Những lỗi thí sinh thường mắc khi làm bài thi tốt nghiệp

Giáo viên các trường THPT khuyên thí sinh nên bình tĩnh, tự tin, làm bài thi chắc chắn, tránh những sai sót dẫn đến mất điểm đáng tiếc.

Những lỗi thí sinh thường mắc khi làm bài thi tốt nghiệp
Cô trò Trường THPT Điềm Thụy (Thái Nguyên) đến trường ôn tập trước kỳ thi Ảnh: Anh Minh

Thầy Hoàng Mạnh Tùng, giáo viên dạy Hóa học - Trường THPT Điềm Thụy (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), khuyên học sinh, khi cầm đề trên tay phải bình tĩnh, đọc từng câu cẩn thận, làm bài tuần tự từ dễ đến khó. Câu khó quá, thí sinh có thể gác lại, tránh mất thời gian, tập trung làm câu dễ trước. Sau khi hoàn thành câu cơ bản, mới cân đối thời gian làm câu khó. “Thông thường, thí sinh hay mắc những lỗi như nháp đúng, điền kết quả sai hoặc bỏ sót 1-2 câu. Do đó, trước khi nộp bài nên dành 5 phút để rà soát lại một lần nữa. Ngoài ra, phải kiểm tra kỹ số báo danh, mã đề vì nhiều em áp lực tâm lý hay tô nhầm những chỗ này”, thầy Tùng nói.

Cô Nguyễn Thị Phương Hoa, giáo viên Trường THPT Phú Bình (Thái Nguyên), cho rằng, khi kiến thức đã đủ, điều quan trọng nhất khi vào phòng thi, thí sinh phải giữ vững tâm lý để cân đối thời gian tính toán, làm bài thi vì với bài thi trắc nghiệm, chỉ có 50 phút cho 40 câu hỏi. Nếu không chắc kiến thức, dễ tô nhầm đáp án.

Với môn Ngữ văn, nhiều giáo viên cho rằng, thời điểm này, học sinh chỉ nên hệ thống lại toàn bộ kiến thức đã học. Đặc thù của môn học là ngoài phải trúng ý thì khả năng diễn đạt của thí sinh càng tốt càng thuyết phục người chấm “phóng tay” cho điểm. Do đó, khi diễn giải, thí sinh phải trau chuốt câu từ, không nên đưa văn nói vào bài. Với bài viết đoạn văn, các em phải cụ thể hóa từng bước để diễn đạt trúng, tránh bị mất điểm. Những năm gần đây, đề Ngữ văn thường có câu yêu cầu học sinh viết nghị luận xã hội về vấn đề gần gũi với đời sống, thời sự xã hội, do đó, các em nên dành thời gian cập nhật các vấn đề thời sự.

Thầy Đào Nguyên Sử, giáo viên bộ môn Toán - Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), cho rằng, giờ đây học sinh nên ôn tập lại toàn bộ chương trình và luyện đề. Các em nghiêm túc đặt thời gian đúng 90 phút như bài thi và làm bài, đồng thời đặt mục tiêu đạt bao nhiêu điểm để làm thử. Đề thi đã được sắp xếp từ dễ đến khó, thí sinh đọc kỹ, khoanh đúng, tuyệt đối không được để sai ở các câu nhận biết, thông hiểu (phần này chiếm 7-7,5 điểm).

Tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi

Thời điểm này, giáo viên các trường THPT căn dặn thí sinh giữ sức khỏe, ăn uống đủ chất. Ngày thi, nên nhờ bố mẹ đưa đến điểm thi sớm để có thời gian xử lý các tình huống có thể phát sinh. Nếu thời tiết nắng nóng, thí sinh đi sớm để ổn định thân nhiệt, tránh trường hợp đi nắng, nhiệt độ tăng cao sẽ bị đưa vào phòng y tế hoặc phòng cách ly tạm thời. Thí sinh chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, dụng cụ được phép mang vào phòng thi. Đặc biệt, thí sinh tuyệt đối không mang điện thoại, thiết bị điện tử vào phòng thi.

3 an

Ngày 2/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khảo sát, kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, ông Sơn nhấn mạnh 3 từ khóa an toàn, an ninh và an tâm. Cần tạo sự an tâm cho thí sinh, cán bộ, giáo viên làm thi và xã hội an tâm với kỳ thi, xử lý tốt tình huống phát sinh, ông nói. Báo cáo với đoàn kiểm tra, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, ông Võ Hoàn Hải, nói: “Chúng tôi không điều động cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan đến yếu tố dịch tễ tham gia công tác thi”.

Ông Nguyễn Chí Thành (Bộ Công an) cho hay, theo quy định, những nơi in sao đề thi đã được đặt máy phá sóng. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế tại một số nơi, có địa phương trong khu vực thi và in sao đề thi được trang bị máy photocopy rất hiện đại, có thể bắt sóng wifi. Do đó, ông khuyến cáo Khánh Hòa cần làm theo đúng quy chế, chỉ sử dụng những thiết bị không có khả năng bắt, phát wifi, không có thẻ nhớ trong khu vực thi.

Nghiêm Huê

Ngày 2/7, tại hội nghị trực tuyến tập huấn về tổ chức thi tốt nghiệp THPT, ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng - Sở GD&ĐT Hà Nội, lưu ý, cán bộ coi thi phổ biến để thí sinh ghi nhớ danh mục thiết bị, vật dụng được và không được phép mang vào phòng thi. Các điểm thi chuẩn bị hộp để cán bộ coi thi để toàn bộ điện thoại, thiết bị điện tử ở ngoài.Các thiết bị điện tử công nghệ cao hiện nay phổ biến là loại không dây, có thể tích hợp vào nhiều vật dụng, khó phát hiện. Vì vậy, khi gọi thí sinh vào phòng thi, cán bộ coi thi cần quan sát vật dụng mà các em mang theo, đề phòng cả việc thí sinh lợi dụng đeo khẩu trang để gắn thiết bị gian lận.

Chiều 2/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác thi tại các điểm thi của Hà Nội. Ông Độ lưu ý địa phương rà soát kỹ thí sinh liên quan COVID-19, tuyệt đối không để lọt thí sinh “có F” vào kỳ thi.

Theo Hà Linh/TPO

Tin cùng chuyên mục

Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Thí sinh muốn phúc khảo bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cần đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 17- 4.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 đợt 1, trong đó thủ khoa đạt 1.076 điểm (thang điểm 1.200).
Hôm nay (15/4), ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1. Kỳ thi có gần 100.000 thí sinh tham dự. Sau đây là cách xem điểm thi đánh giá năng lực.
Có trường đại học, có ngành, thí sinh phải đạt từ 850 điểm (thang điểm 1.200) thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM mới được nộp hồ sơ xét tuyển.
Năm 2024, Trường ĐH Y dược TP.HCM thêm phương thức tuyển sinh mới, áp dụng riêng cho 2 ngành y khoa và răng-hàm-mặt.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề