Những lưu ý từ Bộ Ngoại giao Mỹ về du học tại nước này

Nhân chuyến công tác đầu tiên tới VN, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ thông tin đáng chú ý về chính sách du học của nước này cũng như những điểm nhấn về hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Mỹ sắp trải qua cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo khi ông Donald Trump chính thức đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2025 - 2029. Nhân dịp này, ông Rafik Mansour, Phó trợ lý Ngoại trưởng thuộc Vụ Các vấn đề văn hóa và giáo dục của Bộ Ngoại giao Mỹ (ECA), đã có cuộc trò chuyện về xu hướng du học Mỹ ở VN và những hỗ trợ mà Mỹ dành cho học sinh VN trong thời gian tới.

Những lưu ý từ Bộ Ngoại giao Mỹ về du học tại nước này

Ông Rafik Mansour, Phó trợ lý Ngoại trưởng thuộc Vụ Các vấn đề văn hóa và giáo dục của Bộ Ngoại giao Mỹ (ECA), trao đổi về những chính sách du học Mỹ. ẢNH: BẢO HẠO

30.000  người Việt du học Mỹ 

Dẫn lại dữ liệu từ báo cáo Open Doors 2024 mới công bố, ông Mansour chia sẻ số lượng du học sinh (DHS) Việt đến các cơ sở giáo dục ĐH Mỹ trong năm nay tăng 1%, lên hơn 22.000. Tuy nhiên, nếu tính cả các DHS phổ thông, con số này là khoảng 30.000. "VN đứng thứ 6 về số sinh viên (SV) ĐH tại Mỹ và nhiều năm qua luôn nằm trong tốp 10 về số SV quốc tế tại các trường ĐH", ông Mansour chia sẻ.

Một điểm đáng chú ý là chất lượng SV VN đang cải thiện, thể hiện rõ nét qua năng lực tiếng Anh và thành tích học tập của DHS khi theo học ở Mỹ ngày càng tăng. Đây là nhận xét từ các trường ĐH Mỹ và chính ông Mansour cũng nhận thấy điều tương tự khi giao lưu với HS phổ thông. "Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học sẽ làm lợi rất nhiều cho người trẻ nói riêng và VN nói chung", ông nhận định.

Có gì thay đổi sau khi ông Trump nhậm chức ?

Khi được hỏi về chính sách của Mỹ với SV quốc tế sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức vào năm tới, ông Mansour tuy không trả lời trực tiếp nhưng cho biết nước này luôn muốn thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới nên rất hoan nghênh SV quốc tế đến học tập và đóng góp. Một trong những chính sách nổi bật để hỗ trợ DHS là chương trình thực tập không bắt buộc, viết tắt là OPT.

"Với OPT, các bạn sẽ được ở lại Mỹ một năm sau khi tốt nghiệp tại các trường ĐH Mỹ. Con số này sẽ tăng thêm 2, lên tổng cộng 3 năm nếu SV quốc tế học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Chúng tôi đang cố thúc đẩy giáo dục STEM đến tất cả mọi người, nhất là phụ nữ và trẻ em gái", ông Mansour thông tin và cho biết thêm năm nay có hơn 1,1 triệu DHS tới Mỹ.

"Người Mỹ được lợi không chỉ từ trao đổi học thuật mà còn từ sự trao đổi văn hóa cùng đóng góp văn hóa mà SV quốc tế mang đến cho đất nước chúng tôi", đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh. "Chúng tôi muốn nhiều HS từ VN hơn nữa đến Mỹ học tập".

Cũng theo ông Mansour, VN và Mỹ vừa đánh dấu một năm nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và năm tới cả hai nước cũng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. "Chúng tôi muốn tăng cường hợp tác với VN trên nhiều lĩnh vực, nhất là giáo dục, vì đây là tương lai của hai quốc gia và cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ giao lưu nhân dân", ông Mansour chia sẻ.

