng. Xem mỗi đề thi thử là một cơ hội trải nghiệm; Luôn tự nhắc nhở: Sai để sửa, không sai không tiến bộ…

Ngọc Thanh

Tin cùng chuyên mục

Hiện nay môn Giáo dục kinh tế và pháp luật được nhiều trường đại học đưa vào các tổ hợp xét tuyển, tạo ra nhiều cơ hội cho các em. Do đó, để đạt điểm tốt ở môn thi này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, học sinh cần đầu tư nhiều thời gian để học bài và luyện đề. Ngoài ra, các em nên đọc thêm các tài liệu liên quan đến kinh tế, pháp luật để hiểu biết thêm, không chỉ phục vụ kỳ thi mà còn áp dụng vào cuộc sống.
Theo cấu trúc đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Vật lý, học sinh sẽ khó lấy điểm nhất là các câu hỏi đúng - sai. Do đó các em cần học kỹ lý thuyết, tham khảo nhiều tài liệu, liên hệ thực tế… để làm bài tốt.
Để ôn tập có hiệu quả môn Tin học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh nên tập trung các chủ đề của phần lý thuyết, các nội có phần thực hành thì các em cần chú ý kỹ năng thực hành, thường xuyên luyện tập và thực hành các phần nội dung đã học, tham khảo nhiều nguồn tài liệu trực tuyến, ôn tập kiến thức thường xuyên, luyện giải đề thi thử
Không máy móc, rời rạc từng câu hỏi, mỗi năm một chủ đề, đề Ngữ văn lớp 10 TPHCM luôn khiến học sinh bất ngờ, giáo viên thích thú. Đề thi theo hướng mở, sáng tạo và chưa bao giờ trùng lặp.
Năm 2025 là kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các giáo viên hướng dẫn học sinh cách ôn tập khoa học, đúng hướng theo chương trình mới để đạt kết quả tốt nhất...
Các giáo viên lớp 9 giàu kinh nghiệm nêu ra những điểm mới và hướng dẫn học sinh TP.HCM cách thức ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lần đầu áp dụng Chương trình GDPT 2018.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề