Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có những thay đổi đối với môn Địa lý. Nếu những năm trước học sinh được sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam thì năm nay các em sẽ không được sử dụng. Vì vậy các em cần lên kế hoạch ôn tập thật kỹ, chú ý những điểm mới, sử dụng mẹo… để vượt qua kỳ thi thành công.
Đây là lưu ý của cô Lưu Thị Ánh (giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4) đối với học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2024-2025.

Cô Lưu Thị Ánh (giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4) đang hướng dẫn học sinh ôn tập môn Địa lý
Cẩn thận từng câu hỏi
Theo cô Ánh, năm 2025 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 nên kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng có những điểm mới. Đối với môn Địa lý, nếu trước đây, phần sử dụng Atlat chiếm hơn 10 câu trong đề thi giúp các em đỡ phải ghi nhớ phần nào kiến thức thì năm nay cấu trúc đề không có phần sử dụng Atlat.
Về cấu trúc đề năm nay có 3 phần: Phần thứ nhất là câu trả lời trắc nghiệm (4 lựa chọn) với 18 câu chiếm 4,5 điểm.
Phần thứ hai là trả lời đúng sai với 4 câu tương ứng 4 điểm. Phần này học sinh sẽ rất khó lấy điểm bởi mỗi ý đúng chỉ được 0,1 điểm, đúng 2 ý mới được 0,25 điểm, đúng 3 ý được 0,5 điểm và đúng được 4 ý mới được trọn 1 điểm câu đó.
Phần thứ ba là trả lời ngắn (tự luận). Phần này đòi hỏi học sinh phải có nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng tính toán đồng thời phải nhớ kỹ công thức cơ bản để làm bài.
Để ôn tập hiệu quả, các em phải ôn từng bài học, nắm những kiến thức cơ bản. Tốt nhất, các em nên ôn tập theo sơ đồ tư duy để nhớ kiến thức lâu.
“Sơ đồ tư duy không chỉ giúp các em ghi nhớ theo một trình tự nhất định mà còn có thể liên hệ các dữ kiện, kích thích trí não sáng tạo để tạo hứng thú cho quá trình học tập. Sử dụng sơ đồ tư duy thông qua các tiêu đề ngắn gọn, các ký hiệu, hình ảnh hai chiều giúp các em ghi nhớ một cách tổng thể, chi tiết bài học”, cô Ánh gợi ý.
Cô Ánh cho hay, phần khó nhất trong cấu trúc đề thi môn Địa lý năm nay là phần trả lời đúng sai. Học sinh giỏi nhất cũng trả lời đúng vài ý, còn lại hầu như học sinh đều bị mất điểm ở phần này. Nguyên nhân các em thường bị mất điểm ở phần này do câu hỏi mẹo. Nhiều lúc câu hỏi về đối tượng này nhưng trong đáp án lại đề cập đến đối tượng khác. Ngoài ra, trong các câu hỏi ở phần này sẽ có một câu bắt học sinh phải vận dụng (liên hệ thực tiễn). Khi các em đáp ứng các yêu cầu mới được “ăn điểm”, chỉ cần sai một ý là mất điểm.
Về phần kiến thức, cô Ánh cho biết, theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiến thức phân bổ đều ở các phần trong sách giáo khoa gồm: Địa lý tự nhiên; địa lý dân cư; địa lý về các ngành kinh tế, vùng kinh tế và nội dung nhỏ về biển đảo. Ngoài ra, trong đề thi minh họa của Bộ đưa ra còn có phần chuyên đề Địa lý.
“Hiện nay có bất cập là đối với các lớp học chuyên đề các em có phần kiến thức này nhưng các lớp khác (học sinh không chọn chuyên đề Địa lý) thì các em sẽ gặp khó khăn ở những câu hỏi về chuyên đề. Vì trong chuyên đề Địa lý thì mỗi tuần học sinh có 1 tiết (1 năm có 35 tiết). Nếu học sinh không được học chuyên đề sẽ khiến các em khó đạt điểm cao, nhất là ở điểm 9, điểm 10”, cô Ánh chia sẻ.
Nên chú ý “từ khóa”
Cô Ánh cho rằng, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, học sinh phải chú tâm ôn tập nghiêm túc và nắm được mẹo để nhớ kiến thức lâu. Theo đó, các em có thể nắm từ khóa nội dung. Ví dụ “nằm trong vùng nội chí tuyến thì Việt Nam có những đặc điểm gì?”. Khi có câu này các em phải nhắc đến “nhiệt” (nhiệt độ cao, nắng nhiều, bức xạ mặt trời lớn…). Nếu đề hỏi “nằm trong vùng nội chí tuyến nhưng chịu tác động bởi gió” thì các em phải nhắc đến “khí hậu hai mùa gió lệch”. Hoặc câu hỏi liên quan đến “nằm ở vành đai sinh khoáng” trong đáp án phải có từ khóa “khoáng sản phong phú”.
Đối với công thức tính toán bắt buộc các em phải nhớ công thức. Tuy nhiên cũng có một số công thức các em khó xác định được cái nào đứng trước, cái nào đứng sau. Ví dụ, đối với tính “cán cân xuất nhập khẩu”, nếu đề yêu cầu “tổng xuất nhập khẩu” thì học sinh dùng phép tính cộng là đúng. Nhưng nếu đề yêu cầu “cán cân xuất nhập khẩu” học sinh hay dùng phép trừ, tức lấy “nhập” trừ “xuất” là sai. Trường hợp này các em phải lấy “xuất’ trừ “nhập”. Do đó, trong bài thi nếu đề có yêu cầu tính “cán cân xuất nhập khẩu” học sinh phải nhớ “xuất” trước, “nhập” sau. Hoặc đề yêu cầu “tính mật độ dân số” và có người/km2 thì học sinh phải biết lấy “dân số” chia cho “diện tích”.
Một lưu ý nữa đối với môn thi Địa lý là học sinh nên làm tròn số. Ví dụ đối với số 52,35, nếu đề yêu cầu làm tròn đến một chữ số thập phân thì lấy 52,4; yêu cầu làm tròn đến hai chữ số thập phân thì lấy 52,35; làm tròn đến hàng đơn vị chỉ còn 52.
“Khi các em đã nắm kỹ kiến thức, tùy vào thế mạnh học sinh nên cân nhắc làm bài phần dễ trước. Em nào giỏi phần trắc nghiệm có thể làm trước phần này, em giỏi phần trả lời đúng sai có thể chọn làm phần này trước. Em nào tư duy tốt có thể lấy trước 4 điểm phần trả lời ngắn. Nói chung các em chọn làm phần nào trước cũng được miễn sao làm bài kịp thời gian, đạt hiệu quả cao”, cô Ánh lưu ý.
Ngọc Thanh