Một điểm nhấn khác được ông Mansour đề cập là vào năm 2025, hai nước sẽ lần đầu tổ chức cuộc đối thoại nhân dân nhằm tìm thêm cơ hội hợp tác không chỉ cho người học mà còn cho cả giáo viên và cán bộ quản lý ĐH. Trước đó, VN cũng lần đầu được chọn tham gia Chương trình quản trị CĐ cộng đồng (CCAP), giúp giáo viên (GV), SV học hỏi các kỹ năng mới, hỗ trợ đất nước nâng tầm lĩnh vực công nghệ cao.

"Để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho bất kỳ quốc gia nào đều cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, và Mỹ sẽ luôn sẵn sàng đồng hành với VN trong quá trình này", ông Mansour khẳng định.

Những lưu ý từ Bộ Ngoại giao Mỹ về du học tại nước này

Học sinh tìm hiểu về du học Mỹ. ẢNH: NGỌC LONG

Lời khuyên cho sinh viên Việt Nam

Ông Mansour thông tin Mỹ hiện có hơn 3.500 ĐH được kiểm định và cả người Mỹ cũng gặp khó trong việc lựa chọn điểm đến học tập phù hợp. Vì thế, Văn phòng giáo dục Mỹ (EducationUSA) đã được xây dựng để hỗ trợ người Việt không chỉ trong quá trình chọn trường và hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển mà còn cả lúc xin học bổng lẫn thị thực (visa) du học. Tất cả được thực hiện dưới sự tư vấn của các chuyên gia.

"Dịch vụ này hoàn toàn miễn phí và có sẵn ở các Trung tâm Hoa Kỳ (American Center) tại Hà Nội và TP.HCM", đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh và nói thêm vào Tuần lễ giáo dục quốc tế cũng như xuyên suốt cả năm, EducationUSA tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm... trên khắp VN, cả trực tuyến và trực tiếp cho người học lẫn GV quan tâm đến việc giao lưu, đối thoại nhiều hơn với Mỹ.

Ngoài ra, về tình hình bảo đảm an ninh trong khuôn viên các ĐH Mỹ, ông Mansour khuyên: "Các bạn hãy yên tâm rằng sự an toàn của SV dù là người Mỹ hay người nước ngoài luôn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là trong các trường ĐH. Các trường ĐH ở Mỹ đều có cảnh sát và hệ thống an ninh riêng nên rất an toàn".

"Chúc các bạn SV VN có trải nghiệm học tập bổ ích, an toàn và đáng nhớ tại Mỹ", ông Rafik Mansour nhắn gửi.

ĐH Mỹ ưu ái xét tuyển, trao học bổng cho người Việt

Trước đó, tại triển lãm giáo dục ĐH Mỹ do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức, nhiều trường ĐH Mỹ chia sẻ rằng đang "rộng cửa" xét tuyển người Việt khi chỉ cần điểm học bạ cùng chứng chỉ tiếng Anh, và thậm chí có thể trao học bổng giá trị dựa trên điểm đạt được trên lớp. "Điểm học bạ càng cao, mức học bổng các bạn nhận về cũng càng cao", bà Đinh Mỹ Phương, đại diện tuyển sinh ĐH Rochester, chia sẻ.

Vì sao chỉ yêu cầu hai tiêu chí? Ông Greg Holz, cán bộ tuyển sinh quốc tế ở ĐH Central Missouri, trả lời trường muốn vận hành thủ tục nhập học đơn giản để không có HS nào vướng bận chi phí ôn thi SAT (bài thi dùng để xét tuyển ĐH Mỹ). ĐH Wichita State thậm chí không yêu cầu HS nộp chứng chỉ tiếng Anh và cho phép các bạn học thêm sau khi tới trường, theo bà Fai Tai, Phó giám đốc phụ trách tài chính và marketing.

Một xu hướng khác là các trường Mỹ đẩy mạnh tuyển sinh tại VN bằng nhiều cách khác nhau, từ bậc phổ thông đến ĐH. Một số giảm tải áp lực bằng cách lược bỏ điểm thi GRE (bài thi dùng để xét tuyển bậc thạc sĩ), hoặc tổ chức vòng sơ tuyển tại VN như Học viện Âm nhạc Berklee.

Theo tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty OSI Vietnam có trụ sở tại TP.HCM, việc ứng tuyển vào các trường ĐH Mỹ hiện nay đơn giản hơn nhiều. Chưa kể, DHS cũng có thể dễ dàng chuyển tiếp lên bậc học hoặc lớp học cao hơn, như học xong lớp 8 ở VN có thể qua Mỹ học tiếp lớp 9, hay tốt nghiệp THPT ở VN và qua Mỹ học tiếp ĐH.

"Hiện tại, HS VN không cần viết bài luận cá nhân, xin thư giới thiệu hay nộp thông tin về hoạt động ngoại khóa trừ khi muốn nhắm đến các ĐH hàng đầu Mỹ. Mức điểm học bạ mà hầu hết các trường yêu cầu cũng chỉ rơi vào khoảng 2,5/4 (khoảng 6,5/10 điểm), hay có nơi còn yêu cầu thấp hơn chỉ 2 (khoảng 5,5)", tiến sĩ Thắng chia sẻ và nói: "Nếu chưa giỏi ngoại ngữ, các bạn còn được trường tạo điều kiện cho học tiếng Anh".

Tiến sĩ Mark Ashwill, Giám đốc điều hành Công ty Capstone Vietnam có trụ sở tại Hà Nội, nhận định trong bối cảnh nhiều quốc gia điều chỉnh chính sách du học, Mỹ vẫn giữ ổn định ở cấp quốc gia còn ở cấp trường thì đang trao nhiều học bổng hơn trước. Vị tiến sĩ này cũng lưu ý một số ĐH hàng đầu Mỹ bắt đầu yêu cầu điểm SAT trở lại trong tuyển sinh song phần lớn vẫn không yêu cầu nộp kết quả bài thi này.

Riêng với quá trình xét duyệt visa du học Mỹ, ông Justin Walls, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin (Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM), khẳng định: "Các chính sách visa du học ở VN vẫn giữ ổn định, nhất quán". Ông Walls cho biết thêm khi xét duyệt hồ sơ, bộ phận cấp visa du học ở VN dùng rất nhiều dữ liệu, phân tích để đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo những SV đủ điều kiện có thể thuận lợi sang Mỹ học tập.

Theo Ngọc Long/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Xét tuyển học sinh Việt Nam bằng điểm bài thi chuẩn hóa là động thái mới từ ĐH Quốc gia Úc (ANU), sau nhiều năm chỉ nhận ứng viên học ở 92 trường chuyên, trường điểm.
Chính phủ Hungary sẽ cấp tối đa 200 suất học bổng cho công dân Việt Nam để theo học tại Hungary ở các lĩnh vực: Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học, Bán dẫn, Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Giáo dục, Kinh tế, Khoa học y tế và sức khỏe, Nông nghiệp, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Khoa học xã hội và Nhân văn, Luật, Kiến trúc, Thú y và Khoa học thể thao.
Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD -ĐT cho biết năm 2025 Chính phủ Trung Quốc sẽ cấp 34 chỉ tiêu học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trung Quốc theo diện Hiệp định.
Châu Âu đang trở thành điểm đến hấp dẫn sinh viên Việt Nam nhờ hệ thống giáo dục chất lượng cao, chi phí học tập hợp lý, đặc biệt là cơ hội miễn hoặc giảm học phí. Với chương trình đào tạo nghề tại nhiều quốc gia, người học không chỉ được miễn học phí mà còn được trả lương từ 800-1.200 euro/tháng.
Du học sinh Việt ngoài được miễn học phí và nhận trợ cấp 1.000 euro/tháng khi học nghề Điều dưỡng, còn có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp vì lĩnh vực này đang thiếu lao động.
Hơn 10.000 thư mời nhập học của sinh viên quốc tế từ các trường cao đẳng và đại học Canada đã bị phát hiện là có khả năng giả mạo trong năm nay, theo thông tin từ quan chức di trú phụ trách sinh viên quốc tế ở nước này.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.